Bình Thuận: Phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao

Bùi Phụ Thứ tư, ngày 23/08/2023 06:02 AM (GMT+7)
Ngày 22/8, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Bình luận 0

Kinh tế phục hồi và tăng trưởng nhanh

Ông Dương Văn An – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Nguyễn Hoài Anh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Đoàn Anh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đồng chủ trì và hơn 320 đại biểu là của tỉnh Bình Thuận tham dự.

Bình Thuận: Phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao - Ảnh 1.

Quang cảnh hội nghị ngày 22/8. Ảnh: Bùi Phụ

Phát biểu khai mạc ông Nguyễn Hoài Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận cho biết, việc đánh giá kết quả nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV rất quan trọng. Phải được thực hiện thật khách quan, toàn diện, đúng thực chất kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế, vướng mắc. Qua đó, xác định nguyên nhân của những hạn chế, vướng mắc từ đó xác định những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện từ nay cho đến cuối nhiệm kỳ.

"Các đại biểu cần tập trung phân tích những khó khăn, vướng mắc hiện nay cũng như nguyên nhân và từ đó đề xuất những giải pháp, xác định những nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh cần tập trung thực hiện trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ, phấn đấu đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra…", ông Nguyễn Hoài Anh nhấn mạnh.

Bình Thuận: Phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao - Ảnh 2.

Trồng dưa lưới trong nhà màng của nông huyện Bắc Bình tỉnh Bình Thuận. Ảnh: NT

Theo Tỉnh ủy Bình Thuận, nửa đầu nhiệm kỳ, kinh tế phục hồi và tăng trưởng nhanh sau dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 5,76%/năm.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng hướng, các nhóm ngành nông - lâm - thủy sản chiếm hơn 26,4%; công nghiệp - xây dựng chiếm hơn 37,6% và dịch vụ chiếm hơn 35,8%. Trong đó ngành du lịch phục hồi và phát triển nổi bật. Tỷ lệ thu ngân sách so với GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 9,86%.

Kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được quan tâm chỉ đạo đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, các dự án thủy lợi… góp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Các chính sách hỗ trợ phát triển dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện kịp thời.

Nông nghiệp là mũi nhọn

Lãnh đạo tỉnh tỉnh Bình Thuận xác định nông nghiệp và mũi nhọn để phát triển kinh tế nên thời gian tới tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và xây dựng nông thôn mới.

Bình Thuận: Phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao - Ảnh 3.

Thanh long là cây trồng chủ lực của nông dân tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Bùi Phụ

Cụ thể là thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 10/9/2021 của Tỉnh ủy (khóa XIV) về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao đạt kết quả tích cực.

Tình Bình Thuận, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế của tỉnh và nhu cầu thị trường và từng bước hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó là thực hiện tốt Nghị quyết số 86/2019/NQ-HĐND, ngày 19/12/2019 của HĐND tỉnh Bình Thuận về phê duyệt chính sách hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Hiện có 10 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (gồm 1 chuỗi cấp tỉnh, 9 chuỗi cấp huyện) được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục chỉ đạo đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng các loại cây trồng có lợi thế. Tiếp tục sử dụng linh hoạt đất lúa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả. Phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng chuỗi giá trị được chú trọng thực hiện. Công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước được áp dụng rộng rãi và mang lại hiệu quả cao.

Bình Thuận: Phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao - Ảnh 4.

Vườn thanh long ở Bình Thuận. Ảnh: TTXT DL Bình Thuận.

Tập trung phát triển chăn nuôi; nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm; từng bước phát triển chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi để đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ; hình thành và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu giống, chăm sóc đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thường xuyên chỉ đạo triển khai chặt chẽ công tác phòng, chống dịch bệnh, cải tạo và nâng cao chất lượng giống gia súc, gia cầm.

Khuyến khích phát triển chăn nuôi quy mô trang trại, gia trại, ứng dụng công nghệ tiên tiến gắn với kiểm soát an toàn dịch bệnh và môi trường.

Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Tại hội nghị, ông Mai Kiều- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận đã trình bày những vấn đề liên quan đến ngành nông nghiệp và tiêu thụ nông sản của nông dân trong thời gian qua.

Đặc biệt là kết quả thực hiện các giải pháp đẩy mạnh phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao, nhất là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

Theo ông Mai Kiều, thời gian qua, hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp được quan tâm đầu tư tăng thêm, nhất là hệ thống thủy lợi đã hoàn thành sửa chữa, nâng cấp 7 hồ chứa và tiếp tục đầu tư xây dựng 4 dự án, công trình thủy lợi và 14 công trình tưới tiết kiệm nước; kiên cố hóa khoảng 24 km kênh nội đồng và 5 loại hình công trình khác... Những công trình này đã góp phần đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất.

Ngành nông nghiệp từng bước được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của địa phương gắn với nhu cầu thị trường. Bước đầu thu hút một số dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đến nay toàn tỉnh có 3 doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bình Thuận có nhiều cây trồng nhưng thanh long vẫn là cây trồng lợi thế, việc sản xuất thanh long theo các quy trình sản xuất tốt và tương đương được quan tâm đẩy mạnh.

Theo ông Mai Kiều, toàn tỉnh Bình Thuận hiện có 9.037 ha thanh long được cấp chứng nhận VietGAP; 560,5 ha thanh long được cấp Giấy chứng nhận GlobalGAP và 93 ha thanh long được cấp chứng nhận hữu cơ.

Bình Thuận đã hình thành một số mô hình liên kết sản xuất gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bình Thuận: Phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao - Ảnh 5.

Một cánh đồng lúa chất lượng cao ở huyện Đức Linh tỉnh Bình Thuận. Ảnh: CTV

Diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng, nhà lồng trên địa bàn tỉnh là 56,2 ha/366 nhà màng (chủ yếu trồng rau các loại, dưa lưới...). Có trên 3.000 ha lúa của huyện Tánh Linh sản xuất định hình gieo trồng sử dụng phân bón vi sinh, các mô hình sản xuất lúa theo phương pháp cải tiến SRI được mở rộng trên 260 ha, có 26.062 ha áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, đạt 20,9% diện tích đất sản xuất nông nghiệp cần tưới theo quy hoạch.

Theo ông Mai Kiều, trong thời gian tới Sở tiếp tục tập trung tham mưu cụ thể hóa và triển khai thật hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới và khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn.

Bên cạnh đó là đẩy mạnh phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và thúc đẩy liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác theo hướng chuyên canh, hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tạo ra sản phẩm đồng nhất về chất lượng gắn với chế biến, tiêu thụ…

Vai trò nông dân trong sự phát triển kinh tế

Ông Nguyễn Phú Hoàng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận cũng trình bày vai trò của Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận trong công tác vận động hội viên, nông dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, giữ gìn quốc phòng -  an ninh của địa phương.

Theo ông Nguyễn Phú Hoàng, những năm qua, các cấp hội đã tích cực vận động hội viên, nông dân hưởng ứng và thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 10/9/2021 của Tỉnh ủy Bình Thuận về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao.

Bình Thuận: Phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao - Ảnh 6.

Những sản phẩm chế biến từ thanh long của nông dân huyện Hàm Thuận Bắc tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Bùi Phụ

"Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận thường xuyên đổi mới công tác tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức nhằm truyền đạt thông tin kịp thời, chính xác tới hội viên. nông dân. Nhất là việc thực hiện các chủ trương liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

Trong nhiều năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất – kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững tiếp tục phát triển, thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia, được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành, Mặt trận và các đoàn thể quan tâm lãnh đạo, tạo điều kiện thuận lợi.

Các cấp Hội trong tỉnh cùng các địa phương, đẩy mạnh phong trào thi đua, động viên nông dân đổi mới nếp nghĩ, cách làm, khai thác hiệu quả tiềm năng nội lực. Qua  đó, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, sản xuất nông, ngư, diêm, lâm nghiệp và dịch vụ phục vụ sản xuất trong tỉnh phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hoá, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu ngày càng tăng.

Phong trào đã đóng góp tích cực vào việc thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp, tạo việc làm, nâng cao chất lượng lao động, nhiều hộ nông dân trở thành doanh nghiệp, doanh nhân thành đạt.

Bình Thuận: Phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao - Ảnh 7.

Đóng gói thanh long ở huyện Hàm Thuận Bắc tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Bùi Phụ

Phát triển 3 trụ cột chính là công nghiệp - du lịch và nông nghiệp

Kết luận hội nghị, ông Dương Văn An - Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhấn mạnh: Với quyết tâm thực hiện tốt phương châm hành động "Đoàn kết - Dân chủ - Trí tuệ - Đổi mới - Phát triển", đưa Bình Thuận phát triển nhanh, bền vững, mạnh về phát triển kinh tế biển, du lịch, ông An đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh; kiên trì thúc đẩy phát triển 3 trụ cột chính là công nghiệp - du lịch và nông nghiệp. Đây mới thực sự là kiềng ba chân để tỉnh Bình Thuận phát triển từ nay đến cuối nhiệm kỳ và trong thời gian tới.

Bình Thuận: Phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao - Ảnh 9.

Ông Dương Văn An - Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận phát biểu tại hội nghị. Ảnh: binhthuan.gov.vn.

Bên cạnh đó là đây nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm, nhất là Cảng hàng không Phan Thiết, tuyến đường ven biển, các tuyến đường kết nối giữa các địa phương, các công trình thủy lợi, khu neo đậu tàu thuyền, kè sông, kè biển, chỉnh trang đô thị..

Ông Nguyễn Phú Hoàng- Chủ tịch Hội Nôn dân tỉnh Bình Thuận cho biết, chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được cả hệ thống chính trị và nhân dân toàn tỉnh chung sức, chung lòng tích cực thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Tính đến nay toàn tỉnh có 72/93 xã đạt chuẩn nông thôn mới, duy trì 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới so với năm 2018 tăng 16 xã, 1 huyện về xây dựng nông thôn mới.

Hàng năm tổ chức trên 1.000 lớp tập huấn, hội thảo, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới cho hội viên, nông dân như: trồng, chăm sóc, cải tạo vườn điều; cao su, lúa, rau an toàn, thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Bên cạnh đó là nuôi tôm, nuôi cá, nuôi lươn không bùn, sử dụng các chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật an toàn trên cây trồng...

Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh Bình Thuận đã tổ chức 42 lớp dạy nghề sơ cấp như: trồng rau, trồng thanh long, chăn nuôi, trồng cây ăn quả, cây cảnh, thuyền trưởng, máy trưởng cho 1.361 học viên; đã phối hợp với các trung tâm cấp huyện tổ chức 38 lớp/1.243 học viên, sau khi học có khoản 80% học viên đều có việc làm ổn định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem