Bộ GTVT có cấp phép cho Bamboo Airways? (Ảnh: IT)
Phải trình Thủ tướng xem xét
Cục Hàng không vừa có báo cáo Bộ GTVT về kết quả thẩm định Hồ sơ xin cấp Giấy phép Kinh doanh vận chuyển hàng không của Cty TNHH Tre Việt (Bamboo Airways) và đề nghị bộ cấp phép cho Bamboo Airways.
Cục Hàng không cho rằng, hồ sơ của Bamboo Airways đã đầy đủ, hợp lệ theo quy định, như: Văn bản đề nghị cấp Giấy phép ngày 12.6.2018; Giấy xác nhận phong tỏa tài khoản thanh toán (văn bản xác nhận vốn) của ngân hàng; Đồ án thành lập và khai thác hàng không; các bản sao quyết định bổ nhiệm, hợp đồng lao động; Hợp đồng nguyên tắc về việc thuê tàu bay...
Ngoài ra, hồ sơ còn có các tài liệu khác, như Báo cáo tài chính họp nhất và Báo cáo kiểm toán độc lập của Cty CP tập đoàn FLC năm 2017; Bộ nhận diện thương hiệu Bamboo Airways.
Theo Nghị định 92 quy định về kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng, doanh nghiệp phải được Bộ GTVT cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng không sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Cục Hàng không VN phải báo cáo kết quả thẩm định lên Bộ Giao thông. Sau 15 ngày nhận được báo cáo kết quả thẩm định, Bộ Giao thông xem xét, trình Thủ tướng; trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được tờ trình của Bộ Giao thông, Thủ tướng xem xét, cho phép Bộ GTVT cấp giấy phép cho nhà đầu tư. Trong vòng 5 ngày làm việc, kể từ khi nhận được ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông sẽ cấp giấy phép cho nhà đầu tư để hoàn tất các thủ tục pháp lý quan trọng nhất đối với một hãng hàng không.
Theo đăng ký của Bamboo Airways, tàu bay dự kiến khai thác là A320/A321, với số lượng ban đầu là 3 chiếc, bắt đầu từ năm 2019
Đăng ký ban đầu có 3 chiếc tàu bay
Theo Cục Hàng không Việt Nam, các điều kiện quan trọng nhất để nhà đầu tư nhận được giấy phép là phải đáp ứng quy hoạch phát triển GTVT hàng không; đáp ứng các điều kiện về phương án bảo đảm có tàu bay khai thác, tổ chức bộ máy, vốn, phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm quy định.
Cụ thể, hồ sơ đề nghị cấp phép phải có bản chính văn bản xác nhận vốn; sơ đồ bộ máy tổ chức của doanh nghiệp; hợp đồng nguyên tắc hoặc thỏa thuận về việc mua, thuê máy bay; điều lệ hoạt động của doanh nghiệp; điều lệ vận chuyển; phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm.
Liên quan tới việc đáp ứng các điều kiện kinh doanh vận chuyển hàng không, Bamboo Airways được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do Sở KHĐT Hà Nội cấp lần đầu ngày 31.5.2017, Sở KHĐT Bình Định cấp thay đổi lần 2 ngày 1.8.2017. Công ty có vốn điều lệ 700 tỷ đồng, thuộc loại hình TNHH một thành viên với chủ sở hữu duy nhật là Tập đoàn FLC.
Tàu bay dự kiến khai thác là A320/A321, với số lượng ban đầu là 3 chiếc (bắt đầu từ năm 2019), với hình thức không có tổ bay (thuê khô).
Quy mô khai thác từ 3-10 tàu bay trong giai đoạn 5 năm 2019-2023. Công ty đã có thỏa thuận với CDB Aviation Lease Finance (Hongkong) về việc thuê 3 tàu bay A320, thời hạn 8 năm. Bên cạnh đó, Tập đoàn FLC (Công ty mẹ) cũng đã ký biên bản ghi nhớ về việc mua 24 tàu bay A321 NEO. Như vậy, tuổi tàu bay dự kiến khai thác đáp ứng yêu cầu.
Bamboo Airways đã làm việc và có Biên bản ghi nhớ với Tổng Công ty Cảng Hàng không (ACV) về cung cấp dịch vụ mặt đất, kiếm tra an ninh, dịch vụ sân đỗ, dự kiến đỗ tàu bay qua đêm tại các cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Phù Cát, Đồng Hới, Thọ Xuân, Cát Bi. Dự kiến thực hiện từ tháng 1.2019.
Bamboo Airways cũng có Biên bản ghi nhớ về việc bảo dưỡng tàu bay, bảo dưỡng thiết bị, phụ tùng và đào tạo, biên bản cung cấp nhiên liệu .
Việc sử dụng các cảng hàng không căn cứ tại Nội Bài (Hà Nội), Phù Cát (Bình Định) và Vân Đồn (Quảng Ninh) như phương án không gây áp lực lên hạ tầng cảng hàng không Việt Nam.
Bamboo Airways phát triển mạng đường bay kết nối các đường bay trực tiếp từ Hà Nội, Quảng Ninh, Quy Nhơn, Quảng Bình, Thanh Hóa với thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Macau, Nhật Bản.
Từ các căn cứu trên, Cục Hàng không nhận định, hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng không của Bamboo Airways đầy đủ, hợp lệ...
“Căn cứ quy định hiện hành, hồ sơ của Bamboo Airways, nhu cầu thị trường, thực tiễn và khả năng giám sát an toàn hàng không, khả năng đáp ứng của hạ tầng hàng không, cục kiến nghị Bộ trưởng GTVT xem xét và thực hiện các thủ tục tiếp theo để cấp Giấy phép Kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng không cho Bamboo Airways”, Cục Hàng không kiến nghị.
Trước đó, trong ngày 9.7, Bamboo Airways đã nhận được quyết định phê duyệt chính thức của Thủ tướng Chính phủ, xét theo đề nghị của Bộ KHĐT tư và sự đồng thuận của các bộ ngành liên quan. Quyết định này được đưa ra sau thời điểm Tập đoàn FLC ký thoả thuận mua mới 44 chiếc máy bay Boeing và Airbus trong tháng 3 và tháng 6 năm nay, với tổng giá trị hợp đồng lên đến 8,6 tỷ USD.
Theo ông Đặng Tất Thắng - Tổng giám đốc Bamboo Airways: Trong khi chờ nhận máy bay, trước mắt Bamboo Airways sẽ thuê 20 máy bay để bay trong nước, kết nối các điểm du lịch như Hà Nội - Quy Nhơn, Hà Nội - Đồng Hới, Tp.HCM - Quy Nhơn, Hà Nội - Tp.HCM, Tp.HCM - Vân Đồn… Trong dài hạn, hãng cũng sẽ mở rộng các tuyến bay thẳng từ Bắc Á, Mỹ và châu Âu về Việt Nam. Chiến lược này vừa giảm áp lực cho cơ sở hạ tầng hàng không tại các thành phố lớn, đồng thời tăng cường liên kết vùng, nâng tầm du lịch Việt Nam trên bản đồ quốc tế.
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết: Hiện Cục đã thẩm định xong hồ sơ của Bamboo Airways và hãng này hoàn toàn đủ điều kiện để bay. Nếu hồ sơ xin cấp phép của Bamboo Airways được phê duyệt, việc hãng này bay vào 10.10 như công bố trước đó là hoàn toàn có khả năng.
Nếu như mọi thứ được tiến hành thuận lợi, dự kiến vào cuối năm 2018 “giấc mơ bay” của ông Trịnh Văn Quyết ở tuổi 43 sẽ trở thành hiện thực.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.