Hội Nông dân Bình Thuận hỗ trợ nông dân trồng lúa ứng dụng công nghệ cao thân thiện môi trường
Hội Nông dân Bình Thuận đưa ứng dụng công nghệ cao vào canh tác lúa thân thiện với môi trường
Bùi Phụ
Thứ sáu, ngày 09/06/2023 11:42 AM (GMT+7)
Ngày 8/6, trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Phú Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận cho biết, Dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường" triển khai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đạt nhiều kết quả tốt đẹp...
Theo ông Nguyễn Phú Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận nhờ ứng dụng công nghệ cao và áp dụng kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường đã mang lại hiệu quả sản xuất tốt cho bà con nông dân, góp phần giảm phát thải khí nhà kính.
Đặc biệt là bảo vệ môi trường sinh thái, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững và nâng cao giá trị của hạt lúa...
Để có được kết quả này, các tổ chức Hội Nông dân đã tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền thiết thực, thu hút được nhiều hội viên, nông dân tham gia nhờ đó đã nâng cao nhận thức về phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường cho 100% hộ hội viên, nông dân tham gia dự án.
Trước đó, Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận lựa chọn xã Hải Ninh, xã Hồng Thái, huyện Bắc Bình và xã Phú Lạc, thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong tham gia Dự án.
Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận cũng tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tập huấn kỹ thuật cho nông dân về phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường và kỹ thuật tưới ướt khô xen kẽ…
Các hộ nông dân tham dự được cán bộ kỹ thuật và chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật về mặt lý thuyết và trao đổi thực tế tại đồng ruộng.
Một trong những người tham gia những khóa học trên là bà Qua Thị Kim Vân (SN 1983, người dân tộc Chăm) hiện là Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Lạc huyện Tuy Phong cho biết, chương trình được nhiều nông dân trong xã Phú Lạc tham gia.
Tại những khóa học trên, nông dân được các chuyên gia hướng các kỹ thuật như: bón phân đạm cho hợp lý, sử dụng bảng so màu lá lúa cho nông dân, tác hại của việc lạm dụng bón phân đạm.
Bên cạnh đó là các biện pháp giảm thiểu phân hóa học trong sản xuất lúa thân thiện môi trường đạt hiệu quả cao, thực hành trực tiếp tại đồng ruộng, hướng dẫn nông dân thực hiện cam kết áp dụng kỹ thuật bón giảm phân đạm.
Theo bà Qua Thị Kim Vân, một trong những kỹ thuật cần thiết với bà con nông dân là hiểu biết sâu về tác hại của việc xử lý rơm rạ không đúng cách và sử dụng rơm rạ trong canh tác lúa thân thiện với môi trường...
Theo nhân xét của nhiều nhà chuyên môn, bà Qua Thị Kim Vân là một trong những nông dân tham gia, tuyên truyền rất xuất sắc về chương trình này và được Hội Nông dân tỉnh tặng bằng khen.
Cùng nông dân thực tế tại ruộng đồng
Theo Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận, để hỗ trợ nông dân nắm bắt kỹ thuật vững hơn, Hội Nông dân các cấp đã đã tạo nhiều nhóm trên Zalo để nông dân và cán bộ kỹ thuật tham gia nhằm trao đổi thông tin, gỡ khó cho bà con trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
Sau khi nông dân nắm vững kỹ thuật và báo cáo, thảo luận tại hội trường, ban tổ chức đã đưa nông dân tham quan thực tế trên những đám ruộng đang thí điểm mô hình (gần thu hoạch) để quan sát, đánh giá.
Tại đồng ruộng, nông dân được hướng dẫn đánh giá một số chỉ tiêu chính giữa ruộng mô hình và ngoài mô hình. Quan sát màu lá, màu sắc thân, màu hạt lúa và tình hình sâu bệnh hại sau khi áp dụng bảng so màu để bón phân đạm hợp lý cho lúa.
Đánh giá nước trong ruộng kỳ thu hoạch so với mực nước ngoài mô hình. Đếm số hạt và số hạt chắc/bông, số bông hữu hiệu/m2 để đánh giá năng suất lý thuyết. Cân và đánh giá sinh khối trên 1m2 (tính 5 điểm chéo góc lất bình quân), đồng thời tuốt lấy hạt để tính năng suất thống kê.
Nhờ các hộ nông dân tham gia nhiệt tình, hưởng ứng tích cực, chịu khó áp dụng quy trình kỹ thuật, góp phần lớn giúp mô hình đạt hiệu quả cao.
Qua đó cho thấy, cây lúa phát triển tốt, cây cứng cáp, đẻ nhánh khỏe, lá có màu xanh bền, ít bị sâu bệnh hại hơn, giảm hẳn số lần phun thuốc BVTV giữa các điểm mô hình của dự án. Việc này góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường sinh thái.
Các hộ nông dân đã chuyển rơm sang trồng nấm, ủ rơm làm phân hữu cơ. Với gốc rạ trên ruộng sau thu hoạch, hộ nông dân đã biết sử dụng các chế phẩm sinh học trichoderma để làm gốc rạ mau phân hủy và tranh thủ được thời vụ.
Năng suất lúa bình quân mô hình tăng 2,0 tạ/ha so với ruộng nông dân. Hiệu quả kinh tế cho lợi nhuận tăng hơn từ 15-20%.
Theo ông Nguyễn Phú Hoàng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận, mô hình thành công và đạt kết quả như mong đợi từ mục tiêu của dự án. Hy vọng trong thời gian tới các huyện trọng điểm lúa của tỉnh sẽ áp dụng rộng rãi mô hình canh tác lúa thân thiện tại địa phương.
Ứng dụng công nghệ cao là hướng đi tất yếu, bền vững
Theo Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận, hiện nay, yêu cầu của thị trường về chất lượng hàng hóa nông sản và an toàn thực phẩm ngày càng cao. Do vậy, để nâng cao giá trị sản phẩm sản xuất từ cây lúa, tăng thu nhập của nông dân, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm từ cây lúa trên địa bàn tỉnh Bình Thuận thì việc phát triển sản xuất, canh tác lúa thân thiện với môi trường theo hướng an toàn, ứng dụng công nghệ cao là hướng đi tất yếu, bền vững.
Nắm được xu thế này, những năm qua, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung vận động, tuyên truyền cho nông dân hiểu rõ chính sách phát triển cây lúa bền vững, hướng cho nông dân tập trung sản xuất, canh tác lúa thân thiện với môi trường đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của TW Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh phối hợp Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế - TW Hội tổ chức triển khai các nội dung chương trình Dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường" trên địa bàn tỉnh Bình Thuận từ năm 2021.
Với mục đích nâng cao kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường cho nông dân trồng lúa; nâng cao giá trị sản phẩm gạo trồng theo phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường và đưa ra thị trường tiêu thụ; giúp người nông dân vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh sản xuất lúa hiệu quả và bền vững thân thiện với môi trường góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Qua đó làm cho người dân hiểu rõ tác dụng, lợi ích thiết thực của Dự án như: Công tác chuyển giao các quy trình canh tác, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.