Năm 2025, sản xuất hữu cơ toàn tỉnh Bình Thuận đạt khoảng 1,5 - 2,0% tổng diện tích đất nông nghiệp

Bùi Phụ Thứ tư, ngày 03/05/2023 06:33 AM (GMT+7)
Ngày 2/5, trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, đã ký ban hành Quyết định phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.
Bình luận 0

Phát triển nông nghiệp hữu cơ kết nối chuỗi tiêu thụ sản phẩm

Ngày 2/5, trao đổi với Dân Việt, ông Giáp Hà Bắc, Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh cho biết, đang tiếp tục triển khai Quyết định trên của UBND tỉnh Bình Thuận.

Bình Thuận: Áp dụng phát triển nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao, nâng cao thu nhập cho người dân - Ảnh 1.

Cánh đồng lúa hữu cơ ven sông La Ngà ở huyện Tánh Linh tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Đức Bình

Theo ông Giáp Hà Bắc, huyện Tánh Linh có lợi thế về thời tiết, khí hậu, nguồn nước... nên thời gian qua đã có nhiều diện tích sản xuất lúa hữu cơ, trang trại công nghệ cao đã đem lại nguồn thu nhập tốt cho bà con nông dân.

Hiện nay, Tánh Linh là vựa lúa trọng điểm phía Nam của tỉnh Bình Thuận, bà con nông dân vẫn gieo trồng trên 8.200 ha lúa, với các loại giống phù hợp thổ nhưỡng như OM4900, OM5451, OM6976 ML202… Gần đây nhất là giống lúa cho gạo ngon nhất thế giới ST 25 trồng thành công ở huyện Tánh Linh.

"Mục tiêu trong thời gian tới huyện Tánh Linh vẫn tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch gắn với liên kết sản xuất - tiêu thụ - chế biến nông sản trên địa bàn huyện. Đây là một xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp chất lượng cao mà Tánh Linh hướng tới để nâng cao thu nhập cho người dân…", ông Giáp Hà Bắc nói.

Những ngày đầu tháng 4/2023, chúng tôi theo chân nông dân Nguyễn Anh Đức, xã Đức Bình, huyện Tánh Linh (Bình Thuận) ra thăm cánh đồng trồng lúa hữu cơ của ông nằm bên chân núi ven con sông La Ngà.

Đứng bên chân những dãy núi trùng trùng điệp điệp này, chúng tôi không ngờ ở miền núi này lại cho ra những hạt gạo ngon, được nhiều thích, góp phần tạo nên thương hiệu " Gạo Tánh Linh" nổi tiếng như hiện nay.

Bình Thuận: Áp dụng phát triển nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao, nâng cao thu nhập cho người dân - Ảnh 2.

Cánh đồng lúa hữu cơ bên cân những dãy núi ở huyện Tánh Linh tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Đức Bình

Theo ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Bình, trước đây vùng này khó khăn lắm, nhưng hơn chục năm qua nhờ hưởng lợi từ nguồn nước thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi, đập dâng Tà Pao, sông Là Nga nên ngành nông nghiệp phát triển rất tốt. Nhiều cánh đồng lúa nằm dọc ven sông La Ngà mấy năm qua đã góp phần nâng cao sản lượng lương thực.

"Gia đình tôi đang gieo trồng hơn 20ha trồng lúa hữu cơ, chỉ sử dụng phân hữu cơ, khoáng thiên nhiên cùng một số biện pháp tự nhiên sinh học để duy trì, nâng cao độ phì của đất. Những chất này được các cơ quan chức năng chấp thuận. Sau khi thu hoạch lúa, cho ra thương hiệu gạo Đức Lan mấy năm qua. Lúa hữu cơ xay ra thành gạo trắng như sữa, phảng phất mùi thơm. Nấu cơm dẻo, thơm ngon, để được thời gian lâu trong ngày…", ông Nguyễn Anh Đức chia sẻ.

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tánh Linh, hiện có 3.000 ha diện tích lúa chất lượng cao và 100 ha hơn diện tích sản xuất lúa giống tại các xã Đức Phú, Măng Tố, Bắc Ruộng, Lạc Tánh…

Hầu hết diện tích cánh đồng lớn đều có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, ổn định đầu ra, đặc biệt là những cánh đồng lúa ở xã Đức Bình, Măng Tố, Đức Phú và Đồng Kho… sản xuất theo hướng hữu cơ đã tạo nên thương hiệu "Gạo Tánh Linh".

Bình Thuận: Áp dụng phát triển nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao, nâng cao thu nhập cho người dân - Ảnh 3.

Nông dân Nguyễn Anh Đức, giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Bình với gạo hữu cơ Đức Lan bán trong và ngoài tỉnh trên 200 tấn gạo thành phẩm/năm. Ảnh: Bùi Phụ


Phát triển nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao, bền vững

Theo Quyết định trên của UBND tỉnh Bình Thuận, đây là mục tiêu của Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái. Đặc biệt là phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung, hướng đến xuất khẩu.

Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ và tiến tới phát triển nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao, bền vững.

Cụ thể, đến năm 2025, diện tích đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ của toàn tỉnh Bình Thuận đạt khoảng 1,5 - 2,0% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 1,0 - 1,3% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong tỉnh. Diện tích nuôi thủy sản hữu cơ đạt khoảng 1,0 - 1,2% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh. Tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ đạt trên 15% tổng phân bón được sử dụng trên địa bàn tỉnh.

Bình Thuận: Áp dụng phát triển nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao, nâng cao thu nhập cho người dân - Ảnh 4.

Du khách tham quan một trang trại nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận: Ảnh: Phạm Trầm

Theo Quyết định trên, sản phẩm dược liệu và lâm sản ngoài gỗ từ tự nhiên, tỷ lệ sản lượng hữu cơ trên tổng sản lượng đạt khoảng 90 - 95%, đối với hình thức thâm canh tỷ lệ sản lượng hữu cơ trên tổng sản lượng đạt khoảng 75 - 80%. Nâng cao hiệu quả của sản xuất hữu cơ, giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng thủy sản hữu cơ trên một đơn vị diện tích cao gấp 1,3 - 1,5 lần so với sản xuất phi hữu cơ.

Đến năm 2030, diện tích đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ toàn tỉnh đạt khoảng 2,5 - 3,0% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 2,0 - 3,0% tổng sản phẩm chăn nuôi của tỉnh. Diện tích nuôi thủy sản hữu cơ đạt khoảng 2,5 - 3,0% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh.

Nâng cao hiệu quả của sản xuất hữu cơ, giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng thủy sản hữu cơ trên một đơn vị diện tích cao gấp 1,5 - 1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ.

Kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ

Để đạt được các mục tiêu trên, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Thuận phối hợp với các Sở, ngành có liên quan, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao hiểu biết của người dân về sản xuất nông nghiệp hữu cơ; các doanh nghiệp, người sản xuất, các nhà quản lý về việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, giám sát, chứng nhận nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ. 

Tăng cường thông tin, phổ biến, giới thiệu người sản xuất tiếp cận các kết quả, các mô hình phát triển, các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Quá trình tổ chức sản xuất nông nghiệp hữu cơ phải được thực hiện tập trung nhằm thúc đẩy liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác để tập trung ruộng đất và tổ chức sản xuất hữu cơ, hình thành vùng sản xuất hữu cơ hàng hóa quy mô lớn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, quy trình sản xuất tiên tiến, tạo ra sản phẩm hữu cơ đồng nhất về chất lượng gắn với chế biến, tiêu thụ.

Bình Thuận: Áp dụng phát triển nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao, nâng cao thu nhập cho người dân - Ảnh 6.

Du khách tham quan một trang trại nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận: Ảnh: Phạm Trầm

UBND tỉnh Bỉnh Thuận yêu cầu các cơ quan, đoàn thể vận động nông dân, doanh nghiệp tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Tăng cường sử dụng vật liệu sẵn có, tái sử dụng, khép kín chu trình trong khu vực sản xuất tạo tiền đề cho sự phát triển nông nghiệp hữu cơ ổn định, bền vững.

Trong tiêu thụ sản phẩm, thường xuyên tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, kết nối giữa vùng sản xuất với hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Trong đó, tập trung tổ chức các Hội nghị, diễn đàn kết nối thị trường, đa dạng hóa các kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; đưa sản phẩm nông nghiệp hữu cơ vào các kênh phân phối tại hệ thống các siêu thị, sàn thương mại điện tử, cửa hàng tiện ích, chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn để từng bước định hướng xuất khẩu.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem