Cây "thần dược" của đồng bào vùng cao
Cây chè dây có tên khoa học Ampelopsis Cantoniensis Planch, họ Nho (Vitacae), đồng bào Cơ Tu gọi là cây chè rừng. Đây là loại thân dây, lá thon nhỏ, chân chim có hình răng cưa, vị ngọt, đắng, tính mát được đồng bào dân tộc miền núi sử dụng như một vị thuốc dân gian chữa các loại bệnh liên quan tới dạ dày, đường ruột… Ngoài ra, chè dây còn có tác dụng an thần, chữa mất ngủ và làm lành các ổ viêm loét, diệt trừ khuẩn helicobacter pylori với tỷ lệ cao.
Tại huyện Đông Giang, chè dây Ra Zéh mọc phân tán tự nhiên dưới tán rừng. Loại cây này sinh trưởng, phát triển tốt, thích nghi với điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng các thôn trên địa bàn xã Tư và một số thôn của các xã vùng giáp ranh, đặc biệt là ở các vườn đồi, rừng tái sinh sau nương rẫy.
Nhờ trồng chè dây Ra Zéh mà hàng chục hộ dân ở xã Tư (Đông Giang, Quảng Nam), đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. (ảnh: CTV)
Ông Lê Duy Trường - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp xã Tư (Đông Giang, Quảng Nam) cho biết, tháng 12/2017, HTX Nông nghiệp xã Tư được thành lập, bên cạnh việc thực hiện các hoạt động nông nghiệp như sản xuất cây giống (keo, dược liệu); cung cấp vật tư nông nghiệp; bán buôn tổng hợp… HTX đã quyết định chọn sản phẩm chè dây Ra Zéh là sản phẩm chủ lực. HTX tích cực hỗ trợ các tổ viên trong các khâu trồng, chăm sóc, thu hái chè dây và làm đầu mối thu mua sản phẩm chè dây của tổ viên để cung cấp ra thị trường.
Quy trình chế biến chè dây trải qua nhiều công đoạn từ sơ chế, chặt băm đến sao, ủ lên men trong nhiều giờ sau đó sấy làm khô... Kết quả làm cho lá chè dây thành phẩm có nhiều phấn trắng, nước chè dây đậm vị ngọt hậu, dễ uống và tốt cho dạ dày.
Giúp người dân thoát nghèo bền vững
Theo ông Trường, hiện nay diện tích chè dây trên địa bàn xã Tư là khoảng hơn 10ha, trong đó có 5ha trồng, và hơn 5ha khoanh nuôi và thu hái trong rừng đồi tự nhiên. Toàn xã có hơn 20 hộ trồng chè dây Ra Zéh, cũng nhờ trồng chè mà nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Điển hình có thể kể đến như hộ ông Phạm Quốc Phòng (thôn Pa nan) 2ha, hay hộ anh Lâm Văn Thông (thôn Gadoong) 1,8ha…
Người dân xã Tư trồng chè dây trong vườn nhà. (ảnh: CTV)
Ông Phạm Quốc Phòng (50 tuổi, ở thôn Pa nan, xã Tư) chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi chỉ trồng keo,ss chăn nuôi nhỏ lẻ làm kế sinh nhai, tuy nhiên thu nhập khá bấp bênh, năm 2016 tôi bắt đầu trồng chè dây Ra zéh, làm hướng đi phát triển kinh tế cho gia đình, chè dây Ra zéh cũng tương đối dễ trồng, sau khi trồng xong, chỉ bón phân, làm cỏ, từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 6 tháng. Đến nay, diện tích trồng chè của gia đình tôi gần 2ha, mỗi năm cho sản lượng khoảng 25 - 30 tấn, với giá bán trung bình 15.000 - 20.000 đồng/kg (chè tươi), sau khi trừ các khoảng chi phí, hàng năm gia đình tôi lãi hơn 200 triệu đồng. Nhờ vậy mà tôi nuôi 3 đứa con khôn lớn, xây dựng nhà cửa khang trang”.
Năm 2018, sản phẩm chè dây Ra Zéh của HTX Nông nghiệp đã được công nhận là sản phẩm có chất lượng cao, qua đó HTX được hỗ trợ tham gia các hội chợ triển lãm sản phẩm, kết nối được với các đối tác phân phối sản phẩm, và có nhiều cơ hội giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng. |
Anh Lâm Văn Thông - người đồng bào Cơ Tu (32 tuổi, ở thôn Gadoong, xã Tư) cho hay, gia đình anh con đông, bố mẹ anh có tới 7 người con, là hộ nghèo của xã, trước đây anh cùng bố mẹ vào rừng hái lá chè dây Ra Zéh về bán, thấy sản phẩm chè dây Ra Zéh có giá trị kinh tế cao, anh bắt đầu chọn mô hình trồng chè dây Ra Zéh, làm bước khởi nghiệp cho bản thân, tạo hướng đi phát triển kinh tế bền vững cho gia đình, giúp bố mẹ đỡ vất vả hơn.
“Nhờ được sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương, HTX Nông nghiệp xã Tư, đầu năm 2018 tôi bắt đầu canh tác trồng chè dây Ra Zéh, đến nay tổng diện tích trồng chè dây Ra Zéh của tôi là 1,8ha, mỗi năm cho sản lượng khoảng 25 tấn, sau khi trừ các khoảng chi phí tôi lãi cũng được hơn 150 triệu đồng, từ đó đã giúp cho gia đình tôi thoát nghèo, ổn định cuộc sống” - anh Lâm Văn Thông phấn khởi nói.
Ông Trường cho biết thêm, ở đây bình quân các hộ trồng chè dây sau khi trừ đi các chi phí lãi khoảng 80 - 100 triệu đồng/năm, nhiều hơn so với các loại cây trồng khác tại địa phương như keo... Chè dây được tiêu thụ chính ở TP.Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và các tỉnh lân cận với giá dao động trên thị trường khoảng 20.000 đồng/kg (chè tươi) và 90.000 đồng/kg (chè khô đã qua sơ chế).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.