Bình Định: Ra rừng ngập mặn này chỉ cần nghe cá đớp nước đã thấy sung sướng trong lòng

Thứ năm, ngày 17/06/2021 19:05 PM (GMT+7)
Cuối năm 2010, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt Quy hoạch trồng rừng và bảo vệ rừng ngập mặn tỉnh từ năm 2010 đến năm 2020. Từ đó đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng ngập mặn.
Bình luận 0

Từ năm 2011 đến nay, rừng ngập mặn trồng mới chủ yếu sử dụng cây bần trắng, mắm trắng được trồng thuần loài hoặc hỗn giao, mật độ trồng ban đầu 3.300 cây/ha.
Việc chuyển đổi thành công này là một bước ngoặt lớn bởi những năm trước đó, loại cây được chọn trồng nhiều là cây đước, trồng nhiều tại các ao, hồ nuôi thủy sản bỏ hoang và trồng trên bãi bồi ven các đầm Thị Nại, Đề Gi, mật độ trồng 10.000 cây/ha. 

Bình Định: Ra rừng ngập mặn này chỉ cần nghe cá đớp nước đã thấy sung sướng trong lòng - Ảnh 1.

Rừng ngập mặn diện tích 3 ha ở vùng bãi triều khu vực đầm Thị Nại, thuộc thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Ảnh: HOÀI THU

Tuy nhiên, do trồng trực tiếp bằng trụ mầm nên khả năng chống chịu kém, trụ mầm giòn dễ đổ, gãy; đặc biệt độ mặn nước biển cao, các loài hàu, hà… bám ký sinh nhiều, gây thiệt hại lớn cho rừng trồng đước. Những nhược điểm này đã được khắc phục khi chuyển sang sử dụng bần trắng, mắm trắng.

Rừng ngập mặn phát triển và được bảo vệ tốt này có phần nguyên nhân rất quan trọng từ sự quan tâm của tỉnh, khi điều chỉnh suất đầu tư trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. 

Năm 2010, suất đầu tư trồng rừng bần trắng thuần, mật độ 3.300 cây/ha là hơn 56 triệu đồng/ha/3 năm. Đến năm 2019, mức hỗ trợ tăng lên đến hơn 263,9 triệu đồng/ ha/5 năm. 

Ông Trương Xuân Đưa, Trưởng Trạm Nghiên cứu ứng dụng Kỹ thuật Nông nghiệp (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định), cho biết: Việc điều chỉnh xuất phát từ việc tăng về giá vật tư, cây giống, nhân công, đã đảm bảo rừng trồng được chăm sóc và bảo vệ tốt, đặc biệt là cây trồng tăng tỷ lệ sống, tỷ lệ thành rừng cao.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh cùng các đơn vị, địa phương liên quan đã phối hợp tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng ngập mặn cho cộng đồng dân cư và hộ nhận khoán thực hiện; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư trong khu vực triển khai trồng rừng và vùng giáp ranh. 

Theo thống kê của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, tính đến tháng 6.2021, có 10,8 ha rừng 3 năm tuổi phân bố ở phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn; xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước; xã Cát Khánh, huyện Phù Cát - được trồng và chăm sóc tốt. Tương tự có 77,31 ha rừng từ 5 - 15 năm tuổi phân bố tại: Xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ; các xã Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thuận, huyện Tuy Phước và phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn - được bảo vệ tốt. Môi trường sinh thái được cải thiện tích cực, nhiều loài chim, cá đã có điều kiện tốt để sinh trưởng, phát triển.

Một trong những diện tích rừng trồng phát triển tốt nhất là vùng rừng rộng 3 ha trồng vào năm 2011 ở vùng bãi triều ven đầm Thị Nại, thuộc thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước (tỉnh Bình Định).

Đây là vùng rừng được tổ nhận khoán bảo vệ gồm 8 hộ ở thôn Diêm Vân do ông Dương Văn Tường làm tổ trưởng. Điều thú vị hơn nữa là khi rừng đạt 3 năm tuổi, các hộ khác lần lượt rời tổ chỉ còn lại gia đình ông Tường nhận khoán bảo vệ cho đến nay. 

Ngày 12.6 vừa qua, đưa tôi đi tham quan khu rừng ngập mặn, trồng thuần loài cây bần trắng “của mình” ông Tường nhiệt tình chia sẻ, rừng lên xanh, ken dày, khép tán với nhau trở thành “tấm khiên xanh” góp phần che chắn sóng gió cho cả một vùng rộng lớn, nhất là vào mùa mưa bão. 

Chỉ ngắm màu xanh cây bần, nghe chim chóc ríu ran, tiếng cá đớp nước đã thấy sung sướng trong lòng.

“Hàng chục năm trồng, chăm sóc, bảo vệ từ khi cây con đến thành rừng như thế này là vất vả lắm! Phải thường xuyên theo dõi, có mặt kịp thời để kiên quyết ngăn chặn, hoặc phối hợp, báo cáo các đơn vị chức năng, địa phương xử lý khi người dân khai thác thủy sản ở vùng bãi triều có thể gây xâm hại đến khu vực rừng trồng...", bà Đỗ Thị Nhung, vợ ông Dương Văn Tường bộc bạch.

Nhiều khi vì chuyện này mà các thành viên gia đình bà Nhung cũng làm mất lòng, thậm chí “căng thẳng” với bà con ở địa phương, nhất là trong giai đoạn đầu. 

"Tuy nhiên, khi rừng cây lớn dần, phát huy được hiệu quả thiết thực thấy rõ thì dần dà bà con cũng thay đổi nhận thức, hiểu rõ hơn vai trò của rừng ngập mặn với đời sống và chung tay cùng nhau giữ rừng…”, bà Nhung bộc bạch.

“Hệ sinh thái rừng ngập mặn hình thành có vai trò rất quan trọng trong việc ổn định môi trường sinh thái, tạo cảnh quan, ứng phó với tác động cực đoan của biến đổi khí hậu và bảo đảm cho tính đa dạng sinh học cao...; mang lại lợi ích thiết thực và lâu dài cho con người (bảo vệ bờ đê, các công trình thủy lợi, xây dựng, ngăn mặn, tạo sinh kế…). Công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng ngập mặn được quan tâm cũng đã góp phần giúp giải quyết việc làm cho người dân. Trong Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn giai đoạn 2021 - 2025 của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, có tiếp tục triển khai trồng mới rừng ngập mặn với tổng diện tích 10 ha”, ông Trần Quang Nhựt, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định.

Hoài Thu (Báo Bình Định)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem