Bình Định: Huyện thứ 4 đủ điều kiện trình Thủ tướng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới
Bình Định: Huyện thứ 4 đủ điều kiện trình Thủ tướng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, là huyện nào?
Dũ Tuấn
Thứ bảy, ngày 09/01/2021 06:26 AM (GMT+7)
Toàn tỉnh Bình Định có 3 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là Hoài Nhơn, An Nhơn và Quy Nhơn. Đến nay, huyện Tuy Phước đang hoàn chỉnh hồ sơ cấp tỉnh để trình Trung ương xem xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.
Ngày 8/1, UBND tỉnh Bình Định cho biết, đã đề nghị UBMTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì, phối hợp với UBMTTQ huyện Tuy Phước triển khai lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân trên địa bàn đối với việc đề nghị công nhận huyện Tuy Phước đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020, trước khi hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục trình Trung ương xem xét.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, tổng số xã xây dựng nông thôn mới của địa bàn huyện Tuy Phước là 11 xã, đến nay đã có 11/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 100%). Có tổng số 9 tiêu chí nông thôn mới của huyện đạt chuẩn theo quy định.
Theo ông Tuấn Thanh, đối chiếu với các quy định, huyện Tuy Phước đủ điều kiện để đề nghị Bộ NNPTNT và các Bộ, ngành Trung ương thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.
Quyền Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định Trần Văn Phúc cho biết, đến nay, toàn tỉnh có 3 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là Hoài Nhơn, An Nhơn và Quy Nhơn, riêng huyện Tuy Phước đang hoàn chỉnh hồ sơ cấp tỉnh để trình Trung ương xem xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.
Có 85/121 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 70,2% (vượt 24 xã so với nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao đối với tỉnh Bình Định đến năm 2020 có 61 xã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới), 13 xã đạt 15-18 tiêu chí (chiếm 10,7%), 22 xã đạt từ 10-14 tiêu chí (chiếm 18,2%), 1 xã đạt dưới 10 tiêu chí (chiếm 0,8%).
Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn là 40 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,18%, tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100% (trong đó: dân cư sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn là 63%).
"Bộ mặt nông thôn của tỉnh đã thay đổi, hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng được hoàn thiện theo hướng hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần của phần lớn dân cư nông thôn được nâng lên rõ rệt.
Sản xuất nông nghiệp hàng hóa được chú trọng và có chuyển biến, góp phần tích cực nâng cao thu nhập của người dân, cảnh quan môi trường nông thôn được cải thiện ngày càng xanh - sạch - đẹp, bản sắc văn hóa nông thôn đã được giữ gìn và phát huy. Ngoài ra, an ninh trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn được đảm bảo và giữ vững", ông Văn Phúc cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.