Bình Thuận quyết tâm trong năm 2022 sẽ có 11.900 ha thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP
Bình Thuận quyết tâm trong năm 2022 sẽ có 11.900 ha thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP
Bùi Phụ
Thứ ba, ngày 12/07/2022 18:42 PM (GMT+7)
Ngày 12/7, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, ông Nguyễn Văn Phong – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ký Quyết định phê duyệt chương trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP năm 2022 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Bình Thuận quyết tâm trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP
Theo đó, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm thanh long Bình Thuận, bảo đảm an toàn thực phẩm, phục vụ cho yêu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng trên toàn tỉnh phấn đấu có 11.900 ha thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Cụ thể, trong năm 2022 các tổ hợp tác, nhóm liên kết trồng thanh long; các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân trồng thanh long trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển diện tích thanh long theo tiêu chuẩn VietGap đạt 11.900 ha.
Để đạt được mục tiêu trên, các Sở, ngành, địa phương tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nông dân đăng ký tham gia và xây dựng tổ hợp tác/nhóm liên kết, hợp tác xã sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP đúng quy định. Trên cơ sở diện tích đã phân bổ, tiến hành vận động, hướng dẫn nông dân xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP có quy mô hợp lý để thuận lợi trong quản lý, tổ chức triển khai các hoạt động sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm sau này.
Được biết, diện tích cấp chứng nhận mới tại huyện Hàm Thuận Nam 200 ha, tái cấp chứng nhận trên 5.200 ha; Hàm Thuận Bắc tái cấp trên 2.000 ha; Bắc Bình cấp mới 20 ha, tái cấp 382 ha… Đối tượng triển khai tại các tổ hợp tác, nhóm liên kết trồng thanh long; các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân trồng thanh long.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra nội bộ (ít nhất mỗi năm một lần) và lưu hồ sơ trong quá trình thực hiện. Tập trung hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất theo đúng yêu cầu VietGAP và thực hiện các thủ tục đăng ký tái cấp chứng nhận đúng thời gian quy định.
Theo UBND tỉnh, chương trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP năm 2022 trên địa bàn tỉnhtiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP đã được quy định. Hiện UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và PTNT cùng các đơn vị, địa phương liên quan phối hợp triển khai chương trình.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, đến tháng 6/2022, diện tích thanh long VietGAP toàn tỉnh đạt gần 12.300 ha.
Diện tích trồng thanh long Bình Thuận lớn nhất nước
Theo thống kê của Sở NNPTNT tỉnh Bình Thuận, với diện tích trên 33.000ha, sản lượng hàng năm đạt trên 700.000 tấn, Bình Thuận đang là vùng chuyên canh cây thanh long lớn nhất Việt Nam nhưng chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới Việt – Trung (Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang), chiếm khoảng 70-80% tổng sản lượng thanh long trên địa bàn tỉnh.
Xuất chính ngạch sang các Quốc gia Châu Á (Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc, Philippine, Hàn Quốc, Singapore, Ấn Độ, Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống Nhất,…); các nước Châu Âu (Đức, Hà Lan, Nga, Tây Ban Nha); Châu Mỹ (Canada, Mỹ), Châu Đại Dương (Úc, New Zealand) nhưng số lượng còn hạn chế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.