Bình Minh "xin không tiếp tục thực hiện dự án", không có cụm từ “bỏ cọc đấu giá đất"
Bình Minh "xin không tiếp tục thực hiện dự án", không có cụm từ “bỏ cọc đấu giá đất"
Quốc Hải
Thứ tư, ngày 09/02/2022 19:55 PM (GMT+7)
Cục Thuế TP.HCM cho biết, văn bản mà Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh (Công ty Bình Minh) gửi đến có nội dung "xin không tiếp tục thực hiện dự án tại lô đất đã trúng đấu giá ở Thủ Thiêm”, không có cụm từ “bỏ cọc".
Cụ thể, theo đại diện Cục Thuế TP.HCM, văn bản do Công ty Bình Minh gửi đến cơ quan thuế vào ngày 8/2 nêu chưa rõ ràng.
Theo đó, văn bản của công ty này đề cập nội dung "xin không tiếp tục thực hiện dự án trên lô đất trúng đấu giá tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm". Đồng thời, Công ty Bình Minh cũng nêu sẽ chấp hành đúng quy chế đấu giá đất, không có cụm từ "xin bỏ cọc đấu giá đất".
"Tại thời điểm này, cơ quan thuế chưa nhận được thêm thông tin nào liên quan đến việc thực hiện quy chế trúng đấu giá đất và việc nộp tiền sử dụng đất từ Công ty Bình Minh, lẫn các công ty trúng đấu giá đất còn lại", đại diện Cục thuế TP.HCM cho biết thêm.
Như vậy, đến thời điểm hiện tại, ngoài Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt (trực thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) có văn bản xin bỏ cọc, thì chỉ có Công ty TNHH đầu tư và kinh doanh thương mại Bình Minh là đơn vị thứ hai xin "không tiếp tục thực hiện dự án trên lô đất trúng đấu giá ở Thủ Thiêm" nhưng không có cụm từ "xin bỏ cọc đấu giá đất".
Liên quan đến việc này, chuyên gia kinh tế - luật sư Lê Bá Thường, thành viên Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, câu chuyện "không bỏ cọc" và "xin không thực hiện dự án" thực ra chỉ là danh từ thôi.
"Theo Luật Đấu thầu, nếu dùng từ "bỏ cọc" thì đã vi phạm luật; còn xin "không thực hiện dự án" lại có thể suy ra một cách khác. Có nghĩa, cả hai cụm từ trên đều giống nhau ở chỗ xin dừng dự án lại hết, nhưng cụm từ "bỏ cọc" thì có thể là giai đoạn đầu, DN chưa đi vào thực hiện, chưa làm gì cả.
Còn "xin không tiếp tục thực hiện dự án" có thể suy ra là DN đã vô đặt cọc, vô thực hiện dự án rồi, có thể kéo dài 50% giai đoạn, nhưng cuối cùng tài chính không đủ, hoặc vì lý do nào khác nên xin dừng lại" – luật sư Lê Bá Thường lý giải.
"Tóm lại, có thể DN này chơi chữ "không tiếp tục thực hiện dự án" để cho hay một chút xíu, cho mọi người nhìn vào có thiện cảm. Kế đến là cụm từ này có thể cho thấy DN này đã qua giai đoạn đặt cọc rồi, vì cụm từ "bỏ cọc" lâu nay… tai tiếng quá. Còn về mặt ý nghĩa hai cụm từ này đều giống nhau, đều dừng lại dự án. Và mục đích chính của các DN lúc này là PR", luật sư Lê Bá Thường diễn giải.
Liệu có phải là PR ngược, gây phản cảm và có thể vụ việc này sẽ "mất nhiều hơn được" hay không?
Trả lời vấn đề này, chuyên gia kinh tế - luật sư Lê Bá Thường cho hay, có thể DN trúng thầu lấy cơ hội này để đánh bóng tên tuổi, từ đó có thể kêu gọi góp vốn để thực hiện dự án khác. Kế đến, việc này cũng góp phần làm tăng hồ sơ năng lực cho DN.
"Việc đấu thầu rất quan trọng, khi thắng thầu ở một cuộc đấu giá này sẽ làm tăng hồ sơ năng lực cho DN. Bởi không dễ để vượt qua các đối thủ khác để thắng thầu ở cuộc đấu giá này, phải có năng lực hay có mối quan hệ nào đó mới thắng đấu giá được…
Còn ngay tại ngày đấu thầu, chắc chắn các DN đã dư sức biết được tiềm lực tài chính của mình có thực hiện dự án được hay không? Mức giá này có trên trời hay không? Có thể họ biết hết nhưng vì sao vẫn làm? Đó là những vấn đề cần phải được lý giải", luật sư Thường, nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.