“Đắng” với nghề trồng mía
Xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn được xem là “thủ phủ” mía của tỉnh Ninh Thuận. Trong số 3.300ha đất sản suất nông nghiệp, có hơn 2.300ha trồng mía với gần 700 hộ. Sản lượng bình quân từ 50 - 55 tấn/ha/vụ. Hằng năm, địa phương này cung cấp 65% mía nguyên liệu cho Cty CP Đường Biên Hòa - Phan Rang. Tuy nhiên, trong niên vụ 2018 - 2019, nông dân nơi đây đã chuyển 700ha sang trồng mỳ, vì cây mía không đem lại lợi nhuận như mong muốn.
Do chính sách không rõ ràng, nên nông dân bỏ cây mía chết khô dần. Ảnh: PV
Cánh đồng mía 4ha trồng gần kênh N7 của hộ ông Lê Văn Ẩn ở thôn Triệu Phong 1 đã bị bỏ hoang mấy tháng qua. Thân mía bị ngã rạp, diện tích mía chết khô ngày càng lan rộng. Ông Ẩn chia sẻ: “Từ khi xuống giống đến nay đã hơn 6 tháng, cách mười ngày tôi bơm nước tưới một lần, mỗi lần chi phí 200 nghìn đồng tiền dầu. Hơn một tháng qua, để giảm chi phí, tôi bỏ thả luôn”.
Số hộ bỏ ruộng mía cho bò ăn và tranh thủ cày lại đất để trồng cây mỳ, khoai lang… ngày càng tăng. Vụ mía 2017 - 2018, hộ ông Đặng Đức Minh ở thôn Triệu Phong 2 trồng 7ha, nhưng sang niên vụ 2018 - 2019 đã chuyển sang trồng 4ha.
Trước đây, những hộ ký hợp đồng trồng mới được Cty hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất bằng cách cung cấp giống, phân bón, chi phí đào ao tích nước tưới và hỗ trợ không hoàn lại 50% chi phí cày đất, tổng cộng là 24 triệu đồng/ha. Kết thúc niên vụ, Cty thu lại tiền giống và phân bón. Riêng chi phí đào hồ trên dưới 5 triệu đồng sẽ thu hồi sau 3 năm. Nhưng, khi kết thúc niên vụ mía 2017 - 2018, với lý do trúng mùa, Cty bỏ qua những cam kết với nông dân, đã thu hồi cả hai khoản chi phí đào ao và cày đất, khiến bà con bức xúc.
Không chỉ do hạn hán mà các chính sách về giá thu mua, cung ứng phân bón… của Cty Cổ phần Đường Biên Hòa - Phan Rang với nông dân không bảo đảm, làm cho người nông dân không có lãi trong việc trồng mía.
Ông Lê Ngọc Hiển nói: “Vụ mía 2018 - 2019, bỗng dưng Cty đưa ra các chính sách với chủ yếu phần lợi thuộc về phía họ, nếu thua lỗ thì nông dân gánh chịu hết, Cty không chia sẻ. Nhiều năm qua, Cty đều ký hợp đồng bảo đảm giá thu mua 860 nghìn đồng/tấn mía cây đạt 10 chữ đường, bà con an tâm sản xuất. Giờ lại đưa ra hình thức thu mua mỗi tấn mía cây đạt 10 chữ đường bằng giá trị 60kg đường thành phẩm với giá từ 10 - 11 nghìn đồng/kg. Như vậy, nông dân cầm chắc phần lỗ”.
Cần rõ về chính sách
Ông Lê Văn Lâm - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn - nói: Địa phương và bà con rất bức xúc về việc Cty đang đẩy người trồng mía vào tình thế vô cùng khó khăn. Niên vụ 2018 - 2019, nếu đặt giả thuyết là cho sản lượng mía đạt 60 tấn mía cây/ha và chất lượng đạt 10 chữ đường, thì nông dân vẫn thua lỗ. Bởi vì nông dân phải tự gồng gánh nhiều khoản chi phí như thuê công phun thuốc, chặt mía, bốc mía lên xe, nên suất đầu tư rất cao so với giá thu mua của Cty đưa ra trong niên vụ 2018 - 2019.
Người trồng mía tại xã Quảng Sơn chia sẻ, đã nhiều lần đề nghị Cty trực tiếp lấy mẫu đánh giá chữ đường trên cây mía ngay tại ruộng, để bảo đảm sự chính xác và công bằng nhưng chưa được đáp ứng. Thực tế, sau khi thu hoạch, xe chở mía về tận nhà máy. Phải mất từ 2 - 3 ngày, nông dân mới nhận được kết quả thông báo chữ đường luôn ở mức dưới 10, nên rất bức xúc và cho rằng Cty đã ép bà con.
Chữ đường thấp, có vài chục hộ đã từng ký hợp đồng bán mía cho Nhà máy Đường Khánh Hòa. Song do chi phí vận chuyển từ Ninh Thuận đến Khánh Hòa cao, nên chỉ sau vài mùa, nông dân tính toán lại và đành cam chịu mức đánh giá mía dưới 10 chữ đường của Cty CP Đường Biên Hòa - Phan Rang để giảm chi phí vận chuyển.
Ông Văn Hữu Thận - Phó Giám đốc Cty CP Đường Biên Hòa - Phan Rang cho biết: Trong niên vụ 2018 - 2019, Cty sẽ không thu mua được nhiều sản lượng mía cây trên địa bàn huyện Ninh Sơn như dự kiến. Qua rà soát, đến cuối tháng 8.2018, đã có hơn 500ha mía tại các xã Quảng Sơn, Hòa Sơn bị chết khô do thiếu nước tưới. Nếu từ nay đến thời điểm thu hoạch có mưa, thì năng suất cũng chỉ đạt khoảng gần 50 tấn/ha.
Hiện tại, ngành sản xuất đường trong nước đang bị sự canh tranh khốc liệt về giá đường do các nước lân cận nhập theo đường tiểu ngạch. Sắp tới, Cty sẽ tổ chức đối thoại với người dân để chia sẻ và tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về các chính sách chưa phù hợp, để nông dân an tâm, tiếp tục sản xuất ổn định.
Khả Như (Lao Động)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.