Bỉ tiết lộ lý do bỏ phiếu trắng với gói trừng phạt thứ 8 chống Nga

Lê Phương (RT) Thứ bảy, ngày 08/10/2022 09:30 AM (GMT+7)
Chính phủ Bỉ đã giải thích lý do tại sao họ quyết định không tán thành một vòng hạn chế thương mại mới của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga.
Bình luận 0
Thành viên EU tiết lộ lý do từ chối ủng hộ các lệnh trừng phạt chống Nga - Ảnh 1.

Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo. Ảnh: AP

Phát biểu bên lề Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC) tại Praha, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo nói với các phóng viên rằng "hậu quả kinh tế của các lệnh trừng phạt ngày càng cao khiến việc thể hiện sự đoàn kết để ủng hộ Ukraine trở nên khó khăn hơn".

Thủ tướng nói: "Cho đến nay, các biện pháp trừng phạt tỏ ra rất hiệu quả, nhưng càng về lâu dài, những biện pháp này gây tổn hại cho nền kinh tế của chính chúng ta nhiều hơn là của Nga".

Do đó, đất nước của ông đã từ chối ủng hộ gói trừng phạt thứ tám khi các nước thành viên EU bỏ phiếu trong tuần này. 

"Bỉ cũng không bỏ phiếu chống, bởi vì chúng tôi không muốn phá vỡ sự đoàn kết của châu Âu", ông De Croo nói thêm. Bỉ được cho là quốc gia duy nhất bỏ phiếu trắng.

Đầu tuần này, nghị sĩ Bỉ Andre Flahaut, người đại diện cho tỉnh Walloon Brabant, bày tỏ lo ngại về tác động của các lệnh trừng phạt sắp tới đối với các cử tri của ông. Hai nhà máy thuộc sở hữu của tập đoàn kim loại khổng lồ NLMK của Nga, đặt tại Bỉ, có thể phải đóng cửa, nhà lập pháp cảnh báo. 

Ở Bỉ cũng xuất hiện những lo ngại rằng EU sẽ cố gắng hạn chế buôn bán kim cương của Nga, động thái này có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh trang sức của thành phố Antwerp. 

Một số thành viên EU khác cũng phản đối gói trừng phạt thứ tám. Síp, Hy Lạp và Malta lo lắng giới hạn giá dầu sẽ ảnh hưởng đến việc vận chuyển tàu chở dầu của họ. Trong khi đó, Hungary yêu cầu giới hạn giá chỉ áp dụng đối với dầu vận chuyển bằng đường biển chứ không phải bằng đường ống. Để xoa dịu Ý, EU cũng phải lùi ngày lệnh cấm nhập khẩu thép từ Nga có hiệu lực.

EPC là một diễn đàn chính trị mới do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất vào đầu năm nay. Diễn đàn được cho là sẽ tập hợp các quốc gia thành viên EU và các quốc gia mong muốn trở thành một phần của khối kinh tế, cùng với các đồng minh truyền thống của liên minh như Anh và Na Uy. Cuộc họp của các nhà lãnh đạo tại Praha là cuộc họp đầu tiên của EPC.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã phát biểu trong cuộc họp thông qua hình thức trực tuyến, kêu gọi những người tham dự cung cấp nhiều viện trợ quân sự hơn cho Kiev và tiếp tục giáng đòn trừng phạt vào Moscow.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem