Bí ẩn đội quân 3.000 tử sĩ 'sống trong bóng tối' cực trung thành với Tư Mã Ý

Minh Nhật (theo Sohu) Chủ nhật, ngày 12/09/2021 19:59 PM (GMT+7)
Nhiều nhân vật kiệt xuất trong lịch sử Trung Quốc thường bí mật nuôi đội quân tinh nhuệ riêng và Tư Mã Ý - nhà chính trị, nhà quân sự nổi tiếng thời Tam quốc cũng vậy. Tư Mã Ý nuôi một đội quân 3.000 tử sĩ tinh nhuệ, sống trong bóng tối cả đời, thề sống chết để bảo vệ chủ nhân.
Bình luận 0
Bí ẩn đội quân 3.000 tử sĩ 'sống trong bóng tối' cực trung thành với Tư Mã Ý - Ảnh 1.

Tư Mã Ý có đội quân hơn 3.000 tử sĩ vô cùng trung thành. Ảnh Sohu.

Theo Sohu, những tử sĩ này sẵn sàng chết vì chủ nhân nên được gọi là tử sĩ. Họ không có danh tính, không có ý chí và tham vọng cá nhân đồng thời không bao giờ chống lại mệnh lệnh của chủ nhân. Thậm chí, sự tồn tại của họ cũng được giữ kín nên họ được gọi là những người "sống trong bóng tối".

Nhưng làm thế nào Tư Mã Ý có thể giấu kín 3.000 tử sĩ này và đảm bảo họ sẽ trung thành với ông đến chết? 

Theo Sohu, Tư Mã Ý đã có một phương pháp vô cùng thông minh. Theo đó, vốn là người vô cùng tham vọng và khôn ngoan, khi quyền lực quân sự trong tay Tư Mã Ý gia tăng, để đảm bảo an toàn cho mình gia tộc cũng như để phục vụ cho ý đồ lật đổ nhà Tào Ngụy trong tương lai, ông ta bắt đầu xây dựng đội quân tử sĩ không sợ chết, sẵn sàng bán mạng vì chủ nhân.

Cho nên Tư Mã Ý đã tìm và tập hợp những đứa trẻ mồ côi từ nhiều nơi mang về nuôi dưỡng và bí mật huấn luyện.

Tư Mã Ý đã thu thập được hơn 3.000 trẻ mồ côi, không còn người thân họ hàng từ khắp nơi mang về phủ nuôi dưỡng. Việc chọn trẻ mồ côi là để đảm bảo họ sẽ chỉ nghe lời nhà Tư Mã và không bị có bất kỳ sợi dây tình cảm nào khác ràng buộc, cản trở. 

Những đứa trẻ mồ côi thiếu thốn tình cảm này cũng được cho là dễ "tẩy não" và dễ nuôi dưỡng lòng trung thành với gia tộc Tư Mã. Từ trẻ mồ côi cơ nhỡ, côi cút sống vạ vật trên đường phố được đưa về phủ Tư Mã, cái ăn cái mặc không cần phải lo lắng nữa, nên những đứa trẻ này vô cùng biết ơn Tư Mã Ý. Cả đời chúng không được biết người thân là ai, chỉ biết có chủ nhân nuôi cho ăn cho mặc nên sẵn sàng chết vì chủ nhân.

Ngoài ra, Tư Mã Ý còn chủ trương dạy chữ cho các tử sĩ, gieo vào lòng họ tư tưởng, họ được huấn luyện không phải để phục vụ nước Ngụy mà để phục vụ gia tộc Tư Mã. 

Bí ẩn đội quân 3.000 tử sĩ 'sống trong bóng tối' cực trung thành với Tư Mã Ý - Ảnh 2.

Các tử sĩ được tuyển chọn từ trẻ mồ côi đã giúp Tư Mã Ý đoạt quyền trong tay nhà Tào Ngụy. Ảnh Sohu.

Phương pháp của Tư Mã Ý đã rất thành công, hơn 3.000 tử sĩ đều vô cùng trung thành với ông ta và đã đóng vai trò quan trọng giúp Tư Mã Ý khống chế giang sơn nhà Tào Ngụy.

Theo đó, năm 247, Tư Mã Ý chán nản với tình cảnh "hữu danh vô thực" của mình bèn giả ốm cáo quan về quê để chuẩn bị hành động. Đến năm 249, ông ta phát động chính biến, đem theo hơn 3.000 tử sĩ khống chế kinh thành, tiêu diệt phe cánh của Tào Sảng - quyền thần số 1 của nhà Tào Ngụy lúc đó, ép Ngụy đế Tào Phương mới 18 tuổi phải phục tùng mình.

Cuộc chính biến này đánh dấu cột mốc toàn bộ chính quyền Tào Ngụy rơi vào tay gia tộc Tư Mã, Tào gia trên thực tế đã mất đi quyền kiểm soát triều chính, trở thành một con rối của Tư Mã Ý. Lịch sử Trung Quốc gọi cuộc chính biến này là “Sự biến lăng Cao Bình”.

Tuy nhiên, Tư Mã Ý sau đó thu phục được lòng dân khi tiêu diệt tình trạng tham nhũng và sự quan liêu thời Tào Sảng, thăng chức cho một số vị quan thanh liêm. Tuy nhiên, Tư Mã Ý đã chết chỉ vài năm sau khi đoạt được quyền lực tuyệt đối. Về sau cháu nội Tư Mã Ý là Tư Mã Viêm soán ngôi nhà Ngụy, lập ra nhà Tấn liền truy tôn Tư Mã Ý làm Cao Tổ Tuyên Hoàng Đế.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem