Bố mẹ làm nhục, đánh đập con có thể bị phạt đến 5 triệu đồng

Minh Nguyệt (ghi) Thứ sáu, ngày 27/06/2014 08:31 AM (GMT+7)
Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em có thể bị phạt tối đa 5 triệu đồng.
Bình luận 0

Trước thực tại 75% trẻ em Việt bị bạo hành, ông Lê Thế Nhân – Luật gia, Chủ tịch Trung tâm phát triển cộng đồng và công tác xã hội (Huế) cho biết, hiện nay, pháp luật trong nước và quốc tế có các cơ sở pháp lý và những chế tài cụ thể để xử lý các hành vi liên quan tới bạo hành trẻ em.

Cụ thể:

Điều 19 Công ước quốc tế về quyền trẻ em (CRC) quy định: “Các quốc gia thành viên phải thực hiện tất cả các biện pháp lập pháp,hành chính, xã hội và giáo dục thích hợp để bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bạo lực về thể chất hoặc tinh thần, bị thương tổn hay lạm dụng, bị bỏ mặc hoặc sao nhãng việc chăm sóc, bị ngược đãi hoặc bóc lột, gồm cả lạm dụng tình dục trong khi trẻ em vẫn nằm trong vòng chăm sóc của cha mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ, một hay nhiều người giám hộ pháp lý”.

Tại Điều 7, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em Việt Nam cũng quy định cụ thể về các hành vi bị nghiêm cấm với trẻ em: “Hành hạ, ngược đãi, làm nhục, chiếm đoạt, bắt cóc, mua bán, đánh tráo trẻ em; lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi; xúi giục trẻ em thù ghét cha mẹ, người giám hộ hoặc xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của người khác...”

 

Bầu chọn
Bạn thường dạy con bằng cách nào sau đây?

Tại điều 13, Nghị định số 91/2011/NĐ-CP (ngày 17/10/2011 của Chính phủ) quy định xử phạt vi phạm hành chính cụ thể với Hành vi đánh đập, hành hạ, ngược đãi trẻ em; lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi như sau: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Đánh đập, xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khoẻ đối với trẻ em.

b) Đối xử tồi tệ với trẻ em như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân, bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm; ngăn cản trẻ em tham gia hoạt động xã hội, sinh hoạt cộng đồng hợp pháp, lành mạnh.

c) Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, sao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em.

d) Dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em, làm trẻ em tổn thương, đau đớn về thể xác và tinh thần.

đ) Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn thương tinh thần.

Riêng trong Luật hình sự quy định: Trong các trường hợp trẻ em bị bạo lực bởi bất kỳ ai (cả bố mẹ) mà đủ căn cứ để xử lý hình sự thì sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành.

Bạn - với tư cách là những phụ huynh, hiểu thế nào là bạo hành trẻ em và quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào? Câu chuyện của gia đình bạn là gì? Hãy thẳng thắn chia sẻ những băn khoăn của bạn về vấn đề này. Dân Việt rất mong nhận được những ý kiến tâm huyết, những đóng góp hữu ích để nạn bạo hành trẻ em được đẩy lùi.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem