Du khách rủ nhau lên núi viếng tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn dài nhất châu Á

Bùi Phụ Thứ ba, ngày 24/01/2023 10:49 AM (GMT+7)
Sáng Mùng 3 Tết Quý Mão (tức 24/1), nhiều du khách rủ nhau đi cáp treo lên núi Tà Cú viếng Tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận). Đây là tượng đã nhận kỷ lục châu Á "Tượng Phật dài nhất nằm trên đỉnh núi" và hiện là điểm du lịch tâm linh của du khách gần xa...
Bình luận 0

Theo ghi nhận của Dân Việt, rất đông du khách khắp nơi đi cáp treo lên núi Tà Cú sáng Mùng 2 Tết Quý Mão -2023 lễ chùa, viếng Phật.

Du khách rủ nhau lên núi Tà Cú viếng tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn dài nhất châu Á - Ảnh 1.

Du khách chụp ảnh lưu niệm bên Tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn trên núi Tà Cú sáng Mùng 3 Tết. Ảnh: Bùi Phụ

Bình Thuận: Du khách rủ nhau lên núi viếng tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn dài nhất châu Á

Sau khi chiêm ngưỡng Tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn trên núi Tà Cú, gia đình anh Hồng Thủy từ TP. Cần Thơ cho biết, lâu nay nghe nói nhưng mãi hôm nay gia đình anh mới được lên núi Tà Cú viếng chùa, lễ Phật...

"Khung cảnh trên này rất đẹp, khí hậu mát mẻ, thực sự rất thích nên tối Mùng 2 Tết cả gia đình quyết định xin nhà chùa cho ở lại một đêm để lễ Phật và tụng kinh cầu an cho gia đình, người thân...", anh Hồng Thủy chia sẻ.

Du khách rủ nhau lên núi Tà Cú viếng tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn dài nhất châu Á - Ảnh 2.

Gia đình anh Ngô Hồng Thủy từ TP. Cần Thơ viếng Phật trên núi Tà Cú sáng Mùng 3 Tết Quý Mão. Ảnh: Bùi Phụ

Chị Nguyễn Thảo du khách đến từ TP.HCM cho biết, đêm qua cả gia đình chị gồm 8 người xin ở lại trên chùa Tổ Đình Long Đoàn (Chùa dưới) để tham dự khóa tụng kinh cầu an tại chánh điện. 

"Thật khó nói hết cảm xúc khi ở lại đêm trên chùa, cả gia đình tôi đều có cảm giác vừa trang nghiêm, vừa huyền diệu. Khi đêm xuống, cảnh vật trên núi chìm sâu vào tĩnh lặng, đứng trước sân chùa nhìn xuống hướng chân núi Tà Cú, chúng tôi thấy ánh điện sáng rực cả một vùng rộng lớn, trông thật lung linh, huyền ảo. Đây là những bóng đèn điện do nông dân trồng thanh long thắp lên suốt đêm cho cây nở hoa", chị Nguyễn Thảo cho biết. 

Du khách rủ nhau lên núi Tà Cú viếng tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn dài nhất châu Á - Ảnh 3.

Du khách chờ đi cáo treo lên núi Tà Cú sáng Mùng 3 Tết Quý Mão. Ảnh: Bùi Phụ

Theo nghi nhận của chúng tôi, trên núi Tà Cú có đàn khỉ rừng lên đến vài chục con từ trên đỉnh núi tràn xuống như vũ bão khiến du khách một phen "hú hồn". 

Đàn khỉ này rất tinh quái, nơi chúng thường đến đầu tiên là những đĩa trái cây, được đặt tại các bàn thờ trong chùa và chánh điện. Trước đó đàn khỉ như "canh me" các đoàn khách hành hương mang trái cây đến cúng chùa là đàn khỉ xuất hiện "tấn công" những đĩa trái cây rồi chia nhau chiến lợi phẩm sau đó di chuyển trên những ngọn cây...

Một điều thú vị là những ngày Tết Nguyên đán, trên núi Tà Cú còn có giống mai 12 tầng 6 cánh rất đẹp. Khi Xuân về, mai vàng nở khắp cả một cánh rừng như níu chân khách hành hương... 

Du khách rủ nhau lên núi Tà Cú viếng tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn dài nhất châu Á - Ảnh 5.

Một du khách "sống ảo" ở lối lên núi Tà Cú sáng Mùng 3 Tết Quý Mão. Ảnh: Bùi Phụ

Thông tin nhanh từ nhân viên phòng bán vé cáp treo lên núi Tà Cú, trong ngày Mùng 2 Tết có hơn 1,000 khách du lịch lên núi Tà Cú viếng chùa, lễ Phật. Dự kiến trong những ngày tới, du khách sẽ đông hơn, nhất là những ngày trước Rằm tháng Giêng sắp tới...

Theo ghi nhận của Dân Việt, nhằm phục vụ khách du lịch gần xa lên núi Tà Cú trong những ngày Tết, Khu Du lịch núi Tà Cú cũng trang hoàng bông hoa rực rỡ và tạo những điểm nhấn cho du khách "sống ảo". Ở đây còn có các dịch vụ ăn uống và nhiều trò chơi khác...

Du khách rủ nhau lên núi Tà Cú viếng tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn dài nhất châu Á - Ảnh 2.

Tượng tổ Hữu Đức, người đã khai sơn lập Tổ Đình Long Đoàn trên núi Tà Cú. Ảnh: Bùi Phụ

Núi Tà Cú khoảng cao 649m, vào khoảng 1870-1880 thời vua Tự Đức, tổ Hữu Đức húy Thông Ân (1812-1887) đã khai sơn lập chùa trên núi và được các chư hậu tổ tiếp tục trùng tu và ngôi chùa Tổ Đình Long Đoàn nằm ở độ cao 563m.

Tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn trên núi Tà Cú (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) đã nhận kỷ lục châu Á "Tượng Phật dài nhất nằm trên đỉnh núi". Tượng do kiến trúc sư Trương Đình Ý chủ trì thi công từ năm 1963 đến năm 1966 hoàn thành. Bên dưới tượng là những tam cấp được nối kết bằng đá chẻ, phía sau lưng tượng là vách núi và cây rừng cổ thụ.

Tượng được làm bằng bê tông cốt thép, phủ vôi trắng, thế nằm nghiêng, lưng tựa vào vách núi, an nhiên gối đầu lên tay vừa thanh thoát uy nghiêm, vừa gần gũi, hiền hòa với không gian núi rừng. Công trình có tổng thể chu vi 832 mét, tượng trưng đầy đủ hình tứ thánh lục phàm và thất chúng Phật tử. Tượng dài 49 mét tượng trưng cho 49 năm từ khi Đức Phật thành đạo đến khi nhập Niết bàn.

Ngang nơi bàn chân là 8,8m, cao từ 2 bàn chân xếp lên là 4,9m và cao từ vai xuống là 12,2m. Phía dưới là 3 pho tượng Di Đà Tam Tôn (Phật A Di Đà, Quán Thế Âm và Đại Thế Chí) xếp hàng ngang. Đây là một công trình độc đáo, trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh cho vùng đất Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Tuyến cáp treo Tà Cú dài 1.600m, cao 505m với 35 cabin đóng mở tự động có thể phục vụ 1.000 khách/giờ đã được đưa vào hoạt động từ tháng 9/2003.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem