Bí ẩn tượng phật trên đỉnh Tà Cú (kỳ 1): Giếng nước sâu hơn 91m trên núi đá
Bí ẩn tượng phật trên đỉnh Tà Cú (kỳ 1): Giếng nước sâu hơn 91m trên núi đá
Bùi Phụ
Thứ hai, ngày 13/09/2021 06:00 AM (GMT+7)
Đỉnh núi Tà Cú cao 649m, nằm ven Quốc lộ 1A, thuộc huyện Hàm Thuận Nam, cách TP.Phan Thiết khoảng 30km về phía Nam, là một thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Bình Thuận. Trên núi có tượng Đức Phật Thích Ca nhập Niết bàn thu hút hàng triệu khách hành hương tìm về...
Nằm ở độ cao 563m (chưa tới đỉnh) có hai ngôi chùa, dân địa phương thường gọi là chùa Trên (Linh Sơn Trường Thọ, được xây trên cao hơn), còn lại là chùa Dưới (Tổ Đình Long Đoàn, chùa cổ). Trong loạt bài này, chúng tôi chỉ nói về chùa Dưới. Sau lưng 2 ngôi chùa, có tượng Đức Phật Thích Ca nhập Niết bàn dài 49m (dài nhất Đông Nam Á, hơn tượng Phật nằm ở chùa Wat Pho nổi tiếng ở Thái Lan 3m).
Mát lạnh quanh năm
Những năm trước đây, vào mùa An cư kiết hạ của chư Tăng Ni (từ Rằm tháng tư đến rằm tháng 7 âm lịch hàng năm), tôi thường lên chùa Dưới xin theo hòa thượng Thích Minh Thiện (trụ trì Tổ Đình Long Đoàn) tu học giáo lý. Nhưng 2 năm qua, do tình hình dịch Covid - 19 nên tôi không có dịp lên.
Trước đây, khi chưa có cáp treo, để lên tượng Phật nằm, khách hành hương phải đi bộ từ chân núi xuyên qua những khu rừng rậm, vượt chặng đường hơn 3.000m đường dốc với hơn 1.000 bậc bằng đá. Có những đoạn dốc cao nghiêng 45° như đoạn đốc Bằng Lăng. Nếu thanh niên khỏe phải mất khoảng hơn 3 tiếng đi bộ, còn những người vừa đi vừa ngắm cảnh phải mất cả ngày.
Các thợ khoan ráng thêm gần 1 ngày mới qua được 91m thì bất ngờ nước từ giếng phun lên, khiến ai cũng mừng rơi nước mắt!
Tôi và một số anh ở Hàm Thuận Nam nhiều lần đi bộ, lên và xuống núi nên cảm nhận được sự cực nhọc, hạnh phúc khi chinh phục được chặng đường gian nan này. Nhiệt độ trên chùa trung bình từ 18 đến 22 °C, nên khi khách hành hương đi bộ đang ướt đẫm mồ hôi, và hạnh phúc khi có được cảm giác mát lạnh trước sân chùa…
Từ ngày, có cáp theo, du khách chỉ mất khoảng 15 phút ngồi trong cabin, cùng phiêu theo đoạn dây cáp dài 1.600m.
Ngày 8/9/2021, thầy Thích Bổn Kim (đệ tử thượng tọa, người đang trông coi chùa Dưới) cho biết, do dịch Covid - 19, mấy tháng qua, cáp treo không hoạt động nên không một bóng phật tử nào đến chùa. Chỉ có mình thầy trông coi quét dọn Tổ Đình Long Đoàn rộng lớn. Gặp mùa mưa nên, khoảng 14 giờ chiều, cả ngọn núi chìm hút trong sương mù dày đặc…
Giếng nước sâu 91m
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và các bậc tổ truyền đạo đi trước, núi Tà Cú có hệ thực vật phong phú, không chỉ có thạch thất thông với mạch nước ngầm mà còn là nơi các tổ sư khai sơn tu tập theo giáo lý nhà Phật. Có những chuyện "tâm linh" khó lý giải như chuyện về vị tổ đầu tiên thuần hóa cọp bạch hung dữ thành hiền lành, sống cùng ngài trong hang đá nhỏ…
Tuy nhiên, chuyện giếng nước tôi kể lại dưới đây là mới xảy ra cách đây vài năm và có nhiều người chứng kiến. Như thường lệ, mùa An cư Kiết hạ năm 2017, tôi lên núi xin theo thu học với hòa thượng Thích Minh Thiện (trụ trì chùa Dưới). Thầy bố trí cho tôi nghỉ trong phòng sát phòng thầy, để tối hai thầy trò tâm sự cho vui. Đêm nào cũng vậy, trước giờ ngủ, thầy luôn hỏi tôi hôm nay con ăn chay có ngon miệng không và nhớ tìm chỗ nào có sóng điện thoại gọi điện về cho vợ và 2 con ở Sài Gòn an tâm…
Năm ấy, khách hành hương đến chùa ở lại nhiều nên cần lượng nước lớn cho khách sử dụng. Nhưng lượng nước mưa và hồ trữ nước của chùa không đáp ứng nổi nên thầy luôn mơ ước có giếng nước để phục vụ cho khách hành hương. Thầy cũng nhiều lần mời những nhóm thợ khoan giếng khắp nơi lên khoan, nhưng thất bại vì gặp phải đá, mũi khoan gãy…
Một đêm nọ, thầy Minh Thiện dặn tôi lên chánh điện tụng kinh, sám hối, rồi xuống nhà tổ. Khi xong thời kinh, tôi xuống thì thấy thầy Minh Thiện ngồi kiết già nghiêm trang trước tổ đường nên tôi lẳng lặng ngồi sau. Hơn 30 phút nghiêm, thầy xả ấn, ra hiệu cho tôi đi theo phía sau, dạo một vòng trong sân chùa.
Tối hôm ấy, thầy im lặng không nói gì, tôi cứ tưởng mình làm sai việc gì đó nên nằm trằn trọc không ngủ được. Khoảng 1 giờ khuya, thầy từ phòng ngủ ra, trên tay cầm đèn pin, một khúc cây đi xuống trước tượng Quan Âm bồ tát lộ thiên. Thầy đứng nghiêm trang một hồi rồi cắm khúc cây xuống đất xong trở lại phòng ngủ.
Sáng hôm sau, thầy kêu tôi và những phật tử khác lại dặn dò mấy việc trong chùa rồi thầy xuống núi. Trên đường từ chùa nhà ga cáp treo, thầy nói với tôi, hôm qua, trong giấc mơ thấy thấy tổ về báo mộng khoan giếng chỗ đó và phải hơn 90m mới có nước. Lần này thầy xuống núi tìm thợ khoan giếng giỏi mời lên núi tiếp tục tìm nguồn nước.
Gần 3 tháng sau, thầy Minh Thiện điện báo tin mừng: Giếng đã có nước rồi con ơi!
Đầu nằm 2018, tôi lên núi và đến trước giếng nước, đưa tay đẩy cầu dao điện là nước bơm lên ào ào, mát lạnh, đầy tràn bồn inox. Thấy vậy, tôi xin phép thầy Minh Thiện cho tôi làm hệ thống bơm tự động khi đầy tự ngắt và được thầy đồng ý. Những người bạn của tôi dưới chân núi, hay tin cùng đóng góp tài chính để thực hiện hệ thống tự động này…
Theo lời thầy Minh Thiện, thời gian khoan giếng là gần 2 tháng trời. Gãy hàng trăm mũi khoan. Khi độ sâu hơn 90m rồi vẫn chưa có nước các thợ khoan đều nản lòng vì độ sâu quá còn gặp đá tảng nên mũi khoan gãy liên tục nên xin dừng. Thầy năn nỉ thợ ráng qua 91m xem sao, nếu không có nước thôi đành chịu. Các thợ ráng thêm gần 1 ngày mới qua được 91m thì bật ngờ nước từ giếng phun lên, khiến ai cũng mừng rơi nước mắt!
Sau khi chùa có giếng nước, bệnh tiểu đường, tim mạch của thầy Minh Thiện, ngày nặng hơn. Mỗi tuần, xe đưa thầy đi ra Phan Thiết chạy thận nhân tạo 3 lần nhưng bệnh cũng không khỏi. Thầy viên tịch lúc 7 giờ ngày 4/3/2019, trụ thế 60 năm (hưởng thọ), 37 hạ lạp (37 tuổi đạo).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.