Bình Định: Nuôi thứ heo gì mà đen như cục than, bắt ăn kham khổ thế mà chưa lớn nhiều người đòi "cắp" đi

Thứ tư, ngày 31/03/2021 09:06 AM (GMT+7)
4 năm trước, ông Đinh Văn Kem, ở thôn 1, xã An Toàn (huyện An Lão, tỉnh Bình Định) được huyện hỗ trợ 4 con heo đen giống để nuôi, đến nay đàn heo của ông Kem phát triển ổn định với số lượng 25 con; mỗi năm ông xuất bán 10 con, thu về hơn 40 triệu đồng. Nuôi heo đen không lo đầu ra bởi là heo hiếm.
Bình luận 0

Huyện An Lão (tỉnh Bình Định) đang hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển mô hình nuôi heo đen, nhằm tạo ra sản phẩm đặc trưng của địa phương, phát triển kinh tế hộ, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

4 năm trước, ông Đinh Văn Kem, ở thôn 1, xã An Toàn được huyện An Lão (tỉnh Bình Định) hỗ trợ 4 con heo đen giống để nuôi, đến nay đàn heo của ông Kem phát triển ổn định với số lượng 25 con; mỗi năm ông xuất bán 10 con, thu về hơn 40 triệu đồng.

Bình Định: Nuôi thứ heo gì mà đen như cục than, bắt ăn kham khổ thế mà chưa lớn nhiều người đòi "cắp" đi - Ảnh 1.

Ngoài hỗ trợ heo đen giống cho người dân nuôi, huyện An Lão (tỉnh Bình Định) đã lập hồ sơ đề nghị chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Heo đen An Lão”.

Ông Kem kể: “Từ ngày huyện An Lão động viên nuôi heo đen, hỗ trợ heo đen giống, hướng dẫn kỹ thuật nuôi heo chu đáo, kinh tế gia đình tôi ổn định hẳn. Heo đen dễ nuôi, chuồng nuôi cần có đất, có cây xanh làm nơi ở cho chúng. Thức ăn cho heo được tôi tận dụng từ cây chuối rừng, rau rừng các loại nấu với cám”.

Nhờ được hỗ trợ, khuyến khích phát triển, mô hình chăn nuôi heo đen đã phát triển rộng khắp tại nhiều địa phương trong huyện An Lão. 

Nuôi heo đen từ năm 2018 đến nay, mỗi năm anh Trần Văn Quốc, ở thôn Xuân Phong Nam, xã An Hòa, thu nhập hơn 120 triệu đồng. 

“Ngoài xuất bán heo đen trong tỉnh Bình Định, tôi còn có bạn hàng ở TP Hồ Chí Minh, nên đầu ra cho con heo đen ổn định. Nói chung khi nuôi heo đen, mình không phải lo chuyện bán...”, anh Quốc nói.

Theo anh Nguyễn Hồng Quân, chuyên viên Phòng NNPTNT huyện An Lão (tỉnh Bình Định), cùng với việc hỗ trợ heo đen giống để người dân phát triển kinh tế, Phòng cử cán bộ thường xuyên kiểm tra, tư vấn cho bà con cách làm chuồng trại, chăm sóc, phòng dịch bệnh trong quá trình nuôi để giúp mang lại hiệu quả cao. 

Riêng năm 2020, huyện An Lão đã mua 270 con heo đen giống hỗ trợ cho 94 hộ dân ở thị trấn An Lão và các xã: An Toàn, An Nghĩa, An Quang, An Hưng, An Trung, An Vinh để nuôi.

Để nâng giá trị kinh tế các sản phẩm đặc trưng của địa phương, huyện An Lão chú trọng xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm. 

Ông Đỗ Đình Biểu, Trưởng Phòng NNPTNT huyện An Lão, cho biết: Năm 2020, UBND huyện đã lập hồ sơ đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho 3 sản phẩm: Heo đen An Lão, Dứa An Toàn, Cam xoàn An Lão.

Hiện hồ sơ các sản phẩm đề nghị chứng nhận nhãn hiệu đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận. Năm nay, huyện sẽ lập hồ sơ đăng ký thêm 3 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm: Gà đồi An Lão, Rượu cần An Lão và Chè dây An Toàn.

Cùng với việc xây dựng nhãn hiệu các sản phẩm, huyện An Lão (tỉnh Bình Định) chú trọng tìm doanh nghiệp để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho người dân, nhằm phát huy giá trị các nhãn hiệu, mang lại hiệu quả kinh tế bền vững.

Đoàn Ngọc Nhuận (Báo Bình Định)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem