Bình Dương: Những khu vực nào sẽ bị cấm nuôi yến kể từ ngày 1/1/2021?
Bình Dương: Những khu vực nào sẽ bị cấm nuôi yến kể từ ngày 1/1/2021?
Văn Dũng
Thứ ba, ngày 29/12/2020 11:46 AM (GMT+7)
HĐND tỉnh Bình Dương vừa có Nghị quyết cấm nuôi chim yến tại một số khu vực trên địa bản tỉnh. Vậy những khu vực nào của Bình Dương sẽ bị cấm nuôi chim yến từ 1/1/2021?
HĐND tỉnh Bình Dương vừa ban hành Nghị quyết quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi; chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
Cụ thể, những khu vực không được phép chăn nuôi là các khu vực nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư; trừ nuôi động vật với mục đích làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường.
Theo đó, những nơi như TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An, TP.Dĩ An và thị xã Bến Cát, thị xã Tân Uyên; thị trấn Tân Thành, xã Tân Bình, Tân Mỹ và xã Thường Tân của huyện Bắc Tân Uyên; thị trấn Lai Uyên (trừ KP Đồng Chèo), xã Hưng Hoà, xã Lai Hưng (trừ ấp Cầu Sắt, ấp Cầu Đôi) và xã Tân Hưng của huyện Bàu Bàng.
Thị trấn Phước Vĩnh của huyện Phú Giáo và thị trấn Dầu Tiếng, xã Thanh Tuyền (trừ ấp Lê Danh Cát và một phần ấp Đường Long), xã Long Hòa (trừ ấp Tân Hòa và một phần ấp Long Nguyên, Tiên Phong) và ấp Hoà Cường thuộc xã Minh Hoà của huyện Dầu Tiếng.Ngoài ra Nghị quyết còn quy định không được phép chăn nuôi tại các khu vực dân cư nằm trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi áp dụng cho các tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bình Dương đang hoạt động tại khu vực không được phép chăn nuôi.
Đối với cơ sở chăn nuôi mà chuồng trại tường xây gạch, nền láng xi măng, mái lợp tôn, ngói mức hỗ trợ là 200.000 đồng/m2 chuồng trại tại thời điểm ngừng hoạt động, nhưng không quá 200 triệu đồng/cơ sở.
Đối với các cơ sở chăn nuôi còn lại, mức hỗ trợ là 120 ngàn đồng/m2 chuồng trại tại thời điểm ngừng hoạt động, nhưng không quá 120 triệu đồng/cơ sở. Hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng đối với các cơ sở chăn nuôi ngừng hoạt động sau khi Nghị quyết này có hiệu lực thực hiện theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Để được hỗ trợ, các cơ sở chăn nuôi phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu: Nuôi gia súc, gia cầm và động vật khác thuộc Danh mục giống vật nuôi được sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam; Phải có Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật hoặc nếu không có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư thì các cơ sở chăn nuôi trong suốt quá trình hoạt động chăn nuôi phải chấp hành tốt quy định của địa phương về công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường theo quy định. Các cơ sở chăn nuôi được hưởng mức hỗ trợ theo quy định và phải có quy mô chăn nuôi từ 10 đơn vị vật nuôi trở lên.
Quy định vùng nuôi chim yến là vùng nằm ngoài khu vực không được phép chăn nuôi (ngoại trừ khu vực quy hoạch đất nông nghiệp dọc sông Sài Gòn và sông Thị Tính thuộc 3 xã An Điền, Phú An, An Tây thuộc thị xã Bến Cát) và nhà yến cách khu dân cư tối thiểu 300 mét.
Nhiều năm qua, hoạt động nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Bình Dương phát triển mạnh do kỹ thuật đơn giản, vốn đầu tư thấp, ít tốn nhân công lao động mà hiệu quả kinh tế lại cao. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm thì hoạt động này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường và cuộc sống của người dân.
Theo Chi cục Thủy sản Chăn nuôi Thú y Bình Dương, hiện nay số lượng làm nhà dẫn dụ, nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh là hàng trăm hộ. Hầu hết, số hộ nuôi yến tập trung nhiều ở huyện Dầu Tiếng và huyện Bàu Bàng, còn lại nằm rải rác ở khắp các huyện, thị, khu đô thị, khu dân cư tập trung tại TP Thủ Dầu Một, Bình Dương.
Hiện nay việc nuôi yến có 3 loại mô hình chính: Mô hình xây nhà yến bằng gạch, bê tông cốt thép; mô hình xây dựng 3D đang được các nhà đầu tư thực hiện tạo mô hình cấu trúc hấp dẫn trong các khu du lịch; mô hình nhà lắp ghép bằng tấm lợp thông minh được thực hiện theo hình thức thiết kế khung sắt, lợp mái và bao bọc tole.
Tại tỉnh Bình Dương, hầu hết các nhà nuôi, dẫn dụ yến tự phát xây mô hình kết hợp người ở sinh hoạt ở dưới và nuôi chim yến ở tầng trên. Trên thực tế, nhiều nhà dân nuôi chim yến tìm cách lách các quy định bằng các xin giấy phép xây dựng nhà ở, nhưng nhà xây xong thì đưa chim yến vào nuôi.
Tuy nhiên, việc tự ý xây dựng nhà nuôi chim yến trong khu dân cư hoặc cải tạo, cơi nới, chuyển đổi công năng nhà ở thành nhà nuôi chim yến còn nhiều bất cập trong quản lý.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.