Bỏ bán mỹ phẩm, trai làng tỉnh Thái Nguyên ngày đêm "luyện bột" vắt ra thứ sợi trắng mà từ quê ra phố đều ăn

Hà Thanh - Kiều Hải Chủ nhật, ngày 21/11/2021 19:08 PM (GMT+7)
Năm 2015, chàng thanh niên trẻ Dương Viết Tú (tổ dân phố Đoàn Kết, TT Hương Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) đã quyết định trở về quê lập nghiệp với nghề làm bún khô. Bún khô của gia đình anh dai ngon, sáng bóng, không pha tạp chất, nên được khách hàng yêu thích.
Bình luận 0

Anh Dương Viết Tú (26 tuổi, ở tổ dân phố Đoàn Kết, TT Hương Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) hiện đang gắn bó và phát triển với nghề làm bún khô của gia đình.

Chia sẻ với PV Dân Việt, Tú cho biết: "Năm 2015 sau khi có khoảng thời gian làm buôn bán mỹ phẩm trong Nam nhưng do chán cuộc sống xa nhà nên em đã quyết định về quê lập nghiệp".

Khi trở về địa phương thấy một số hộ trong xóm làm bún khô có thu nhập ổn định nên Tú đã bàn với gia đình đầu tư máy móc và học hỏi kinh nghiệm để làm công việc này.

Thái Nguyên: Rời chốn phố thị, thanh niên trẻ về quê khởi nghiệp với nghề làm bún khô  - Ảnh 1.

Năm 2015, anh Dương Viết Tú (tổ dân phố Đoàn Kết, TT Hương Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) quyết định lập nghiệp với nghề làm bún khô. (Ảnh: Hà Thanh)

Ban đầu, anh Tú cũng gặp phải khó khăn vì chưa có nguồn vốn chưa. Do đó, gia đình Tú xác định sẽ đầu tư dần dần. Tính đến nay, chi phí đầu tư cho máy móc, nhà sấy vào khoảng 200 triệu đồng.

Để làm ra được sản phẩm bún khô hoàn chỉnh, phải trải qua rất nhiều công đoạn và mất tương đối nhiều thời gian.

Ngày nào gia đình Tú cũng phải dậy từ 4 giờ sáng và làm việc đến khoảng 8 giờ tối mới cho ra được một mẻ bún khô.

Thái Nguyên: Rời chốn phố thị, thanh niên trẻ về quê khởi nghiệp với nghề làm bún khô  - Ảnh 3.

Bún sau khi ép thành sợi được ủ khoảng 13 tiếng. (Ảnh: Hà Thanh)

Đầu tiên, khi mua gạo về phải ngâm gạo khoảng 3 tiếng đồng hồ, sau đó để khoảng 12 tiếng cho ráo nước. Sau đó, gạo được ép thành bột khô rồi cho vào máy ép thành sợi.

Tiếp đó, ủ kín bún trong khoảng 12 – 13 tiếng, rồi lại cho ra bể xả nước để rửa sạch nhớt. Rửa xong, bún được đưa lên giàn phơi khô.

Thời gian phơi khô bún phụ thuộc vào thời tiết. Nếu trời nắng và hanh thì bún sẽ nhanh khô, còn những khi trời mưa ẩm thì phải cho bún vào nhà sấy để sấy khô nếu không bún sẽ bị hỏng.

Thái Nguyên: Rời chốn phố thị, thanh niên trẻ về quê khởi nghiệp với nghề làm bún khô  - Ảnh 4.

Bún được đưa vào nhà sấy để sấy khô bằng điều hòa. (Ảnh: Hà Thanh)

Thái Nguyên: Rời chốn phố thị, thanh niên trẻ về quê khởi nghiệp với nghề làm bún khô  - Ảnh 5.

Hằng ngày, anh Tú phải dậy từ 4h sáng để làm bún. (Ảnh: Hà Thanh)

Tú cho biết, để làm ra được một mẻ bún ngon thì quy trình sản xuất cũng tương đối khắt khe. Gạo được lựa chọn phải là loại gạo ngon, không ẩm mốc. Tú chủ yếu thu mua gạo Khang Dân của bà con trong vùng vì loại gạo này khi làm bún sẽ dễ rửa và tơi hơn.

Ngoài ra, nguồn nước làm bún cũng phải sạch và không nên rửa ngay khi bún còn ướt vì bún sẽ dễ bị nát.

Thời gian ủ gạo càng lâu thì bún sẽ càng ngon và ăn dai hơn. Trong quá trình phơi, không nên phơi bún quá lâu bún sẽ bị giòn, gãy, còn phơi chưa đủ thời gian thì bún sẽ ẩm và mốc.

Thái Nguyên: Rời chốn phố thị, thanh niên trẻ về quê khởi nghiệp với nghề làm bún khô  - Ảnh 6.

Khi thời tiết nắng hoặc hanh khô bún được phơi ngoài trời (Ảnh: NVCC)

Thái Nguyên: Rời chốn phố thị, thanh niên trẻ về quê khởi nghiệp với nghề làm bún khô  - Ảnh 7.

Anh Tú kiểm tra chất lượng và độ khô của bún trong nhà sấy. (Ảnh: Hà Thanh)

Bên cạnh đó, trong quá trình làm bún cần điều chỉnh sao cho khoảng thời gian từ lúc cho bột vào máy đến khi ra sản phẩm đạt khoảng 1 tạ/2 tiếng đồng hồ là đảm bảo chất lượng.

Bún đạt chất lượng là khi phơi khô có sợi sáng, trắng và bóng như cước và khi ăn dai. Trung bình 1kg gạo sẽ làm ra được 0,9kg bún khô.

Anh Tú cho biết thêm, để tạo độ bóng cho bún, người ta thường quết một lớp dầu lên bún. Tuy nhiên bún khô ở đây lại là độ bóng tự nhiên của bún, hoàn toàn không pha tạp chất nên rất đảm bảo an toàn.

Thái Nguyên: Rời chốn phố thị, thanh niên trẻ về quê khởi nghiệp với nghề làm bún khô  - Ảnh 8.

Sợi bún đạt chất lượng là khi khô có màu trắng, trong và độ bóng tự nhiên. (Ảnh: Hà Thanh)

Tú chia sẻ, gia đình anh là hộ thứ 4 phát triển nghề làm bún khô với quy mô tương đối lớn ở xóm. Đến thời điểm này, đã có khoảng 10 hộ tại địa phương cũng sản xuất bún khô.

Trung bình mỗi ngày gia đình Tú sản xuất được khoảng 3 – 4 tạ bún khô. Như vậy, tính bình quân mỗi tháng gia đình anh xuất bán ra thị trường từ 7 – 8 tấn bún khô. Do nhà chỉ có 3 nhân công nên nhiều khi không đủ bún khô giao cho thương lái.

Hiện nay, gia đình Tú chủ yếu sản xuất bún khô theo đơn đặt hàng của khách và bán buôn cho thương lái các nơi. Bún khô được bán buôn với giá 17.000 đồng/kg và bán lẻ khoảng 19.000 - 20.000đ đồng/kg tùy thuộc vào mỗi thời điểm.

Như vậy sau khi trừ hết chi phí gia đình anh lãi khoảng 3.000 đồng/kg bún khô.

Thái Nguyên: Rời chốn phố thị, thanh niên trẻ về quê khởi nghiệp với nghề làm bún khô  - Ảnh 9.

Mỗi ngày gia đình anh Tú sản xuất được khoảng 3 - 4 tạ bún khô. (Ảnh: Hà Thanh)

Theo anh Tú, nghề làm bún khô mang lại nguồn thu nhập tương đối ổn định. Hiện nay, vấn đề khó khăn nhất của gia đình là vốn đầu tư do anh đang muốn mở rộng thêm quy mô sản xuất, cần đầu tư thêm máy móc. Ngoài ra, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cũng chưa làm được mặc dù chất lượng sản phẩm đã được người tiêu dùng đánh giá cao.

Gia đình rất mong nhận được sự hỗ trợ của các cấp, ngành liên quan để phát triển mô hình này tại địa phương và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem