Lý do gì khiến cụm tháp Chăm dưới chân núi Ka-đá ở Bình Thuận trở nên "độc nhất vô nhị"?

Đức Cường Chủ nhật, ngày 06/08/2023 13:30 PM (GMT+7)
Cụm tháp Chăm Po Dam nằm dưới đỉnh đồi Ka Đá ở làng Chăm Lạc Trị, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong (Bình Thuận) được người Chăm xây dựng để thờ vị một vị vua Champa-vua Po Dam. Đây là cụm tháp Chăm độc nhất vô nhị với nhiều khác biệt so với các tháp Chăm khác ở vùng duyên hải Bình Thuận và Ninh Thuận.
Bình luận 0

Tháp Chăm dưới chân núi Ka-đá

Một ngày đầu tháng 8/2023, chúng tôi có dịp theo đoàn khách thập phương ghé thăm cụm tháp Chăm Po Dam nổi tiếng ở huyện Tuy Phong (Bình Thuận). Đây là cụm tháp Chăm độc đáo nhất và khác biệt nhất so với nhiều tháp Chăm khác ở Bình Thuận và Ninh Thuận.

Bí ẩn của tháp Chăm Po Dam dưới chân núi Ka-đá ở Bình Thuận - Ảnh 1.

Cụm Tháp Chăm Po Dam ở xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Tháp Chăm Po Dam xây dựng để thờ một vị vua Champa-vua Po Dam. Ảnh: Đức Cường

Từ TP. Phan Thiết chúng tôi di chuyển hơn 110km đến địa phận làng Chăm Lạc Trị ở xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong (Bình Thuận). 

Từ làng Chăm này, chúng tôi tiếp tục đi xe máy trên con đường đất dẫn đến tháp Po Dam nằm dưới chân núi Ông Xiêm mà người Chăm gọi là núi Ka-đá hay Ka Giang. Suốt chặng đường hơn 6km là phong cảnh hữu tình, khí trời trong xanh, đồng lúa mênh mông ngút tầm mắt.

Ông Bích Văn Hữu, người Chăm làng Lạc Trị, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong cho biết, tháp Po Dam được người Chăm địa phương gọi là Po Tằm. Đây là vị vua có nhiều công lao với đất nước Chăm Pa nên khi ngài mất đã được người Chăm tôn lên làm thần và xây dựng tháp để tôn thờ.

Theo ông Hữu, trải qua hàng trăm năm lịch sử, tháp Po Dam là một trong những tháp Chăm ở Bình Thuận được người Chăm (theo đạo Bàlamôn) thờ cúng và thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng hàng năm.

Sử liệu dân gian Chăm ghi lại, tháp Po Dam được xây dựng để thờ vua Po Dam, tức Po Kathit mà người Việt gọi là Bàn La Trà Duyệt. 

Ông là người có công lớn trong việc xây dựng hệ thống thủy lợi, giúp dân an tâm canh tác nông nghiệp để phát triển đời sống.

Bí ẩn của tháp Chăm Po Dam dưới chân núi Ka-đá ở Bình Thuận - Ảnh 3.

Tháp cao nhất ở cụm phía Nam tháp Po Dam, cửa tháp Champa này ở hướng Nam. Ảnh: Đức Cường

Nhiều nhà khảo cổ cho rằng, chưa xác định rõ thời gian xây dựng tháp nhưng qua so sánh về phong cách nghệ thuật, các nhà khảo cổ học chỉ tạm xác định tháp Po Dam cùng niên đại với các tháp phong cách Hòa Lai (Ninh Thuận), có thể ở cuối thế kỷ thứ 8 đầu thế kỷ thứ 9.

Tuy nhiên, khi đối chiếu với lịch sử Chăm Pa thì thấy niên đại trị vì của Po Dam là 1433 – 1460. Truyền thuyết Chăm kể rằng, đương thời đã có một cuộc thách đố về việc vua Klong Garai và Po Dam (khi ấy là quan đại thần) ai xây xong tháp trước, và Po Klong Garai đã chiến thắng.

Po Dam cũng là nhóm tháp khác biệt hơn so với các nhóm tháp Chăm thông thường vì nó được xây dưới chân đồi thay vì trên đỉnh đồi, các cửa chính quay về hướng Nam thay vì hướng Đông.

Khác với nhiều tháp Chăm thường được xây dựng trên đỉnh núi, tháp Po Dam lại được xây dựng dưới chân Núi. 

Cụm tháp này có 6 tháp nhưng hiện nay chỉ còn 4 tháp chia làm 2 cụm tháp nằm riêng biệt nhau. Trong đó cụm tháp phía Nam có 3 tháp còn khá nguyên vẹn sau nhiều lần được nhà nước trung tu. Riêng cụm tháp phía Bắc chỉ còn một tháp, các tháp khác đã đổ sụp theo thời gian và chỉ còn lại dấu tích phần móng.

Theo quan sát của chúng tôi, tất cả các tháp ở cụm tháp Po Dam đều có cửa quay về hướng Nam, khác hoàn toàn so với các tháp của người Chăm thương quay về hướng Đông. 

Ngoài ra, các tháp trong cụm tháp Chăm ở đây cũng có kích thước và chiều cao thấp hơn các tháp Chăm khác. Trong đó, tháp cao nhất chỉ cao nhất cũng chỉ chừng 6 – 7 mét, mỗi cạnh đáy từ 3 - 3,5 mét.

Bí ẩn của tháp Chăm Po Dam dưới chân núi Ka-đá ở Bình Thuận - Ảnh 4.

Tháp duy nhất còn lại ở cụm phía Bắc có nhiều hoa văn Chăm Pa cổ. Ảnh: Đức Cường

Trong cả 4 tháp hiện nay thì tháp chính ở cụm phía Bắc vẫn còn lưu giữ được nét hoa văn xưa của văn hóa Chăm. 

Qua nhiều lần khảo sát, các nhà nghiên cứu cho rằng đây là những hoa văn cổ mang phong cách Hòa Lai của văn hóa Champa (giống tháp Hòa Lai ở Ninh Thuận). Hiện nay, du khách vẫn có thể tận thấy những nghệ thuật trang trí đều và dày đặc trên thân, vòm cuốn, trụ áp tường của tháp.

Bí ẩn của tháp Chăm Po Dam dưới chân núi Ka-đá ở Bình Thuận - Ảnh 6.

Hoa văn phong cách Hòa Lai từ thế kỷ VIII đến thế kỷ IX ở tháp Bắc. Ảnh: Đức Cường

Riêng cụm tháp phía Nam hiện nay có 3 tháp cao thấp khác nhau. Cả 3 tháp này đã được trùng tu khá hoàn chỉnh. Trong đó, có 1 tháp không có phần mái, hai tháp còn lại có cửa tháp nhỏ và hẹp, bên trong có không gian hẹp hơn so với các tháp Chăm truyền thống.

Ngoài ra, trong khuôn viên tháp cổ còn có nhiều hiện vật được bày trí trang nghiêm để người Chăm địa phương tôn thờ và thực hiện các nghi lễ hàng năm.

Với những bí ẩn và giá trị lịch sử chứa đựng nền văn hóa Champa, tháp Po Dam đã được Nhà nước xếp hạng Di tích Quốc gia vào ngày 28 tháng 6 năm 1996.

CLIP: Tháp Po Dam-tháp Champa ở huyện Tuy Phong tỉnh Bình Thuận. T/h: Đức Cường

Tháp Po Dam là nơi diễn ra các lễ hội đặc sắc của người Chăm Bình Thuận

Sau nhiều lần trùng tu, toàn bộ khu di tích tháp Po Dam đã được khôi phục khá toàn diện. Trong khuôn viên tháp Po Dam được xây dựng công trình phụ trợ như: sân vườn, nhà trưng bày… cũng được tỉnh Bình Thuận đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách.

Bí ẩn của tháp Chăm Po Dam dưới chân núi Ka-đá ở Bình Thuận - Ảnh 8.

Tháp Po Dam tuy không còn nguyên vẹn các tháp nhưng đây là nơi linh thiêng của người Chăm. Ảnh: Đức Cường

Tại đây, người Chăm (Bàlamôn) trong vùng thường tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, lễ hội rất đặc sắc như lễ Cầu đảo, lễ Tống ôn, lễ Cầu mưa, lễ hội Katê. Đặc biệt nhất là lễ hội Po Dam, được tổ chức 3 năm một lần theo phong tục địa phương thu hút rất đông người dân và du khách.

Lễ hội Po Dam theo quan niệm của người Chăm là lễ cầu an (Yôr yang). Lễ hội này nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, dân làng ấm no. Ngoài ra, đây cũng là lễ hội để tưởng nhớ công ơn của tổ tiên và các vị thần linh cho quốc thái dân an, nước nhà hưng thịnh.

Lễ hội Po Dam huy động tất cả các hệ phái chức sắc với nhiều nghi thức mang đậm dấu ấn Bàlamôn giáo như: nghi lễ rước y trang, tống ôn, tắm tượng các vị thần, mặc trang phục, cầu an, đại lễ, đốt lửa thiêng, thả bè...

Thời gian diễn ra lễ hội Po Dam vào đầu tháng tư Chăm lịch (tháng 7 Dương lịch). Lễ hội diễn ra chính thức 2 ngày 1 đêm, gồm các nghi lễ theo phong tục của người Chăm. Ngoài ra, lễ hội cũng là dịp để các nam thanh nữ tú làng Chăm Lạc Trị còn biểu diễn các tiết mục văn nghệ, các trò chơi dân gian, tất cả tạo nên bức tranh đầy sắc màu của văn hóa Chăm độc đáo.

Bí ẩn của tháp Chăm Po Dam dưới chân núi Ka-đá ở Bình Thuận - Ảnh 10.

Người Chăm ở Phú Lạc về tháp Po Dam thực hiện các nghi lễ. Ảnh: Minh Chiến

Trong những ngày vui đón lễ hội, đồng bào Chăm nơi đây dành thời gian đi thăm hỏi, chúc nhau mọi sự tốt lành. 

Đây cũng là dịp để người Chăm trong làng hướng đến sự đoàn kết tình làng nghĩa xóm. Lễ hội cũng là cầu nối hóa giải những hiềm khích mâu thuẩn để hỗ trợ lẫn nhau trong lao động sản xuất và chung tay xây dựng quê hương ngày càng thêm giàu đẹp.

Ngoài ra, tháp Po Dam cũng là một trong những điểm đến được ngành du lịch tỉnh Bình Thuận giới thiệu đến du khách trong hành trình trải nghiệm vùng đấy nắng gió Tuy Phong.

Đứng trên trung tâm đền tháp Po Dam, chúng tôi được dịp chiêm ngắm những đồng lúa xanh mát ngút tầm mắt, phóng tầm mắt thêm nữa là nếp nhà làng Chăm Lạc Trị. Thời điểm hoàng hôn chiều tà, từng đoàn tàu xuôi ngược Bắc – Nam nhộn nhịp dưới chân tháp tạo nên cảnh yên bình hiếm nơi nào có được.

Bí ẩn của tháp Chăm Po Dam dưới chân núi Ka-đá ở Bình Thuận - Ảnh 11.

Phong cảnh hữu tình dưới chân tháp Po Dam. Ảnh: Đức Cường

Theo sử liệu dân gian Chăm, Po Dam tức là PoKathit sinh năm 1387, là con của vua Parachanh và là em của Po Sah Inư.

Po Dam lên ngôi vua vào năm Bính Dần 1446 tại Bal Bat Thinưng (Khánh Hoà), thoái vị vào năm 1472 Nhâm Thìn. Khi Ngài mất đã được nhân dân tôn thành thần với tên hiệu Po Dam, xây dựng tháp để suy tôn.

Po Dam có 2 người con trai là PoKaBrah và PoKaBih. PoKaBrah có đền thờ tại thôn Vĩnh Hanh xã Phú Lạc, còn PoKaBih có đền thờ tại ruộng Cây Táo, thôn Lạc Trị xã Phú Lạc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem