Ông Hoàng Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Húc Động (huyện Bình Liêu, Quảng Ninh) cho biết như vậy.
Làm cho dân hiểu
Là một trong những xã còn nhiều khó khăn của huyện Bình Liêu, tỷ lệ hộ nghèo ở Húc Động lên tới 18,33%, kinh tế dựa chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp và khai thác lâm sản phụ. Thế nhưng từ khi triển khai xây dựng NTM, bộ mặt xã Húc Động đã thay đổi hẳn.
Chợ Bình Liêu được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Phương cho biết, ở Húc Động đa phần là người dân tộc Sán Chỉ, với 559 hộ sinh sống rải rác trên các quả đồi. “Do trình độ của bà con còn hạn chế nên ban đầu nói đóng góp cho xây dựng NTM, bà con không đồng tình ngay đâu, vì họ chưa hiểu xây dựng NTM để làm gì, làm cho ai... Vì vậy, xã đã tổ chức nhiều buổi họp tới tận thôn, xóm, tuyên truyền bằng tiếng dân tộc để bà con hiểu rõ. Từ chỗ nhận thấy lợi ích rõ ràng của chương trình, nhiều hộ dân đã từng bước khắc phục tính ỷ lại, tình nguyện hiến đất, đóng góp tiền, ngày công... “Húc Động bây giờ chỉ lo không có vốn để xây dựng hạ tầng, chứ đất làm đường và ngày công thì bà con luôn sẵn sàng hiến và đóng góp khi xã vận động” – ông Phương khẳng định.
Chuyện làm cho dân hiểu của Húc Động cũng là nhiệm vụ quan trọng đã và đang được triển khai rộng rãi ở 7 xã đăng ký xây dựng NTM trên địa bàn huyện Bình Liêu. Bằng việc kiên trì thực hiện và thường xuyên đổi mới cả về nội dung và hình thức tuyên truyền, 4 năm qua, Bình Liêu đã huy động được gần 8 tỷ đồng đóng góp từ nhân dân – con số không hề nhỏ đối với huyện miền núi này.
Chú trọng nâng thu nhập
Ông Lục Mạnh Tường – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bình Liêu cho biết, do người dân ở Bình Liêu chủ yếu làm nông nghiệp nên thu nhập bình quân đầu người thấp, khiến chương trình xây dựng NTM gặp rất nhiều trở ngại. Để giải quyết khó khăn này, Bình Liêu đã xây dựng đề án phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, với nhiều chương trình, mô hình phát triển kinh tế theo hướng sản xuất tập trung đi kèm với những cơ chế, chính sách hỗ trợ, trong đó các mô hình như trồng lúa lai thiên nguyên ưu 09, ương cá giống, nuôi dê, nhím, nuôi bò nhốt chuồng... đã thu hút khá nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp tham gia.
Năm 2012, huyện Bình Liêu đã hoàn thành xây dựng quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu dong riềng nhằm đẩy mạnh nghề chế biến miến dong với diện tích 212,5ha, trong đó tập trung hỗ trợ giống dong riềng cho các hộ dân vùng quy hoạch… với kinh phí thực hiện trên 8 tỷ đồng. Năm 2013, Bình Liêu tiếp tục hỗ trợ cho người dân trên 8,7 tỷ đồng để triển khai mô hình sản xuất quy mô lớn, tập trung, đồng thời vận động doanh nghiệp trên địa bàn đầu tư vào phát triển trang trại chăn nuôi, trồng cây ba kích tím... Sau những thành công từ mô hình thí điểm trồng khoai tây vụ đông trên diện tích 20ha tại các xã Lục Hồn, Tình Húc và Vô Ngại theo hướng sản xuất “4 nhà”, năm 2014 Bình Liêu tiếp tục lựa chọn phát triển cây hồi, mật ong và cây kim ngân thành cây hàng hóa tập trung để xây dựng thương hiệu và đăng ký vào đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” của tỉnh Quảng Ninh.
Đến nay, Bình Liêu có 3 xã đạt từ 10 - 12 tiêu chí (Lục Hồn, Hoành Mô, Tình Húc); 4 xã đạt 9 tiêu chí (Đồng Văn, Đồng Tâm, Vô Ngại và Húc Động). Huyện Bình Liêu phấn đấu đến năm 2020 cơ bản các xã sẽ đạt chuẩn NTM, tỷ lệ hộ nghèo các xã khu vực II giảm bình quân từ 2 - 2,5%/năm...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.