Bình Định: Dân nuôi thứ heo gì mà chỉ cần nói tên là nhiều người đã đòi mua?

Thăng Bình Thứ sáu, ngày 07/05/2021 06:00 AM (GMT+7)
Heo đen được xem là loài vật nuôi đặc hữu có giá trị kinh tế cao của đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều địa phương vùng cao của tỉnh Bình Định.
Bình luận 0

Giống heo đen bản địa

Vùng đất An Lão – huyện miền núi xa xôi của tỉnh Bình Định đang là nơi đang bảo tồn, phát triển tốt đàn heo đen bản địa.

Bình Định: Giống heo nhìn bên ngoài đen như cục than, nhưng... "đầu ra có bao nhiêu, tiêu thụ bấy nhiêu" - Ảnh 1.

Mô hình nuôi heo đen mang lại hiệu quả kinh tế cao ở xã An Toàn, huyện An Lão, tỉnh Bình Định.

Cách đây khoảng 3 năm, gia đình nông dân Đinh Văn Kem (ở thôn 1, xã An Toàn, huyện An Lão) được huyện hỗ trợ 4 con heo đen giống để nuôi, đến nay đàn heo của ông Kem phát triển ổn định, hiện đã tăng đàn lên đến 25 con. Mỗi năm, ông Kem xuất bán 10 con heo, thu về hơn 40 triệu đồng.

Từ ngày nuôi heo đen đến nay, kinh tế gia đình ông Kem rất ổn định, thu nhập tăng cao đã giúp ông cải thiện cuộc sống. Con giống ban đầu, ông không mất tiền mua mà được huyện hỗ trợ, ngoài ra trong quá trình nuôi được cán bộ khuyến nông huyện hướng dẫn kỹ thuật nên yên tâm phát triển đàn.

"Heo đen dễ ăn dễ uống, đặc biệt chuồng nuôi cần có nền đất và nằm dưới bóng cây xanh. Tôi vào rừng chặt chuối, hái rau rừng các loại về băm ra nấu với cám cho heo ăn. Loài heo này nuôi chậm lớn nhưng bù lại bán được giá hơn heo thường nên cho hiệu quả cao", ông Kem nói.

Nhờ được hỗ trợ, khuyến khích phát triển, mô hình chăn nuôi heo đen hiện đã phát triển rộng khắp tại nhiều địa phương trong huyện miền núi An Lão. Không chỉ ở vùng cao, heo đen bản địa giờ còn được nuôi tại những vùng đồng bằng trong huyện.

Nông dân Trần Văn Quốc (ở thôn Xuân Phong Nam, xã An Hòa) nuôi heo đen từ năm 2018 đến nay, mỗi năm anh có thu nhập hơn 120 triệu đồng từ con heo bản địa này.

"Ngoài xuất bán trong tỉnh, heo đen tôi nuôi còn đưa đi tiệu thụ tận trong Nam, đầu ra sản phẩm rất ổn định. Thị trường đang rất hít giống heo bản địa này nên nuôi heo đen mình không phải lo chuyện tiêu thụ", anh Quốc phấn khởi chia sẻ.

Bình Định: Giống heo nhìn bên ngoài đen như cục than, nhưng... "đầu ra có bao nhiêu, tiêu thụ bấy nhiêu" - Ảnh 2.

Heo đen cũng đang được nuôi nhiều tại các xã vùng cao của huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định.

"Sát cánh" cùng nông dân

Ở huyện trung du Hoài Ân (tỉnh Bình Định), giống heo đen đang phát triển mạnh tại 3 xã vùng cao Đắk Mang, Ân Sơn và Bok Tới. Tại đây, khi hậu và điều kiện tự nhiên rất thích hợp để nuôi loài heo này.

Phó trưởng Phòng NNPTNT huyện Hoài Ân Võ Duy Tín cho biết, lồng ghép từ các Chương trình 135 và nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình xây dựng nông thôn mới, năm 2020 chính quyền huyện Hoài Ân đã hỗ trợ cho 3 xã vùng cao Đắk Mang, Ân Sơn và Bok Tới mỗi xã 30 - 40 con heo đen giống, phân bổ cho người dân địa phương thả nuôi.

Heo đen là giống heo địa phương, thực phẩm của chúng chỉ là cây chuối rừng, mì, cỏ, rau, củ, quả và đặc biệt, loài heo này phù hợp sống trong môi trường thả rông trong tự nhiên.

Heo đen phát triển rất chậm, nuôi từ 8 - 9 tháng đến 1 năm mới đạt trọng lượng 30 - 40 kg/con, nếu kéo dài thời gian nuôi đến 17-18 tháng heo đạt được trọng lượng 50 - 60 kg/con. Bù lại, giá bán của heo đen rất cao và đầu ra có bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu.

"Do chúng được thả rông, đi đứng vận động nhiều, chế độ ăn uống toàn là thực vật và nông sản bà con tự sản xuất, nên thịt heo đen săn chắc, thơm, do đó người tiêu dùng rất thích. Hiện heo đen có giá rất cao, 160.000 - 170.000 đồng/kg hơi, 1 con heo có trọng lượng 30 - 40kg bán được đến 4 - 5 triệu đồng, khoản thu nhập không nhỏ đối với đồng bào dân tộc thiểu số", ông Duy Tín cho hay.

Ở xã Ân Sơn có 3 hộ nuôi heo đen rất nổi tiếng, trong đó có hộ ông Đinh Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Ân Sơn. Nhờ tiếp thu tốt quy trình chăn nuôi do ngành khuyến nông hướng dẫn nên hiện đàn heo đen trong chuồng nhà ông Thanh phát triển đến gần 40 con, trong đó có 3 con nái, 20 heo con theo mẹ, còn lại là heo thịt.

Tiếp đến là hộ ông Đinh Văn Lý, cán bội Hội Người cao tuổi xã và chị Đinh Thị Thi ở thôn Đồng Nhà Mười là cán bộ Văn phòng UBND xã Ân Sơn. Nhận ra hiệu quả kinh tế nên hầu hết đồng bào thiểu số vùng cao Hoài Ân đều rất ưa chuộng nuôi và phát triển đàn heo đen.

Bình Định: Giống heo nhìn bên ngoài đen như cục than, nhưng... "đầu ra có bao nhiêu, tiêu thụ bấy nhiêu" - Ảnh 3.

Heo ưa chuộng thức ăn tự nhiên.

Theo Phòng NNPTNT huyện Hoài Ân, hiện nay trên địa bàn huyện có nhiều đại lý đi về các vùng cao như vùng K18 xã Ân Nghĩa và huyện miền núi Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định) mua giống gốc heo đen của đồng bào về cung cấp. Để hỗ trợ nông dân, xã chọn đại lý để mua nhưng được qua thẩm định, kiểm tra của ngành chức năng huyện, rà soát chọn heo đúng chất lượng.

"Trong năm  nay, chúng tôi tiếp tục lồng ghép từ nhiều chương trình, hỗ trợ vốn cho 3 xã vùng cao mỗi xã mua từ 30 - 40 con giống heo đen để nhân rộng trong nông hộ", Phó trưởng Phòng NNPTNT huyện Hoài Ân Võ Duy Tín cho biết.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem