Bình Dương tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế
Bình Dương khắc phục các điểm nghẽn, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế
Trần Khánh
Thứ tư, ngày 07/12/2022 10:54 AM (GMT+7)
Tiến độ quy hoạch xây dựng tỉnh Bình Dương vẫn còn chậm, đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn. Trong khi kinh tế năm 2023 còn khó khăn, Bình Dương cần sớm khắc phục các điểm nghẽn, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế.
Ngày 7/12, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức họp báo về tình hình kinh tế, xã hội năm 2022.
Bình Dương đạt nhiều chỉ tiêu khả quan
Năm 2022, tình hình chính trị, kinh tế thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó lường; nhiều diễn biến chưa từng có tiền lệ, vượt khỏi khả năng dự báo.
Nỗ lực khắc phục khó khăn, tình hình kinh tế, xã hội Bình Dương đạt được nhiều kết quả khả quan. Năm 2022, Bình Dương đã đạt và vượt 29/34 chỉ tiêu kế hoạch năm 2022.
Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) Bình Dương ước tăng 8,01% (đạt kế hoạch 8-8,3%); GRDP bình quân đầu người đạt 166 triệu đồng.
Sản xuất công nghiệp của tỉnh giữ mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 8,9% so với năm trước (đạt kế hoạch tăng 8,9%).
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước đạt 269.440 tỷ đồng, tăng 16,8% so với năm trước (theo kế hoạch tăng 16%).
Kim ngạch xuất khẩu của Bình Dương đạt 35,7 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2021 (theo kế hoạch tăng 14,5%); kim ngạch nhập khẩu đạt 25,8 tỷ Bình Dương, tăng 1% (theo kế hoạch tăng 17%).
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của Bình Dương ước thực hiện 154.473 tỷ đồng, tăng 12,9% so với năm 2021 (theo kế hoạch tăng 10%).
Tình hình ngân sách của Bình Dương ước thu đạt 61.940 tỷ đồng, đạt 103% dự toán HĐND tỉnh giao. Tổng chi ngân sách thực hiện 20.409 tỷ đồng, đạt 100% dự toán.
Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh ước đạt 295.000 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ. Dư nợ cho vay ước đạt 289,5 ngàn tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ.
UBND tỉnh cho biết, năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức khó lường, kinh tế, xã hội của tỉnh đã phục hồi và đạt nhiều kết quả khả quan trên các lĩnh vực.
Các hoạt động văn hóa, xã hội nhanh chóng phục hồi và có nhiều khởi sắc trong trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch Covid-19.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tầm Dương – Chánh Văn phòng tỉnh cũng đánh giá, diễn biến bất lợi từ tình hình kinh tế, chính trị thế giới làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của hầu hết các quốc gia, tác động đến sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của tỉnh.
Sản xuất công nghiệp, xuất khẩu ổn định trong 6 tháng đầu năm 2022 nhưng có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại từ quý III, quý IV/2023. Dự kiến tiếp tục gặp khó khăn trong quý I năm 2023 và thời gian tiếp theo.
Tiến độ công tác quy hoạch tuy đã được đẩy nhanh nhưng việc triển khai lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng vẫn còn chậm.
Đặc biệt, đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn đối với Bình Dương khi khối lượng thực hiện và giải ngân vốn chưa đạt được kết quả như mong đợi.
Tính đến cuối tháng 11/2022, tổng giá trị giải ngân đầu tư công của Bình Dương là 4.719 tỷ đồng, đạt 45,8% kế hoạch năm 2022 HĐND tỉnh giao.
Một khó khăn khác nữa là nhiều doanh nghiệp tiếp tục giảm quy mô sản xuất, cắt giảm giờ làm, cho lao động nghỉ việc. Điều này đang ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống người lao động.
Đối với các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội, môi trường, đô thị năm 2023, UBND tỉnh đặt mục tiêu tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 8,5-8,7% so với năm 2022.
Trước mắt, Bình Dương tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo đảm ổn định các cân đối lớn và kiểm soát lạm phát.
Đồng thời, Bình Dương đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế.
Trước đó, tại buổi làm việc với đoàn công tác của Chính phủ với tỉnh Bình Dương, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thời gian tới khó khăn, thách thức sẽ còn tiếp tục tác động đến Việt Nam.
Thủ tướng yêu cầu Bình Dương cần phải linh hoạt phát triển nhanh, toàn diện, bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đặc biệt, cần kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn hỗ trợ doanh nghiệp
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bình Dương chú trọng đến công tác quy hoạch để khai thác tiềm năng, huy động được nhà đầu tư tham gia, xây dựng quy hoạch. Quy hoạch phải đi trước một bước, có tư duy và tầm nhìn chiến lược, cố gắng hoàn thành quy hoạch trong tháng 6/2023.
Về đầu tư công, Thủ tướng cho rằng, công tác chuẩn bị đầu tư của tỉnh chưa tốt, còn dàn trải.
Vì vậy tỉnh phải nỗ lực nhiều hơn nữa thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, công tác tuyên truyền và tái định cư cho người dân. Bên cạnh đó, phải điều chuyển vốn ở các dự án chậm tiến độ sang các dự án có tiến độ tốt, nhằm đảm bảo kết quả giải ngân.
Thời gian tới, Bình Dương cần tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người dân, doanh nghiệp, nhằm xây dựng Bình Dương là tỉnh phát triển kiểu mẫu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.