Ra biển hái rong nho đặc sản bổ dưỡng, thương lái mua sạch, cả làng ở Quảng Ngãi kiếm bộn tiền
Cả làng ở Quảng Ngãi tới mùa đi hái "rau sạch" dưới biển kiếm tiền triệu mỗi ngày
Như Đồng (TTKN tỉnh Quảng Ngãi)
Thứ ba, ngày 12/07/2022 13:44 PM (GMT+7)
Những ngày này, hàng trăm người dân sống dọc ven biển ở các xã Bình Hải, Bình Châu... huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đang bước vào mùa khai thác rong mơ. Năm nay, thị trường thu mua rong mơ với số lượng lớn, nên rong mơ khai thác bao nhiêu thương lái mua hết bấy nhiêu, tạo thu nhập khá cho người dân ở các xã ven biển này.
Tại xã biển Bình Châu rong mơ được bà con ngư dân khai thác mang về phơi dày trên bãi biển. Ngư dân Nguyễn Văn Phụng, ở thôn Phú Quý, xã Bình Châu cho biết: Gần 3 tuần qua, trung bình mỗi ngày gia đình anh có thu nhập 1,5 triệu đồng từ khai thác rong mơ. Giá năm ngoái chỉ có 6 nghìn đồng/kg, năm nay giá tăng cao, dao động từ 8 đến 9 nghìn đồng/ kg nên bà con vui vẻ, có cực khổ chi cũng cố gắng để kiếm thêm thu nhập.
“Khai thác rong mơ rất vất vả, muốn khai thác đạt sản lượng cao nam giới phải có sức khỏe để lặn thời gian dài dưới nước.Tuy nhiên, không chỉ đàn ông mà phụ nữ cũng có thể khai thác rong mơ và đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình. Những người già, trẻ con cũng có thêm thu nhập nhờ việc thu nhặt rong mơ gần bờ và phơi rong cho các hộ đi khai thác nhiều”, ngư dân Phụng chia sẻ.
So với nghề đánh bắt hải sản, khai thác rong mơ dễ dàng và ít tốn kém chi phí đầu tư hơn. Nếu khai thác quy mô lớn, ngư dân sử dụng tàu công suất lớn cùng máy nén khí ô xy để lặn. Người khai thác nhỏ chỉ cần một thuyền thúng bơi ra vùng biển ven bờ là có thể khai thác được.
Ngư dân Nguyễn Thành Vũ ở thôn Phước Thiện, xã Bình Hải vui mừng cho biết: Thông thường mùa hái rong mơ từ đầu tháng 6 đến tháng 8 thì kết vụ. Nhưng mùa rong mơ năm nay ít hơn mọi năm nên sẽ kết vụ sớm. Vào thời gian này, đa số những người dân làm biển tại đây đều sử dụng thuyền đi hái rong mơ thay vì khai thác hải sản.
Chuyến đi hái rong thường kéo dài từ 5 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Mỗi ngày gia đình anh Vũ khai thác 3 chuyến, mỗi chuyến khoảng 3 tiếng đồng hồ và thu đạt trên 1,5 tạ rong mơ khô.
“Vào vụ khai thác rong mơ, cả gia đình tôi không ai đi biển đánh cá mà tận dụng thời gian để đi hái lộc biển. Sau khi hái đầy thuyền tôi đưa vào bờ phơi khô, nếu nhiều thì phải thuê người phơi. Công việc tuy vất vả, nhưng cũng mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Hơn 2 tuần nay, ngày nào gia đình tôi cũng có thu nhập từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng từ việc khai thác rong mơ”, ngư dân Vũ bày tỏ.
Ông Phạm Cầu, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải cho biết, hiện nay, ngư dân địa phương đang vào giữa vụ khai thác rong mơ, trên địa bàn xã có khoảng 400 hộ hành nghề này. Nhờ rong mơ mà ngư dân địa phương có thêm khoản thu nhập kha khá để trang trải cuộc sống.
Địa phương cũng đã vận động và con ngư dân khai thác rong mơ phải chừa khoảng 10cm phần gốc cho các loại hải sản sinh sôi. Khai thác rong mơ phải đúng mùa, nếu không sẽ làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của tôm cá.
“Ngư dân cũng đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ rong mơ, tổ chức khai thác đúng thời vụ và thời gian cho phép. Điều này không chỉ giúp cho ngư dân ven biển có được nguồn thu hàng năm mà còn tạo môi trường thuận lợi cho các loại hải sản về trú ngụ, sinh sản và bảo vệ tài nguyên môi trường biển”, ông Cầu nói.
Nhân rộng mô hình tổ tự quản khai thác rong mơ
Được biết, giữa năm 2012, nhằm góp phần bảo vệ rong mơ ven biển, người dân thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu đã đồng lòng thành lập tổ tự quản khai thác rong mơ. Qua đó, thành viên tổ tự quản vừa giám sát, vừa tuyên truyền, vận động người dân cùng bảo vệ, có ý thức trong khai thác rong mơ và các nguồn lợi từ biển khác.
Nhờ vậy, những mảng rong mơ dọc theo bờ biển kéo dài gần 6km tại thôn Châu Thuận Biển phát triển tốt, thu hút nhiều loài hải sản đến sinh sống và sinh sản, góp phần phục hồi hệ sinh thái biển ven bờ. Chính vì thế, người dân xã Bình Châu tiếp tục thành lập thêm 2 tổ tự quản trong lĩnh vực này tại thôn Phú Quý và An Hải. Tiếp sau đó, mô hình này tiếp tục nhân rộng sang xã Bình Hải.
Tại xã Bình Hải, từ năm 2016 đến nay, 5 tổ tự quản bảo vệ tài nguyên và môi trường biển tại 5 thôn Phước Thiện 1, Phước Thiện 2, Phước Thiện, An Cường và Thanh Thủy đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong tuần tra, nhắc nhở người dân bảo vệ đá san hô, đá đen, rong mơ, cát biển.
Theo ông Cầu, nhờ sự cộng đồng trách nhiệm của người dân thông qua các tổ tự quản và sự phối hợp chặt chẽ giữa cán bộ chuyên môn của UBND xã, công an xã, xã đội và tổ tự quản trong tuần tra, kiểm tra, đã giúp Bình Hải chấm dứt được tình trạng người dân khai thác đá san hô trái phép; đưa hoạt động khai thác rong mơ ven bờ đi vào quy củ khi 2 năm trở lại đây, địa phương không có hộ nào vi phạm trong việc khai thác rong mơ trước mùa vụ.
Từ hiệu quả mà mô hình này mang lại, năm 2018, Sở TNMT từng đề ra mục tiêu nhân rộng mô hình tổ tự quản bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và khuyến khích các địa phương ven biển của tỉnh phát triển mô hình này. Song, từ đó đến nay, mô hình này vẫn chỉ dừng lại ở hai xã Bình Châu, Bình Hải, dù toàn tỉnh có 22 xã ven biển và 1 huyện đảo.
Quảng Ngãi có đường bờ biển dài hơn 130km, cùng với đó là vùng đới bờ (được tính từ bờ biển ra 6 hải lý) rộng khoảng 2.000km2. Với diện tích rộng lớn, trải dài như vậy, để quản lý và bảo vệ hiệu quả tài nguyên, môi trường biển, ngoài sự vào cuộc quản lý của các ngành chức năng cần sự đồng hành, tiếp sức của cộng đồng dân cư tại từng địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.