|
Nông dân bản Bó Cá, xã Chiềng An, TP . Sơn La, tỉnh Sơn La đốt lửa sưởi cho trâu trong những ngày giá rét. |
Che chắn, khoác bao tránh gió lạnh
Co ro trong tấm chăn bông cũ kỹ để tránh cái giá lạnh đang ùa về miền sơn cước, anh Lùng Lìn Sơn, nông dân thôn 3 xã Nàn Sán (Si Ma Cai, Lào Cai), bảo: “Trời lạnh, người còn biết kêu, biết mặc thêm quần áo, đốt lửa sưởi nhưng con vật nuôi thì chủ cho thế nào được thế ấy. Mình trong nhà tường đất dày mà vẫn lạnh, con trâu cước chân cũng đúng thôi”.
Chúng tôi đã che chắn lại chuồng trại, cho lợn ăn thêm muối, chất khoáng để tăng sức đề kháng.
Anh Đặng Đình Tuấn, bản Đội Bốn, xã Hồ Thầu
Bên bếp lửa hồng, chị The -vợ anh Sơn đang lúi húi xỏ dây vào một cây kim khâu tự tạo từ nan hoa xe máy. "Mình khâu áo chống rét cho trâu.
Mỗi con trâu chỉ cần 3 cái bao tải là vừa kín, không sợ sương muối, giá rét làm nó viêm phổi, cước chân. Mấy năm trước không biết chống rét cho trâu, bò lại còn thả rông ngoài rừng nên nhiều con mới bị chết”.
Nước ấm - lửa nồng là thượng sách
Tuy nằm ngay trong lòng TP. Sơn La (Sơn La) nhưng bản Bó Cá, phường Chiềng An vẫn là nơi thường xuyên bị cái rét hàng năm hoành hành dữ dội. Ông Lường Văn Nọi, người dân trong bản cho biết:
“Mấy cái Tết trước lạnh lắm, nhiều nhà vừa đón xuân vừa mổ chạy trâu, bò chết rét. Nhà tôi cũng chết mất con trâu đực vào đúng mùng 2 Tết, cả nhà đi bán thịt rong gỡ vốn... Vì vậy, ngay trước vụ rét này, tôi bảo con cháu cứ kiếm lấy ít củi khô chất gọn trên gác. Giá lạnh đến là đốt lửa sưởi cho trâu, bò và tiện thể đun luôn nước nóng cho chúng uống. Cứ nước ấm-lửa nồng là thượng sách” - ông Nọi chia sẻ.
Cũng theo ông Nọi. Nếu trâu bò đã mắc bệnh thì nên lấy lá bưởi, lá húng, bạc hà, bồ kết đốt cho trâu, bò ngửi và hơ nóng những lá cây này dạt vào chỗ chân bị sưng tấy nhiều lần trong ngày để giúp trâu, bò chóng khỏi hơn. Ngoài ra ông Nọi còn lưu số điện thoại của cán bộ thú y xã, khi cần dở tìm sổ gọi ngay.
Dự trữ cái ăn để chống rét
Muốn chống cự với giá rét, bệnh tật thì cần được ăn no để lấy sức. Điều này thì người dân bản Khèo Thấu, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường (Lai Châu) làm rất tốt. Rút kinh nghiệm từ những đợt rét trước, ngay từ đầu mùa đông, chính quyền xã Hồ Thầu đã tăng cường vận động bà con gia cố, che chắn lại chuồng trại và chuẩn bị thức ăn dự trữ cho trâu, bò bằng cách tận dụng các sản phẩm từ nông nghiệp như: Rơm khô, ngọn mía, thân cây ngô...
Gia đình ông Phàn A San ở bản Khèo Thầu đã làm rất tốt việc dự trữ thức ăn mùa đông cho đàn gia súc. Theo ông San, để dự trữ thức ăn cho trâu vào mùa đông, khi thu hoạch lúa, ông không đốt bỏ rơm rạ mà phơi khô, rồi đưa về nhà chất thành đống ở nơi cao ráo, dễ thoát nước. Ông còn học cách ủ cỏ chua, cỏ héo để tích trữ thức ăn cho trâu.
Ngoài ra, ông thường xuyên cho trâu ăn thêm các chất tinh bột, uống nước muối để bổ sung chất khoáng. khi nhiệt dộ xuống dưới 12oC không cho trâu đi làm; luôn mặc áo cho trâu, nghé khi trời rét đậm kéo dài. Nhờ vậy, nhiều năm nay gia đình không có trâu, nghé bị chết rét. Ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Hồ Thầu cho biết: "Đến nay 100% gia súc trong xã đã được nuôi nhốt và tiêm phòng đầy đủ các loại vaccin, không còn tình trạng buộc trâu, bò ngoài trời qua đêm trong những ngày thời tiết lạnh giá".
Miền Bắc chìm trong rét đậm, rét hại
Chiều 16-12, Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương cho biết, rét hại và xuất hiện băng giá. Trong ngày 16-12, nhiệt độ miền Bắc giảm sâu từ 7 -80C. Một số nơi như Sa Pa, nhiệt độ dao động ở mức 20C; Tam Đảo xấp xỉ 30C. Ngay tại Hà Nội, nhiệt độ đo được về ban ngày cũng đạt mức 100C, về đêm là 7-80C. Ngày 17-12, nền nhiệt độ tại khu vực Hà Nội sẽ tăng lên 15-160C. Đợt rét đậm, rét hại này sẽ kéo dài thêm 2-3 ngày nữa, nhiệt độ trung bình ngày phổ biến 13-140C. Nhiều điểm như Sa Pa, Tam Đảo, một số nơi vùng núi cao như Xín Mần, Sìn Hồ... sẽ có băng giá, sương muối. Tại Sa Pa nhiều khả năng sẽ xuất hiện mưa tuyết và đóng băng".
Đình Thắng
Kiều Thiện-Nguyễn Hữu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.