Bi hài chuyện xuất khẩu lao động: Sống chết mặc bay

Thứ sáu, ngày 12/11/2010 15:19 PM (GMT+7)
(Dân việt) - Sau mấy ngày đầu háo hức, những nông dân hiền lành, chất phác đã phải bạc mặt đối phó với thực trạng thất nghiệp, đói khát, bị bắt nạt, bơ vơ nơi đất khách quê người…
Bình luận 0

 

img
Phó trưởng Công an xã Thanh An (Điện Biên) – ông Quàng Văn Binh bức xúc vì nhiều lao động trong xã đi XKLĐ nhưng phải về dở dang.

Lời ngọt… lọt tai

Bản Mu, xã Quài Tở, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên nằm bên dòng suối Mu thơ mộng. Cuộc sống nơi đây vốn dĩ yên bình. Thế rồi mấy năm trước, thông tin các doanh nghiệp dưới xuôi lên tuyển lao động đi nước ngoài làm xáo trộn sự bình yên đó.

Từ tỉnh, huyện, xã và cấp gần dân nhất là trưởng bản đều hết mình ủng hộ cho chương trình “xoá đói, giảm nghèo” mới này. Cổ vũ cũng phải thôi vì từ khi khai thiên lập bản đến nay, bà con nơi đây vẫn cứ loay hoay với bài toán xoá đói, giảm nghèo.

Các doanh nghiệp XKLĐ đến với bà con, tạo điều kiện cho dân, cho con em dân tộc có một công việc với mức lương cao ngất ngưởng mà lần đầu tiên họ nghe thấy thì ai chẳng thích.

Cứ như người ta rỉ tai nhau thì XKLĐ là “giải pháp vàng”, chỉ cần tặc lưỡi ký vào những văn bản mà cán bộ đưa cho là thành người được xuất ngoại. Không khí ở bản khi ấy thật vui nhộn. Nhà trên, nhà dưới râm ran như có hội. Câu chuyện XKLĐ còn làm ấm lòng người hơn cả hơi bếp lửa giữa đêm đông.

Hoà chung không khí náo nhiệt đó, anh Lò Văn Chiên cũng muốn xuất ngoại một chuyến với hy vọng đổi đời. Ở nhà vợ chồng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” chưa lo đủ 3 bữa cơm. Con cái nheo nhóc, sinh hoạt hàng ngày thiếu thốn đủ thứ. Thấy anh hăng máu vợ anh khuyên nhủ:

“Mình à! Ở nhà no đói còn có nhau. Mình định sang đó, việc nặng, việc nhẹ ở nhà, mẹ con em biết trông vào ai”. Đang lâng lâng trong niềm vui sướng vì sắp được xuất ngoại, anh Chiên bỏ ngoài tai lời khuyên của vợ. Anh đăng ký rồi nộp hồ sơ…

“Đây là cơ hội ngàn năm có một tội gì không đi. U nó ở nhà đã có ải êm (cha, mẹ). Tôi phải đi nước ngoài cho mở mày, mở mặt mới được. Ở nhà quanh quanh với mấy trăm mét ruộng thì bao giờ mới giàu được”.

Khi đó Công ty LATUCO (đơn vị tuyển người) coi anh Chiên và những hộ đăng ký XKLĐ như thượng đế. Ngày nào cán bộ cũng đến nhà hướng dẫn làm hồ sơ, cả cái khoản vay ngân hàng cũng do bên công ty hướng dẫn. Chưa bao giờ anh thấy cán bộ nhiệt tình như thế, chỉ việc ký tên vào tất cả các loại giấy tờ là xong việc.

Anh Lò Văn Quyết ở bản Giăng, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo kể lại chuyến xuất ngoại trong nỗi xót xa và tủi hổ. Những tưởng sang nước ngoài sẽ nhàn nhã, thu nhập cao hơn ở nhà. Vừa sang được mấy hôm, những lời đưa tiễn của người thân vẫn văng vẳng bên tai; những háo hức vì được thấy nhà cao, cửa rộng, xe cộ nhộn nhịp chưa hết thì anh đã phải bắt tay vào lao động cật lực.

Việc làm thì lúc có, lúc không. Tất cả những thứ ký trong hợp đồng và lời hứa hôm nào của doanh nghiệp XKLĐ chỉ là mớ giấy lộn. Nơi làm việc tồi tàn, việc không có đồng nghĩa với cái dạ dày bị thu nhỏ lại. Lĩnh lương được hai tháng, trừ tất cả chi phí ăn ở, cả đóng thuế cho nước bạn, Quyết thực lĩnh là con số 0 tròn trĩnh.

Có thân… tự lo

Giang đôi tay khẳng khiu như cánh gà xước, Quàng Văn Thức ở bản Hồng Khoang, ấm ức: “Cháu đã gần 20 tuổi, chưa bị ai đánh hay bỏ đói bao giờ. Có ai ngờ đi XKLĐ tháng 9-2009, sang đến Malaysia được mấy ngày thì đã bị công nhân trong khu cư trú đánh đập, chửi bới, bắt nạt. Lúc tuyển người thì họ bảo sang đó làm công nhân nhà máy cơ khí nhưng sang đến nơi thì lại phải đi bốc vác ở nhà máy phân đạm, giống như đi làm cửu vạn ở quanh bản này thôi. Nghĩ thật buồn nhưng mình sang đấy để kiếm miếng ăn nên cháu cố nhịn, tránh không để xảy ra va chạm”.

Tuy đã nhiều điều nhịn nhưng chẳng có điều lành nào đến với Thức. Dẫu công việc bốc vác quá sức nhưng ít nhất nó cũng đủ để Thức mưu sinh hàng ngày. Niềm vui nhỏ ấy cũng chẳng kéo dài được bao lâu, 6 tháng sau, Thức bị chủ bán sang một doanh nghiệp khác ở đảo Quan Tang làm nghề hàn xì, rồi đi đổ bê tông… Liên tiếp chuyển nơi làm việc cũng đồng nghĩa với việc bị quỵt lương mà không ai can thiệp.

“Cháu gọi cho anh Trường - nhân viên môi giới việc làm của chúng cháu nhưng họ không nghe. Những người đi trước bảo cháu: Đến đây thì tự lo thân thôi. Không lo được thì chỉ có cách… biến”.

Thế là Thức phải xoay xở đòi nợ lương để lấy tiền về nước, mãi cũng kiếm được cái vé máy bay từ khoản lương mà chủ sử dụng lao động nợ trong mấy tháng trước.

“Về đến Việt Nam cháu chỉ còn 70 nghìn đồng. Cả nhà xót ruột vì thương cháu và lo khoản nợ đã vay không biết lấy gì trả. Bây giờ cháu vừa đi học bổ túc lớp 11, vừa đi làm thuê cho các công trình xây dựng để trả nợ số tiền đã vay. Nhưng mỗi ngày cũng chỉ kiếm được 50 nghìn đồng. Chẳng ốm đau gì, được bố mẹ nuôi cơm thì cũng phải mất hơn 2 năm nữa mới trả hết nợ.

Nhớ lại ngày lên đường XKLĐ mang theo bao hy vọng, giờ về thất vọng tràn trề. Xuống sân bay Hà Nội, tôi phải gọi điện về nhà, xin mẹ gửi tiền để mua vé xe khách về nhà. Nhưng như tôi còn đỡ khổ hơn bọn thằng Điểm, thằng Phương, thằng Hoà bên xã Noong Hẹt, Thanh Chăn. Chúng đòi lương không được, làm ngoài không có việc nên phải điện về nhà, bảo bố bán trâu gửi tiền sang mới về nước được. Thành ra đi XKLĐ chưa kịp xoá nghèo mà lại nghèo thêm…

Kỳ cuối: Lên rừng trốn nợ

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem