Biên kịch tiết lộ "Sinh tử" sẽ có những điều chưa từng có trên màn ảnh

Hà Thúy Phương Chủ nhật, ngày 10/11/2019 20:13 PM (GMT+7)
Cho đến năm 2018, thời cuộc có những biến chuyển khiến Phạm Ngọc Tiến có suy nghĩ rằng, có lẽ đây mới là thời điểm phù hợp để bộ phim về thể chế, quyền lực, tham nhũng "Sinh tử" được ra đời.
Bình luận 0

img

Biên kịch Phạm Ngọc Tiến tiết lộ "Sinh tử" sẽ có những điều chưa từng có trên màn ảnh.

"Sinh tử" tự chọn thời điểm để ra đời

Kịch bản của “Sinh tử” được thai nghén từ năm 2008 khi biên kịch chuẩn bị về hưu. Sau khi hoàn thành việc chuyển thể kịch bản phim “Đàn trời” từ tiểu thuyết với đề tài miền núi, biên kịch Phạm Ngọc Tiến nhen nhóm ý đồ làm một kịch bản phim về thể chế, chính sách quyền lực trong đó có những nhân vật chủ chốt của chính quyền đưa ra những quyết định tiến bộ có tính chất thay đổi, đưa đến cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng tâm nguyện đó vì nhiều lý do mà cứ thế trôi đi khiến biên kịch Phạm Ngọc Tiến cuối cùng đã về hưu vào năm 2106 mà chưa thực hiện được.

Cho đến 2018, thời cuộc có những biến chuyển "rất kinh khủng" khiến Phạm Ngọc Tiến có suy nghĩ rằng, có lẽ đây mới là thời điểm phù hợp để bộ phim về thể chế, quyền lực, tham nhũng được ra đời. Biên kịch Phạm Ngọc Tiến gọi điện cho đạo diễn Đỗ Thanh Hải thì được biết VFC đang có dự án về phim chống tham nhũng đã xoay xở trong 2 năm rồi nhưng không thành. Các nhóm biên kịch cùng đạo diễn Khải Hưng đã lăn lộn ở Viện kiểm sát (VKS) 3 tháng trời mà chưa có được kịch bản ưng ý.

img

Đạo diễn Mai Hiền, Khải Hưng, Trọng Trinh (từ trái sang). 

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải nói biên kịch Phạm Ngọc Tiến chỉnh sửa lại kịch bản cũ của ông đã gửi 10 năm trước để gửi sang VKS cùng phối hợp. Khi kịch bản được gửi sang VKS thì nhận được sự ủng hộ ngay lập tức và VKS duy nhất chỉ có yêu cầu đưa thêm tuyến VKS vào trong kịch bản và biên kịch Phạm Ngọc Tiến đã đồng ý. Việc này không khó vì bên VKS rất nhiệt tình tạo điều kiện cho biên kịch và đây cũng là lần đầu tiên biên kịch Phạm Ngọc Tiến tìm hiểu một cách sâu sắc, thấu đáo, kỹ lưỡng về ngành kiểm sát, khác hẳn suy nghĩ của ông trước kia về cơ quan điều tra. Dù VKS sẽ xuất hiện dày đặc trong “Sinh tử”, nhưng biên kịch Phạm Ngọc Tiến khẳng định, “Sinh tử” không phải là phim về VKS mà là phim chống tham nhũng.

Biên kịch ngang ngược lần đầu tiên chấp nhận bị can thiệp nội dung

Khi kịch bản được viết xong, bẵng đi một thời gian, đạo diễn Đỗ Thanh Hải gặp biên kịch Phạm Ngọc Tiến nói muốn "Sinh tử" sẽ nói về một vụ đại án. Biên kịch ngã ngửa, bảo: "Sao không nói ngay từ đầu, giờ anh đã viết xong 35 tập phim, 320 ngàn chữ, tính ra là 1200 trang sách in". Biên kịch Phạm Ngọc Tiến vô cùng nản, vì xét về công danh tiền bạc, dù không phải là giàu có nhưng mọi thứ ông đều có rồi, điều thôi thúc để làm “Sinh tử” là vì ông yêu tác phẩm này và muốn dùng nó đóng góp điều gì đó cho xã hội.

img

Một số cảnh trong phim "Sinh tử" thu hút khán giả. Trong ảnh, Chủ tịch tỉnh Trần Nghĩa do NSND Hoàng Dũng đóng.

Lại nói về tính cách xưa nay của biên kịch Phạm Ngọc Tiến, ông nổi tiếng ngang ngược, kiêu ngạo. Từ trước tới nay ông chưa bao giờ để ai can thiệp vào nội dung kịch bản của mình, cần thì thay đạo diễn. Đã từng có chuyện khi kịch bản “Đất và người” của ông được phân cho đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, sau khi đọc kịch bản, vị đạo diễn gạo cội về đề tài nông dân đã đưa cho biên kịch 5 trang góp ý.

Biên kịch Phạm Ngọc Tiến đã thẳng thừng: “Tôi nghĩ anh nên tìm kịch bản khác, kịch bản này không hợp với anh, nghĩa là tôi từ chối anh”. Lần này là trường hợp duy nhất, biên kịch Phạm Ngọc Tiến đồng ý viết lại toàn bộ kịch bản của mình, để thay câu chuyện thành một vụ đại án, nghĩa là một vụ án phức tạp, có các án tử hình.

img

Bí thư Tỉnh ủy Văn Thành Nhân

"Sinh tử" lần đầu tiên những thủ đoạn tham nhũng được phân tích kỹ lưỡng

Xem “Sinh tử” người xem sẽ hiểu được các thủ đoạn tại sao lại có những người giàu có như thế, đó là một nhóm lợi ích bắt tay nhau làm giàu trên mọi thứ của nhân dân. “Sinh tử” có hai phần, đó là cuộc đấu tranh giữa quyền lực đỉnh cao của những nhân vật tiến bộ là Bí thư Tỉnh ủy Văn Thành Nhân và nhân vật bảo thủ trì trệ tham nhũng đủ cách là chủ tịch tỉnh Trần Nghĩa. Cuộc đấu tranh có thêm một nhân vật thứ 3 là Phó Bí thư Hoàng Hiền, cơ hội, hóng hớt, không vì dân vì nước mà là kẻ cơ hội. Chủ tịch tỉnh nắm quyền hành về mặt hành pháp điều khiến chính quyền, ban phát bổng lộc, thu tiền tham nhũng. Bí thư tỉnh ủy là một người khá trẻ trong kịch bản, lên phim do đạo diễn diễn viên Trọng Trinh thể hiện là hơi già.

Cuộc đấu là phải có chính - tà, thắng và thua nhưng trong cuộc đấu này không ai thắng, mặc dù Chủ tịch tỉnh Trần Nghĩa cuối phim bị bắt nhưng không có nghĩa là bí thư Phan Thành Nhân thắng, bí thư Nhân cũng tổn thất tình đồng chí, đồng đội, tổn thất trong bộ máy. “Sinh tử” là cuộc đấu không có người thắng - người thua nhưng có chính và tà.

img

Doanh nhân Mai Hồng Vũ

Ở vế thứ 2 là thông điệp của phim mang đến là chống tham nhũng. Chống tham nhũng là phải làm được một vụ án từ đầu đến cuối với những phân tích về việc bắt tay nhau giữa doanh nghiệp và hệ thống công quyền như thế nào. Một dự án và cách họ ăn cướp của nhân dân như thế nào, đút lót nhau như thế nào chính là phần thứ 2, với thông điệp rõ ràng - chống tham nhũng và có kết quả, có bắt giữ, có đi đến tận cùng.

Tại sao phim tên là “Sinh tử”? Mỗi một cuộc đời con người phải có những chọn lựa, chọn lựa cái gì tốt nhất để dành cho mình, cái gì xấu xa thì loại ra, còn nếu anh chọn cái xấu xa, tham lam thì anh sẽ chết. Một đất nước cũng vậy, anh phải chọn đường sống, nhưng chọn nó không đơn giản, phải đấu tranh, phải cam go. Đường tử bào giờ cũng hào nhoáng, tư tưởng của phim là sự chọn lựa.

img

Ê kíp đoàn phim "Sinh tử" 

“Sinh tử” cũng khác với các phim khác là đi sâu vào chuyên môn trong thượng tầng. Thượng tầng phải đưa về cấp tỉnh với tỉnh giả định tên Việt Thanh gắn liền với tiếng Việt. Trong phim có nhân vật chủ doanh nghiệp tên Mai Hồng Vũ, mọi người sẽ hình dung ra Vũ Nhôm nhưng biên kịch khẳng, nhân vật Hồng Vũ biên kịch viết trước khi có vụ án này.

“Sinh tử” sẽ cho người dân hiểu được thủ đoạn của nhóm lợi ích là như thế nào, quyền lực, tại sao đất nước có nhiều đại gia như thế. Đường đi nước bước từ lúc họ lập dự án như thế nào, phát triển thôn tính ra làm sao. Không dựa vào hồ sơ từ VKS, vì kịch bản được sự trợ giúp của VKS ban đầu đã “bị” đạo diễn Đỗ Thành Hải yêu cầu thay đổi. Những vụ án trong “Sinh tử” được biên kịch cho biết, hòan toàn dựa trên… sự tưởng tượng của nhà văn.

Lời thoại được biên kịch nghiên cứu rất kỹ, ông dành thời gian tiếp xúc với bí thư tỉnh ủy, với chủ tịch tỉnh, bằng vốn sống mình đã từng sống tìm hiểu người ta kỹ lưỡng. Thường vụ tỉnh ủy là như thế nào, cơ cấu của VKS cấp tỉnh như thế nào, lời thoại đã làm khó cho các diễn viên vì là lời thoại chính trị nhưng nội dung phim thì sẽ rất dễ hiểu.

img

Biên kịch “Sinh tử” sẵn sàng đón nhận “tai nạn” nghề nghiệp

“Sinh tử” đã bắt đầu phát sóng những tập đầu tiên, biên kịch khẳng định, hay thì chưa biết vì còn là đánh giá của mọi người nhưng biên kịch Phạm Ngọc Tiến khẳng định, không bao giờ làm phim dở.

Hỏi biên kịch Phạm Ngọc Tiến về những hệ lụy có thể phải hứng chịu sau khi “Sinh tử” lên sóng. Biên kịch Phạm Ngọc Tiến khẳng định, nghề nào cũng có tai nạn. Ông đã từng gặp nhiều tai nạn với phim của mình. Phim “Chuyện làng Nhô” khi chiếu 2 tập đầu đã ầm ĩ khiến các cấp phải xem lại bộ phim đó như thế nào. Cho đến bây giờ không ít người trong đó có cả các nhà văn bảo Phạm Ngọc Tiến là bồi bút, đàn áp nông dân. Phạm Ngọc Tiến bảo họ không hiểu nhà văn là người diễn tả lại hiện thực, kể lại một câu chuyện. Phim đó phải đổi đi đổi lại, xem xét chán chê mới xong.

img

Với “Đất và người”, một phim rất bình thường về nông dân mà không cấp nào duyệt, họ ngại, biên kịch phải yêu cầu đạo diễn Khải Hưng đánh công văn đưa lên Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Vụ Văn hóa – Văn nghệ để xin cho thẩm định. Cuối cùng người ta bảo đó là một bức tranh u ám về nông thôn Việt Nam nhưng cũng có những sự tiến bộ tích cực ở tư tưởng, muốn có sự đổi mới, người bảo nên làm có người bảo nên bỏ. Sau cùng nó cũng được nhận xét là: “Không đi ngược lại đường lối của Đảng, chính sách” ông khoanh tròn vào đó và cho biết đó là mẹo để “Đất và người” được ra đời.

Dự đoán của biên kịch về phản ứng của khán giả với “Sinh tử” là sự tiếp nhận vì bi kịch lớn hiện nay là hiện thực xã hội lại đi nhanh hơn tác phẩm nghệ thuật, kể cả báo chí. Xã hội phát triển nhanh, tham nhũng ghê gớm, xuống cấp nhanh khiến báo chí và nghệ thuật không phản ánh và dự báo được nữa. Bi kịch thời đại là không ai dự đoán được ông Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn có thể ăn tiền như thế mà nó lại diễn ra thì độ xuống cấp tha hóa mạnh như thế nào. Một trong các chức năng của nghệ thuật là tính dự báo đã bị mất hẳn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem