Anh nông dân Thái Bình sáng chế máy rửa bát công nghệ cao, bán khắp nơi, khiến cả làng phục lăn

Thứ hai, ngày 02/05/2022 06:20 AM (GMT+7)
Không phải nhà khoa học nhưng cháy bỏng ước mơ và quyết tâm thực hiện, anh Nguyễn Văn Ngọc, sinh năm 1981, thôn Phú Lễ Thượng, xã Tự Tân (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) trở thành người đầu tiên của tỉnh Thái Bình và hiếm hoi trong cả nước chế tạo thành công máy rửa bát gia đình và máy rửa bát băng chuyền.
Bình luận 0

Thăm xưởng cơ khí của anh Ngọc, ít ai nghĩ từ những máy móc, thiết bị đơn giản, thông dụng như vậy, anh “kỹ sư làng” lại có thể chế tạo ra 2 loại máy rửa bát đòi hỏi công nghệ cao.

Anh Ngọc chia sẻ, bố anh nguyên là thợ sửa chữa ô tô giỏi trong quân đội nên có lẽ anh được thừa hưởng tính ham mày mò, sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của bố. Từ bé anh cũng có nhiều cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu các loại động cơ, máy móc khác nhau. Tốt nghiệp trung cấp cơ khí, năm 2007 anh Ngọc mở cơ sở sản xuất, gia công cơ khí dân dụng tại gia đình.

Anh nông dân Thái Bình sáng chế máy rửa bát công nghệ cao, bán khắp nơi, khiến cả làng phục lăn - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Văn Ngọc, thôn Phú Lễ Thượng, xã Tự Tân (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) trực tiếp chế tạo, thi công các chi tiết đòi hỏi kỹ thuật cao của máy rửa bát băng chuyền.

Năm 2008, anh Ngọc bắt đầu nhen nhóm ý tưởng chế tạo 1 chiếc máy rửa bát gia đình để mẹ bớt vất vả. 

Thế nhưng, để ý tưởng trở thành sản phẩm thực tế và hữu ích, anh mất cả năm ròng thiết kế, thi công, thay đổi từng chi tiết của sản phẩm. Khó nhất là chế tạo trục quay tự động đủ áp lực để rửa sạch bát, đĩa. Sau nhiều lần quan sát, tìm hiểu vòi phụt nước tại các cửa hàng rửa xe, anh Ngọc tìm ra nguyên lý hoạt động cơ bản cho chiếc máy rửa bát. 

Anh đầu tư máy vi tính để thiết kế mô hình. Năm 2009, lần đầu tiên anh sản xuất thành công chiếc máy rửa bát tự động cho gia đình 12 thành viên. Sản phẩm đã đạt giải ba hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Thái Bình năm 2009. Tuy nhiên, việc sản xuất để bán rộng rãi máy rửa bát ra thị trường còn khó khăn vì sản phẩm sản xuất thủ công, mẫu mã chưa đẹp, khó cạnh tranh với máy ngoại nhập.

Từ thành công ban đầu là máy rửa bát gia đình có công suất nhỏ, năm 2015 anh Ngọc quyết định thử sức chế tạo máy rửa bát công nghiệp chạy bằng băng chuyền có công suất lớn hơn. Hai loại máy hoạt động hoàn toàn khác nhau. 

Khó khăn là một số chi tiết máy như vòi phun, bộ phận điện tử đòi hỏi phải có máy móc, thiết bị công nghệ cao mới chế tạo được, anh Ngọc phải khăn gói lên Hà Nội cả tuần để thuê máy, chế tạo các chi tiết, thiết bị điện tử cho sản phẩm. 

Năm 2016, anh đã thiết kế thành công chiếc máy rửa bát băng chuyền đầu tiên với công suất rửa 4.000 chiếc bát, đĩa/giờ, tiêu hao 1.500 lít nước, khoảng 54kw điện. Công suất này tương đương với 40 người rửa bát bằng phương pháp thủ công.

Với máy rửa bát băng chuyền, bát, đĩa được đặt vào những chiếc khay, sau đó được đưa vào máy qua 2 hàng vòi phun áp lực: từ trên xuống và từ dưới lên, kết hợp với nước 650C để rửa, nước 700C để tráng bát, đĩa. Vòi phun áp lực nước chuyển động xoay 4 chiều để phun lên tất cả bề mặt bát, đĩa. 

Tốc độ máy rửa trung bình 80 chiếc bát, đĩa/phút, vì vậy bát, đĩa được xếp đầu này của máy thì cứ sau 1 phút đã cho ra bát, đĩa sạch ở đầu kia của máy. Với giá bán thông thường 80 - 95 triệu đồng/máy, máy rửa bát do anh Ngọc sáng chế, sản xuất có giá thành bằng 1/2 so với máy rửa bát nhập khẩu. 

Với sáng chế hay, tính ứng dụng cao, sản phẩm máy rửa bát công nghiệp G21 do anh Ngọc sản xuất đã đạt giải nhì hội thi sáng tạo khoa học - công nghệ và kỹ thuật tỉnh Thái Bình lần thứ VII, năm 2016 - 2017.

Sau chiếc máy rửa bát đầu tiên, hơn 5 năm qua Doanh nghiệp tư nhân G21 do anh Nguyễn Văn Ngọc làm chủ đã sản xuất trên 150 chiếc máy rửa bát băng chuyền (máy rửa bát công nghiệp) phục vụ các bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, nhiều nhất là ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Hà Nội. 

Anh Ngọc chia sẻ: Về nguyên lý hoạt động của máy cơ bản giữ nguyên nhưng tôi vẫn luôn tư duy, cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của máy. 


Ví dụ, trước kia bát, đĩa phải xếp vào các khay rồi cho từng khay vào máy, rửa xong cầm các khay ra, nhưng hiện nay tôi chế tạo các khay trực tiếp trên các băng chuyền trong máy nên chỉ cần đặt bát vào và nhấc bát ra, không cần sử dụng các khay hỗ trợ.

Hoặc các khay đựng bát, đĩa bằng inox, giờ đây được thay đổi bọc thêm lớp nhựa dẻo để bát, đĩa ít bị xây xước khi xếp vào máy. Tôi còn điều chỉnh công suất máy rửa bát để đáp ứng nhu cầu của từng khách hàng. Cùng do tôi sản xuất nhưng máy rửa bát hiện nay tiện lợi hơn cho người sử dụng và không phát sinh trục trặc như trước.

Hiện nay, anh Ngọc chế tạo, sản xuất thêm chiếc máy bọc bát, đĩa bằng màng bọc nilon nhằm bảo quản bát, đĩa vệ sinh, sạch sẽ hơn sau mỗi lần rửa. Tận dụng máy rửa bát nhà làm, anh Ngọc nhận dịch vụ rửa bát, đĩa phục vụ các đám hiếu, hỷ. 

Ngoài ra, anh còn tự học hỏi, chế tạo, sản xuất cổng, cửa tự động, thang máy chở hàng tự động để phục vụ khách hàng có nhu cầu. Từ một thợ cơ khí lành nghề, anh Ngọc đã vươn lên thành lập, làm chủ Doanh nghiệp tư nhân G21, tạo việc làm cho gần chục lao động với thu nhập 9 - 12 triệu đồng/người/tháng.

Quỳnh Lưu (Báo Thái Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem