Sức bật từ vùng chuyên canh
Toàn huyện miền núi Hướng Hóa có 13 xã, chủ yếu là đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô sinh sống, đời sống nhiều hộ thuộc diện đặc biệt khó khăn. Theo thống kê, Hướng Hóa có 2.093 hộ bị thiếu đất sản xuất, trong đó hộ dân tộc thiểu số bị thiếu đất sản xuất là 1.930 hộ và 698 hộ thiếu đất ở. Đây là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo ở Hướng Hóa còn cao.
Huyện Hướng Hóa là nơi có diện tích trồng cây mắc ca lớn nhất tỉnh Quảng Trị. ảnh: Ngọc Vũ
Để giảm nghèo, chính quyền địa phương nơi đây đã thực hiện lồng ghép nhiều nguồn vốn từ các chương trình, dự án với Chương trình xây dựng NTM để xây dựng các công trình hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm mang lại thu nhập cao và ổn định cho nông dân.
Theo đó, trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh như trồng chuối, sắn ở 7 xã vùng Lìa; trồng hồ tiêu ở các xã Hướng Phùng, Hướng Việt, Tân Liên…; trồng bời lời ở các xã Hướng Việt, Hướng Lập…; trồng cao su ở xã A Dơi, xã Thuận, hay nuôi bò sinh sản ở xã Thanh, Hướng Sơn… Nhờ tập trung sản xuất chuyên canh, hiệu quả kinh tế của các mô hình tăng lên rõ rệt, tạo sức bật cho nông nghiệp phát triển.
Ông Nguyễn Ngọc Khả - Trưởng phòng NNPTNT Hướng Hóa cho hay, hiện nay huyện có khoảng 3.200ha chuối trồng ở 7 xã vùng Lìa (giáp với nước bạn Lào), cung cấp thường xuyên cho thị trường Thái Lan, Trung Quốc... Ngoài ra, huyện còn trồng gần 5.000ha cà phê, gần 1.000ha cao su và đang tạo thu nhập khá cho hàng ngàn lao động miền núi.
Xây dựng nông thôn mới, bộ mặt xã Tân Liên (huyện Hướng Hóa) ngày càng khang trang. Ảnh: I.T
Đột phá từ hạ tầng nông thôn mới
Huyện Hướng Hóa hiện có 3 xã đạt chuẩn NTM, 100% xã có đường ôtô đến trung tâm xã, 18/20 xã đạt tiêu chí thủy lợi và điện… Hướng Hóa phấn đấu đến năm 2020 có 40-50% số xã đạt chuẩn NTM, không có xã nào dưới 10 tiêu chí, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 2-3%. |
Nắm bắt xu thế nông nghiệp hội nhập, huyện Hướng Hóa đang xây dựng một số mô hình nông nghiệp theo hướng liên kết 4 nhà, trồng cây cà phê bằng công nghệ tưới nhỏ giọt; trồng hoa ly trong nhà kín ở đèo Sa Mù (xã Hướng Phùng) bước đầu mang hiệu quả cao.
Mới đây, một số doanh nghiệp ở Hàn Quốc, Nhật Bản đã đến Hướng Hóa thử nghiệm trồng tỏi và rau sạch ở đèo Sa Mù. Nếu thử nghiệm thành công, nông dân trên địa bàn sẽ có cơ hội nâng cao trình độ sản xuất và tăng thu nhập.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Võ Thanh – Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết, từ khi triển khai xây dựng NTM, huyện Hướng Hóa xác định khâu đột phá quan trọng đó là tập trung xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng. Tranh thủ các nguồn lực, trong 5 năm qua, huyện đã huy động trên 1.800 tỷ đồng, trong đó nhân dân hiến trên 20.000m2 đất, hàng trăm ngày công lao động ước tính khoảng 397 triệu đồng… để mở rộng, nâng cấp xây mới đường giao thông, thủy lợi, nước sạch, trường học, trạm xá, nhà văn hóa cộng đồng.
Ở huyện Hướng Hóa, nhiều xã vùng biên giới khi triển khai xây dựng NTM gặp không ít khó khăn nhưng vẫn biết tìm tòi giải pháp để từng bước hoàn thành các tiêu chí. Chẳng hạn như ở xã A Dơi, bây giờ đường vào xã trải nhựa rộng rãi, 2 bên đường là những ngôi nhà sàn kiên cố của đồng bào Vân Kiều xen kẽ nhà xây mái ngói của người Kinh, trụ sở xã, trường học, trạm xá được xây dựng khang trang.
Ông Hồ Xa Cách - Chủ tịch UBND xã A Dơi cho biết: Trên cơ sở quy hoạch tổng thể, xã đã quy hoạch khu dân cư, quy hoạch đất đai và tập trung xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Đến nay, 100% hộ của xã được dùng điện lưới quốc gia, nước sạch tự chảy hợp vệ sinh, hệ thống giao thông được nâng cấp, mở rộng, nhân dân đi lại ngày càng thuận tiện…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.