Bình Lục (Hà Nam): Đổi mới từ đồng ruộng

Thứ tư, ngày 28/03/2012 08:51 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) phải gắn liền với phát triển nông nghiệp, huyện Bình Lục đã ưu tiên thực hiện việc dồn điền, đổi thửa, làm đường giao thông nông thôn, nội đồng...
Bình luận 0

Sản xuất đi trước

Bình Lục là một trong những huyện có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất Hà Nam, song ruộng đất hiện còn rất manh mún, phân tán. Trung bình mỗi hộ dân của huyện có 4-7 thửa ruộng, do đó việc chăm sóc, canh tác gặp rất nhiều khó khăn. Ông Tống Đức Du- Trưởng phòng NNPTNT huyện Bình Lục cho biết: "Xây dựng NTM là thực hiện một nền kinh tế tổng hợp, lột bỏ chiếc "áo cũ" chật hẹp để khoác lên chiếc "áo mới" cho nông thôn. Nhưng xây dựng thế nào, thay đổi thế nào để vừa đạt được sự thay đổi, vừa ổn định đời sống nhân dân mới quan trọng".

img
Bộ mặt nông thôn ở Bình Lục đang ngày một khởi sắc. V

Với quan điểm đó, Bình Lục đã xác định, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, dạy nghề để một bộ phận lớn lao động làm nông nghiệp có thể đổi nghề.

Cho đến nay, cả 20 xã trong huyện Bình Lục đã đăng ký xây dựng NTM, trong đó có 1 xã điểm của tỉnh và 5 xã điểm của huyện. Trước mắt, 100% xã đã hoàn thành quy hoạch và bước đầu tiến hành xây dựng cơ bản, 15 xã hoàn thành việc dồn điền, đổi thửa (trong đó 11 xã chọn phương án "dỡ" ruộng ra chia lại, 4 xã thực hiện việc dồn đổi ruộng đất với tiêu chí mỗi hộ chỉ còn 1-2 thửa). Cách làm của Bình Lục là sẽ chia ruộng theo 3 loại đất: Tốt, trung bình và xấu. Hộ lấy thửa tốt sẽ cộng thêm 1 thửa xấu, hộ lấy thửa trung bình thì giữ nguyên 1 thửa.

Để làm được điều này, ngoài việc tuyên truyền, vận động, huyện đã ra nghị quyết để thực hiện. Hiểu được mục đích của huyện, người dân đã hiến được 281.000m2 đất. Từ ngày dồn thửa, anh Nguyễn Văn Dũng (ở thôn Trung, xã An Đỗ) không phải "chạy" khắp đồng để thăm ruộng nữa. "Nhà tôi có 5 sào, nhưng tới 4 thửa, mỗi nơi một thửa nên chăm sóc rất vất vả, bây giờ dồn lại 1 thửa vừa thuận tiện cho máy cày, bừa, vừa đỡ tốn công chăm sóc" - anh Dũng chia sẻ.

Cấp xi măng làm đường

Các xã trong huyện Bình Lục có xuất phát điểm và phong trào làm NTM?khá đều nhau, hiện hầu hết các xã đã đạt từ 9 - 12 tiêu chí. Tiêu chí nhìn thấy rõ ràng nhất là hệ thống giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng đã và đang được mở rộng, cứng hóa; các nhà trường, nhà văn hóa cũng được xây mới khang trang.

Cũng theo ông Tống Đức Du, huyện Bình Lục đã mở rất nhiều lớp dạy nghề, kêu gọi các công ty về đóng trên địa bàn để tạo việc làm cho người dân, nhưng do tỷ lệ lao động làm nông nghiệp cao (70%), nên tiêu chí này rất khó thực hiện.

Do kinh phí hạn hẹp, Bình Lục đã dồn sức để làm đường giao thông phục vụ sản xuất đến đồng ruộng. Theo đó, tỉnh và huyện sẽ đầu tư xi măng, người dân chỉ việc bỏ công, hiến đất để mở rộng, làm đường. Sau khi có chủ trương này, các xã trong huyện đã đăng ký nhận gần 14.000 tấn xi măng, trong đó 3.758 tấn được cấp trước để làm mới hơn 23km đường.

Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu, nhưng việc xây dựng NTM ở Bình Lục còn gặp rất nhiều khó khăn, nhiều tiêu chí khó thực hiện. Ông Tống Đức Du cho biết: "Đồng ruộng của huyện chúng tôi là đồng chiêm trũng, hiện có khoảng 85% kênh mương bằng đất, nên việc cứng hóa rất tốn kém và cần thời gian lâu dài. Tiêu chí thu nhập bình quân đầu người cũng rất khó đạt được trong một thời gian ngắn, nhưng đây là tiêu chí quan trọng. Nó đánh giá sự "ấm no" của người dân nên chúng tôi đang cố gắng thực hiện để sớm đạt được”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem