Bí ẩn tượng phật trên núi Tà Cú (kỳ 3): Chuyện lấy cát xây dựng tượng Phật

Bùi Phụ Thứ ba, ngày 14/09/2021 06:00 AM (GMT+7)
Trong những ngày theo Hòa thượng Thích Minh Thiện (trụ trì Tổ Đình Long Đoàn) học giáo lý trên núi Tà Cú (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận), tôi được thầy cho xem tư liệu và kể lại hành trình thi công tượng Phật nằm.
Bình luận 0

 Suốt hơn 5 năm trời, hàng ngàn người thi công gian nan, vất vả, có một phần "bí ẩn" quanh chuyện lấy cát xây dựng tượng.

"Tìm cát vàng trên núi đá"

Theo lời thầy Minh Thiện và tư liệu chùa lưu lại, tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn trên núi Tà Cú được khởi công năm 1962 bằng bê tông - cốt thép. Công trình do điêu khắc sư Trương Đình Ý chủ trì, khi hoàn thành tượng Phật dài 49m, cao 11m. Ngày 7/1/1993, cụm chùa và tượng Phật trên núi Tà Cú được Nhà nước công nhận là Di tích Văn hóa - Lịch sử quốc gia.

Khởi ý tưởng ban đầu là Hòa thượng Thích Vĩnh Thọ (lúc bấy giờ là trụ trì) và phác họa là ông Trương Đình Ý. Để toàn tâm thực hiện công trình mang ý nghĩa tâm linh này, đầu năm 1962, điêu khắc sư Trương Đình Ý đã làm đơn xin thôi giảng dạy ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định (Sài Gòn) lên núi Tà Cú xuống tóc ăn chay niệm Phật suốt hơn 5 năm trường. Công trình có sự đóng góp rất lớn của hàng ngàn phật tử từ miền Trung đến Cà Mau về góp sức. Hàng ngàn lượt người đã vác từng viên đá, gánh từng bao xi măng từ chân núi lên xây dựng. Theo lời thầy Minh Thiện và nhiều cụ lớn tuổi ở Hàm Thuận Nam và những người có tham gia thi công đều cho biết, việc lấy cát rất "huyền bí".

Bí ẩn tượng phật trên núi Tà Cú (kỳ 3): Chuyện lấy cát xây dựng tượng Phật - Ảnh 1.

Hòa thượng Thích Vĩnh Thọ và điêu khắc sư Trương Đình Ý (áo nâu sẫm) bên tượng Phật vào năm 1966 khi sắp hoàn thành. (Ảnh do người thân gia đình cụ Trương Đình Ý ở Thụy Sĩ, Mỹ cung cấp). Ảnh: NVCC

Ông Trương Đình Ý là 1 trong 10 sinh viên Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp khoa điêu khắc Trường Mỹ thuật Đông Dương năm 1935. Bàn tay tài hoa của ông được làng điêu khắc trong và ngoài nước đánh giá rất cao, đặc biệt là chuyên về Phật tượng. Ông từng là Giáo sư hội họa các trường Võ Tánh, Quy Nhơn (1940), Trương Vĩnh Ký, Sài Gòn (1950); giảng viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế (1958); giảng viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định (1956-1957; 1961-1962). Ông qua đời năm 1995.

Theo đó, để có cát xây dựng, trước đó vài ngày, Hòa thượng Thích Vĩnh Thọ (trụ trì chùa) cho trữ nước dùng vào cái mái chứa rồi bít kín những mạch nước chảy hàng ngày. Hoà thượng thắp nhang chú nguyện, sáng ra từ các mạch nổi đã trào ra những đụn cát nhuyễn vàng óng. Cát này dùng tốt cho công trình xây dựng như trộn bê tông mà không cần mang từ chân núi lên. Điều này cũng đã được lý giải đây là cách lấy cát của người xưa ở những vùng rừng núi. Theo đó với độ dốc cao, nước chảy mạnh chỉ cần hướng lực nước âm xuống những vùng đất sẽ đãi được cát sạch.

Gia sản quý giá cho Phật giáo Việt Nam

"Có lẽ, cát sạch và lòng thành của tất cả, nên khi khuôn mặt của bức tượng Phật nằm vừa hoàn thành, đã lộ rõ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp của Đức Phật như: Mũi cao thẳng, lỗ mũi không lộ; lông mày như trăng non… và lòng từ bi - hỷ xả - thanh tịnh của Đức Phật…"- Hòa thượng Thích Minh Thiện nói.

Bí ẩn tượng phật trên núi Tà Cú (kỳ 3): Chuyện lấy cát xây dựng tượng Phật - Ảnh 3.

Tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn hoàn thành vào năm 1967, sau 5 năm xây dựng. Ảnh tư liệu lưu tại Tổ Đình Long Đoàn.

Rất nhiều, nhà điêu khắc gia khi đứng trước tượng Phật nằm trên núi Tà Cú đều khen đẹp và thán phục bàn tay tài hoa của điêu khắc sư Trương Đình Ý. Sau này, có nhiều khách du lịch quốc tế đến và họ đưa lên các trang web quốc tế so sánh: Tượng Phật nằm núi Tà Cú ngang hoặc hơn với các kiểu Phật tượng ở Ấn Độ, Đông và Tây Bắc Trung Quốc, Nhật Bản (Kamakura), Triều Tiên (Seokguram) Campuchia (Angkor) Indonesia (Borobudur-Java)…

Điều kỳ diệu là trong suốt thời gian thi công công trình trên hơn 5 năm liền, không hề xảy ra tai nạn lao động lớn nào trên núi Tà Cú. Vì vậy, ai cũng vui mừng khi tượng được hoàn thành, đón phật tử xa gần đến hành hương.

Theo nhà nghiên cứu và sưu tầm cổ vật Nguyễn Phương Đông (Bình Thuận), trước đây trong một lần về nước và lên chùa núi Tà Cú thăm công trình cha mình là tác giả, ông Trường Đình Vĩnh Quí (con trai cụ Trương Đình Ý) cho biết: Năm 1962, nếu không có ý nguyện to lớn của Hòa thượng Thích Vĩnh Thọ, cha ông không làm được pho tượng này. Cha ông là một phật tử thuần thành, một tín sĩ điêu khắc và chỉ thích làm tượng Phật. Vì vậy khi gặp lại vị "bổn sư truyền giới" cho mình là Hòa thượng Thích Vĩnh Thọ vào năm 1958, cha ông đã thực hiện theo ý muốn của thầy.

"Cái khó khăn nhất của cha tôi là làm sao diễn tả được khuôn mặt giải thoát không còn buồn, vui, giận, hờn, thương, ghét, tham muốn nữa. Trong suốt thời gian thực hiện công trình, cha tôi niệm phật, công phu hằng ngày cầu mong làm cho được để những ai có dịp đến đây, khi nhìn thấy khuôn mặt từ bi hỷ xả của pho tượng này sẽ phát tâm tu hành hoặc làm điều tốt cho đời. Khi cái nền tảng của pho tượng đã được hình thành, cha tôi bắt đầu làm khuôn cái thủ Phật năm 1965, cha tôi khiêm tốn nói "cái diện Phật hoàn hảo rồi, đây là nhờ long thần hộ pháp làm cho, chớ cha không tài sức nào làm được cái thủ Phật khổng lồ này được"- ông Quí kể lại.

Ngày 7/1/1993, cụm chùa và tượng Phật trên núi Tà Cú được Nhà nước công nhận là Di tích Văn hóa - Lịch sử quốc gia. Hai năm sau, tác giả pho tượng khổng lồ này qua đời. Sau đó mấy năm, các con của điêu khắc sư Trương Đình Ý từ Thụy Sỹ, Mỹ về thăm núi Tà Cú để chiêm ngưỡng tác phẩm của cha mình. 

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem