Bị xương cá đâm, chìm vào hôn mê

Thứ năm, ngày 23/12/2010 18:53 PM (GMT+7)
Bà H. bị xương cá đâm vào ngón trỏ. Sáng hôm sau chỗ vết thương sưng đỏ, đau nhức dữ dội..., bà phải nhập viện. Chưa đầy nửa ngày nằm viện, bà đi vào hôn mê và trải qua hơn ba tuần thở máy...
Bình luận 0
img
Vết thương tay hết nhiễm trùng có thể ghép da và cẳng chân sưng đỏ sau khi bị chân chống xe máy quẹt trúng

Hôn mê do xương cá

Bà T.T.H., 59 tuổi, trong một lần làm cá chuẩn bị bữa ăn tối cho gia đình, sơ ý bị xương cá đâm vào ngón trỏ tay phải.

Thấy không chảy máu, bà tiếp tục làm nốt phần việc còn lại. Sáng hôm sau chỗ vết thương sưng đỏ, đau nhức dữ dội. Bà tự ý mua thuốc uống nhưng không giảm đau, cả bàn tay sưng đỏ; rồi bà bị sốt cao, nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn. Bà được người thân đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) trong tình trạng tỉnh táo nhưng sốt cao, huyết áp tụt.

Các xét nghiệm khẩn gợi ý tình trạng nhiễm trùng cấp tính nên bà H. được các bác sĩ cho chích kháng sinh và tiến hành phẫu thuật mở rộng vết thương, cắt bỏ mô chết, mô nhiễm trùng và để hở vết thương.

Chưa đầy nửa ngày nằm viện, bà đi vào hôn mê và trải qua hơn ba tuần thở máy. Các cơ quan trọng yếu cho sự sống còn đều bị tổn thương (suy đa cơ quan).

May mắn là sau sự tham gia điều trị tích cực của các chuyên khoa (hồi sức chống độc, chấn thương chỉnh hình), trải qua thêm ba ca mổ, sử dụng kháng sinh phù hợp, bà H. dần tỉnh lại, tự thở được.

Nhiều trường hợp từ một vết thương rất nhỏ nhưng không được xử trí ban đầu tốt nên bị nhiễm trùng. Nguy hiểm nhất là nhiễm trùng gây hoại tử da và mô dưới da do một dòng vi khuẩn có biệt danh “vi khuẩn ăn thịt người liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A”.

Thật ra vi khuẩn này không trực tiếp “ăn tươi nuốt sống” từng miếng thịt của bệnh nhân, mà chính độc tố nó tiết ra trong quá trình sinh sản và phát triển sẽ tiêu hủy dần thịt của người bệnh. Độc tố theo dòng máu đi khắp cơ thể làm tổn thương nặng nề các cơ quan quan trọng. Và bệnh nhân có thể tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời.

Xử trí kịp thời và đúng cách

Các vết thương có thể được chăm sóc ban đầu tại nhà như sau:

- Với vết thương bị cào xước, mài mòn da: có thể rửa vết thương bốn lần mỗi ngày trong hai ngày đầu sau khi bị thương và băng lại với gạc được tiệt trùng.

- Những vết thương sâu hơn (hay bị cắn): nếu vết thương chảy máu, cần dùng tay ấn vào vùng vết thương qua miếng băng, gạc sạch trong 10 phút để cầm máu. Rửa vết thương với nước sạch có áp lực cao 10-15 phút để rửa trôi các dị vật (mảnh thủy tinh vỡ, mảnh gỗ, gỉ sắt...), tuyệt đối không được chà vết thương với bất kỳ vật nào, chỉ rửa mà thôi. Cuối cùng kiểm tra lại xem lần tiêm ngừa uốn ván cuối cùng đã cách bao lâu rồi.

Cần được bác sĩ khám ngay nếu vết thương lớn hơn 1cm lộ mỡ phía dưới da; không cầm được máu sau khi thực hiện đúng phương pháp cầm máu trên; không chắc đã hết dị vật dù đã rửa vết thương; không thể cử động ngón tay, chân trong vùng bị thương hoặc mất cảm giác da vùng bên dưới vết thương; và bất cứ vết cắn nào của động vật kể cả bị người khác cắn. Ngoài ra, cần được tiêm phòng uốn ván đúng và đủ liều.

Sau một thời gian tự chăm sóc, nếu vết thương đau tăng dần, phù nề, sưng phồng; có dịch tiết ra; có mùi khó chịu; có hạch sưng, đau; vết thương lâu lành hoặc không lành... bạn nên đến bệnh viện ngay.

Theo Tuổi trẻ
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem