Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Ông Phạm Quang Nghị (SN 1949, xã Định Tân, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) vào Đảng ngày 28/11/1973, chính thức ngày 28/11/1974.
Trong hơn 50 năm công tác và cống hiến, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã rèn luyện và học tập, nghiên cứu tại Trường Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Nguyễn Ái Quốc 5, nghiên cứu sinh tại Liên Xô, là Tiến sĩ triết học; từng là phóng viên chiến trường và đảm nhiệm nhiều cương vị công tác ở Trung ương và địa phương.
Ông là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa VIII, IX, X, XI; Bí thư Trung ương Đảng khóa X; Ủy viên Bộ Chính trị khóa X, khóa XI; Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Nam (1997-2001); Bộ trưởng, Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Văn hóa - Thông tin (2001-2006); Đại biểu Quốc hội khóa XI; Bí thư Thành ủy Hà Nội khóa XIV, khóa XV...
Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có Huân chương Chiến thắng Hạng Ba, Huy chương Chống Mỹ cứu nước hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba, hai lần Huân chương Lao động hạng Nhất...
Theo Quyết định số 1523/QĐ-CTN của Chủ tịch nước, ông Phạm Quang Nghị được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh vì có công lao to lớn, có nhiều thành tích xuất sắc đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.
Tại buổi lễ hôm nay, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã trao Huân chương Hồ Chí Minh, tặng hoa chúc mừng nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, đây là niềm vinh dự, tự hào của ông Phạm Quang Nghị và gia đình, đồng thời là niềm vui chung, tự hào của Đảng bộ TP.Hà Nội.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu rõ, trong suốt hơn 50 năm công tác, cống hiến, trải qua nhiều cương vị vị trí khác nhau, ông Phạm Quang Nghị luôn trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; không ngừng học tập, phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng, giữ gìn, nêu cao và lan tỏa phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, tính tiền phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên.
Với cương vị là Bí thư Thành ủy Hà Nội khóa XIV, khóa XV, người đứng đầu của Đảng bộ lớn nhất cả nước, thời kỳ mở rộng Thủ đô Hà Nội, dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đồng thời là thời kỳ Hà Nội cùng cả nước đang ra sức thực hiện công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, đẩy mạnh giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc tế, đồng chí Phạm Quang Nghị luôn thể hiện rõ vai trò hạt nhân lãnh đạo cùng tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy giữ gìn và xây dựng tinh thần đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố; đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền toàn thành phố quán triệt sâu sắc các nghị quyết, quy định của Đảng, Nhà nước, các chỉ đạo của Trung ương để vận dụng sáng tạo, có hiệu quả vào thực tiễn của Thủ đô; lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đảng và hệ thống chính trị các cấp của thành phố trong sạch vững mạnh; phát triển Thủ đô theo hướng nhanh, bền vững; quốc phòng, an ninh được bảo đảm, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; chất lượng đời sống nhân dân Thủ đô từng bước được nâng lên; vị thế, vai trò của Thủ đô ngày càng được khẳng định và nâng cao trong nước và trên trường quốc tế.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: "Những thành quả mà Thủ đô Hà Nội có được như ngày hôm nay có có sự đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ lãnh đạo qua các thời kỳ, trong đó có đóng góp quan trọng của đồng chí Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội hai nhiệm kỳ".
Trân trọng cảm ơn Đảng, Nhà nước đã ghi nhận sự nỗ lực phấn đấu của bản thân trong suốt quá trình công tác hơn 50 qua, ông Phạm Quang Nghị cho biết đó cũng là hơn 50 năm ông đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Xúc động, nhớ lại chặng đường công tác, ông Phạm Quang Nghị đã chia sẻ kỷ niệm sâu sắc thấm đẫm tình thương yêu, gắn bó máu thịt với nhân dân khi còn là phóng viên chiến trường với ước mong được đứng trong hàng ngũ của Đảng; qua đó khẳng định, đây vừa là phần thưởng, vừa là hành trang quý giá nhất cho con đường sự nghiệp sau này.
Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội chia sẻ, trên suốt chặng đường công tác dù lúc thuận lợi hay khó khăn, bản thân ông luôn tâm niệm là cố gắng làm tròn nghĩa vụ của một công dân hết lòng yêu nước, một đảng viên trung thành với lý tưởng của Đảng; đồng thời luôn coi những đóng góp của mình thực sự là nhỏ bé, khiêm nhường so với những hy sinh cống hiến vô cùng lớn lao của nhân dân, của lớp lớp đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng qua các thời kỳ.
"Hơn 50 năm qua, điều mà tôi luôn coi là thiêng liêng và vinh dự đối với bản thân chính là được tham gia, gánh vác trách nhiệm và sự chia sẻ niềm vui với nhân dân và đất nước" – ông Phạm Quang Nghị chia sẻ.
Cũng trong ngày 29/3, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới" tại thành phố Hà Nội. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự và chỉ đạo hội nghị.
Báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI cho thấy, với tinh thần gương mẫu của Đảng bộ Thủ đô, 10 năm qua, TP.Hà Nội đã cùng cả nước quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 8.
Theo đó, Hà Nội đã đẩy mạnh tuyên truyền và tạo sự thống nhất cao trong Đảng bộ, chính quyền và nhân dân; có nhiều sáng tạo trong quá trình thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; tăng cường sự chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về quốc phòng an ninh…
Ngoài ra, thành phố đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân.
Coi trọng và tập trung xây dựng cơ sở địa phương vững mạnh về chính trị để làm nền tảng tạo nên sự vững chắc trong xây dựng khu vực phòng thủ của thành phố. Kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, nhất là đối với người nghèo, đồng bào vùng xa trung tâm, khó khăn.
Gắn phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng an ninh trong các quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh và tăng cường các hoạt động đối ngoại…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.