Bộ GTVT nói gì về đường sắt Cát Linh-Hà Đông đội vốn 205% chắp vá?

Minh Hiếu Thứ hai, ngày 23/09/2019 16:19 PM (GMT+7)
Việc Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chỉ ra hàng loạt sai phạm trong việc sử dụng vốn dẫn tới dự án chậm tiến độ, đội vốn đang được dư luận quan tâm.
Bình luận 0

Cụ thể, KTNN phát hiện hàng loạt sai phạm trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh tăng vốn và ký kết hợp đồng dự án… Việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ 8.769 tỷ đồng lên 18.001 tỷ đồng, tăng 205% so với tổng vốn đầu tư ban đầu được duyệt.

img

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông. (Ảnh: Thế Anh)

Khi quyết định điều chỉnh tăng vốn dự án vào tháng 2/2016, Bộ GTVT không báo cáo Thủ tướng để trình Quốc hội thông qua chủ trương điều chỉnh vốn là chưa thực hiện đúng Nghị quyết 49 của Quốc hội, trái với quy định của Luật Đầu tư công. Cụ thể, dự án sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương và Thủ tướng Chính phủ ra quyết định đầu tư.

Về tài chính của dự án đến ngày 30/6/2018, số vốn đầu tư vào đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông theo báo cáo của chủ đầu tư khoảng 11.337 tỷ đồng nhưng kết quả kiểm toán chỉ ghi nhận khoảng 8.679 tỷ  đồng đã đầu tư vào dự án. Số chênh lệch khoảng 2.656 tỷ đồng do chủ đầu tư tính sai khối lượng 360 triệu đồng, sai đơn giá 175 tỷ  đồng, sai khác 698 tỷ  đồng, chưa đủ điều kiện quyết toán 1.781 tỷ đồng...

Để làm rõ về kết quả của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố, trao đổi với PV Dân Việt, đại diện Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết: “Bộ GTVT đã nắm được những thông tin về KTNN nêu. Hiện tại, Bộ GTVT đang tổng hợp các thông tin liên quan để có ý kiến trả lời. Đây là dự án diễn ra trong nhiều năm nên Bộ đang xem xét”.

img

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa có kế hoạch chạy tàu. (Ảnh: Thế Anh)

Nhìn nhận về dự án Cát Linh – Hà Đông, GS. TS. Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT phân tích, những hệ luỵ tại các dự án Đường sắt Đô thị Việt Nam bao gồm 3 yếu tố: Thứ nhất, về mặt kiến thức, hiểu biết của chúng ta còn hạn hẹp hầu như sách vở trên trường chưa dạy, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm cũng chưa hề có.

Thứ hai, về thực tiễn và kinh nghiệm sản xuất lại càng là một con số không, làm sao có thể dựa vào những gì chúng ta vốn có. Trên thực tế chúng ta đã không thể hình dung ra hết những việc phải làm. Ngay cả việc kí kết hợp đồng cũng không đưa ra đủ những điều khoản cần phải có, để rồi xảy ra thất thế.

Thứ ba, chúng ta phải chấp nhận những điều kiện ràng buộc ngặt nghèo, nhất là những điều kiện dẫn đến sự độc quyền trong các hợp đồng triển khai dự án, trong việc cung ứng vật tư, thiết bị và phương tiện mà bên cấp vốn đưa ra.

GS. TS. Lã Ngọc Khuê cho rằng, để có thể xuất khẩu tư bản với giá trị lớn và củng cố vị thế độc quyền của mình, đối tác cấp vốn bao giờ cũng luôn chủ chương, cũng luôn theo đuổi những dự án có quy mô rất lớn với những công nghệ cao, vượt quá sức, quá tầm của phía Việt Nam để càng dễ bề chế ngự.

Kết quả là từ việc xác định tiêu chí, tiêu chuẩn, tiến hành thiết kế, lựa chọn công nghệ, tính toán giá cả, cho đến việc phân định kế hoạch triển khai, phân chia các hợp đồng xây dựng hạ tầng cũng như cung ứng thiết bị, phương tiện vận hành… nhất nhất đều do đối tác nước ngoài quyết định.

Trước đó, trả lời cử tri về lo lắng khi sắp tới đưa vào vận hành tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, nếu không kiểm tra, giám sát và vận hành thật chặt chẽ, kỹ lưỡng và chính xác thì khi có sự cố từ trên cao xuống khả năng gây ra hậu quả, thiệt hại là rất lớn.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh với vai trò Chủ đầu tư dự án, Bộ GTVT nhận thức rõ trách nhiệm trong quá trình triển khai thực hiện Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, trong thời gian triển khai dự án, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đã có nhiều đoàn thường xuyên, định kỳ kiểm tra dự án trong các lĩnh vực như: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra về công tác an toàn lao động, vệ sinh môi trường; Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra về tác động môi trường.

Đồng thời, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng kiểm tra công tác nghiệm thu và chất lượng thi công, Kiểm toán nhà nước tiến hành kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư của dự án...

Ngoài ra, để đảm bảo tuyệt đối an toàn trước khi bàn giao dự án đưa vào vận hành khai thác thương mại, Bộ GTVT đã thuê Tư vấn đánh giá an toàn hệ thống (Tư vấn của Pháp) để tiến hành đánh giá an toàn từ khâu thiết kế, thi công, lắp đặt thiết bị và vận hành toàn bộ hệ thống...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem