Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Ngày 17/10, tại huyện Quảng Hòa (tỉnh Cao Bằng) đã diễn ra lễ động thổ dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tỉnh Cao Bằng. Đây là dự án do Tập đoàn TH làm chủ đầu tư, đánh dấu mốc quan trọng bởi dự án là một phần trong đề án phát triển "Nông nghiệp thông minh" mà tỉnh Cao Bằng đang tập trung thực hiện.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lại Xuân Môn, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng cho biết: "Lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển của đất nước. Những năm gần đây, nông nghiệp luôn là trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhất là khi xuất hiện đại dịch Covid-19 lại càng khẳng định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế và còn là cứu cánh đắc lực cho công nghiệp và dịch vụ phát triển, đảm bảo an ninh lương thực, ổn định an ninh xã hội và chính trị".
Theo ông Môn, nói đến nông nghiệp thông minh, khái niệm nhiều người còn đang phải bàn, tuy nhiên có thể hiểu là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Nông nghiệp được làm bằng trí tuệ, bằng khoa học, sáng tạo thì chính đó là thông minh.
"Làm nông nghiệp thông minh không có nghĩa là phải làm lớn, phải nhiều đất đai, tài sản hay nhiều tiền, chỉ cần 1.000-2.000m2 vẫn tạo ra được giá trị cao gấp nhiều lần so với người có đến vài hecta, đấy là thông minh. Thông minh là ở tư duy khi người nông dân biết làm giá thể, thủy canh, đưa khoa học công nghệ vào", Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng cho biết thêm.
Ông Lại Xuân Môn chia sẻ thêm, chúng tôi xây dựng đề án phát triển "Nông nghiệp thông minh", gắn với sản xuất nông nghiệp đặc hữu của Cao Bằng, bởi Cao Bằng có lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, thiên nhiên, môi trường… diện tích lớn, dân số ít, là điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.
Thứ nữa, tại Cao Bằng, vẫn còn trên 80% dân số là nông dân. Với điều kiện tự nhiên, xã hội như vậy, Cao Bằng tất yếu chọn nông nghiệp là một trong 3 khâu đột phá chiến lược gồm: Nông nghiệp, du lịch - dịch vụ và kinh tế cửa khẩu.
"Khi chúng tôi xây dựng đề án, có thành lập Ban Chỉ đạo, tổ giúp việc, đồng thời phân cho các đơn vị, mỗi đơn vị chịu trách nhiệm một mảng về lĩnh vực nông nghiệp, đảm bảo bố trí nguồn kinh phí, mời gọi đầu tư nước ngoài, cùng với đó mở rộng các cây, con như hạt dẻ Trùng Khánh, miến dong Nguyên Bình, lê Thạch An…
Tất cả các cây, con đặc hữu tại Cao Bằng đều sản xuất theo hướng mở rộng và thông minh. Với những sản phẩm của Cao Bằng khi thực hiện theo đề án tung ra thị trường bao nhiêu cũng đều hết vì đó là sản phẩm vừa thông minh, vừa là đặc hữu chỉ Cao Bằng mới có, Cao Bằng mới ngon", ông Lại Xuân Môn khẳng định.
Theo ông Môn, tất cả phải tính theo giá trị, không tính theo số lượng. Đề án "Nông nghiệp thông minh" sẽ tạo ra giá trị, lợi nhuận cao để cho bà con nông dân có thu nhập, cải thiện đời sống.
"Cao Bằng tỉ lệ nghèo còn nhiều nhất cả nước, thực hiện đề án "Nông nghiệp thông minh" sẽ giúp cho bà con phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhanh hơn, quan trọng là phù hợp với điều kiện của các gia đình, nông hộ, đáp ứng được yêu cầu sản xuất nông nghiệp thông minh.
Nếu là nông nghiệp công nghệ cao thì không có tiền. Như dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao mới khởi công vừa là nông nghiệp thông minh vừa là công nghệ cao, phải đầu tư rất lớn. Còn nông nghiệp thông minh, hộ nông dân liên kết, tổ liên kết sản xuất, HTX, doanh nghiệp gắn kết với bà con cũng đều làm được, đó chính là mục đích thực hiện đề án", ông Môn thông tin.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng xây dựng khoảng 20 vùng nguyên liệu để tập trung phát triển cho nông nghiệp thông minh như bò sữa, rau công nghệ cao, miến dong, hạt dẻ Trùng Khánh, thạch đen, quýt Trà Lĩnh, lê Thạch An… mở rộng diện tích, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý. Riêng với cây lê, tỉnh mở rộng diện tích và tính toán việc tổ chức lễ hội hoa lê tại Cao Bằng trong vài năm tới.
"Để phát huy lợi thế sẵn có về nông nghiệp, tỉnh Cao Bằng đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, mời gọi, thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến nghiên cứu, tham gia đầu tư, nhất là lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao", ông Lại Xuân Môn cho biết thêm.
Giai đoạn 2020-2025, tỉnh Cao Bằng tập trung thực hiện đề án "Nông nghiệp thông minh" với nhiều mục tiêu dài hạn nhằm khai thác các lợi thế về khí hậu, địa hình chăn nuôi.
Hiện, Cao Bằng đã và đang chuẩn bị điều kiện, phấn đấu trở thành trung tâm kết nối nội vùng, cùng các địa phương khác trong cả nước, hình thành cụm phát triển kết nối hợp tác xuyên biên giới với các cụm phát triển năng động của Tây và Tây Nam Trung Quốc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.