Mắng chửi, đòn roi không giúp trẻ nên người

Minh Nguyệt (ghi) Thứ sáu, ngày 27/06/2014 18:00 PM (GMT+7)
Việc đánh đập, chửi mắng không những không giúp ích mà điều này còn phản tác dụng khiến đứa trẻ sẽ lì đòn, cứng đầu và có khả năng vi phạm lỗi nặng hơn.
Bình luận 0

“Đánh con là một thực trạng mà rất nhiều gia đình vướng vào, hành động này tỏ rõ sự bất lực của cha mẹ đối với con cái. Để dạy dỗ và giúp con nên người, việc đánh đập, chửi mắng không những không giúp ích mà điều này còn phản tác dụng khiến đứa trẻ sẽ lì đòn, cứng đầu và có khả năng vi phạm lỗi nặng hơn” - Luật sư Lê Thế Nhân – Chủ tịch Trung tâm phát triển cộng đồng và công tác xã hội Huế (CODES) đã có những chia sẻ về quan điểm dạy con bằng roi vọt của người Việt Nam.  

Thực tế qua quá trình tư vấn trực tiếp và gián tiếp qua đường dây nóng bảo vệ chăm sóc trẻ em cho thấy, đa số cha mẹ đều ủng hộ quan điểm dạy con bằng roi vọt. Họ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi những quan niệm xưa cũ, kiểu như "ngày xưa bố mẹ cũng dạy tôi bằng roi vọt mà có sao đâu? hoặc như không dạy thế thì con không thể nên người..."

Không chỉ bố mẹ, bản thân những người thực thi pháp luật, chính quyền địa phương cũng đều cho rằng việc bố mẹ dạy con bằng roi vọt là chuyện bình thường. Việc hành xử theo văn hóa cá nhân thay cho ứng xử theo chuẩn mực nghề nghiệp và pháp lý của cán bộ vô tình đã làm vô hiệu hóa các quy định trong Luật cũng như các nghị định có liên quan tới hoạt động bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

Những thông tin tố cáo qua đường dây nóng, cũng có ghi nhận các cuộc gọi tố cáo hành vi vi phạm của bố mẹ, gia đình, người thân trong việc bạo hành trẻ. Tuy nhiên số này rất ít, chỉ một số vụ cực kỳ nghiêm trọng xảy ra, bởi đa phần họ ngại bị liên lụy hoặc việc tố cáo sẽ mất tình nghĩa làng xóm.

Theo ông Nhân, khảo sát của CODES cho thấy đa phần các bậc phụ huynh thường ít có thời gian dành cho con. Trong khi chưa hiểu hết tâm lý của con trẻ thì họ vội vàng áp đặt lối suy nghĩ của mình để dạy con. Khi kết quả không được như mong đợi thì nặng lời quát mắng con, dẫn tới việc trẻ phản ứng với cách hành xử của bố mẹ. Chuyện đương nhiên là bố mẹ sẽ cảm thấy bức xúc và học cho rằng biện pháp cuối cùng dùng roi vọt để dạy con.

Bầu chọn
Bạn thường dạy con bằng cách nào sau đây?
 

 

Ông Nhân cho biết thông thường với những trường hợp như vậy CODES sẽ phải thực hiện các phiên tư vấn trực tiếp cho bố mẹ về tâm sinh lý của trẻ cũng như biện pháp dạy con.

Tùy từng trường hợp cụ thể, mỗi trẻ có những suy nghĩ và thời điểm phát triển tâm sinh lý khác nhau mà chúng tôi có thể tư vấn cho bố mẹ để họ có thể áp dụng những phương pháp dạy con khoa học, chuẩn mực.

Bên cạnh đó, CODES cũng tổ chức các lớp học rèn luyện kỹ năng cho mẹ và bé. Tại đây, các mẹ sẽ được dạy các phương pháp tiếp cận và hiểu trẻ. Ứng dụng các biện pháp dạy con không cần dùng roi vọt.

"Một yêu cầu đầu tiên chúng tôi yêu cầu các phụ huynh cần nhìn nhận những điểm tốt của con, tuyệt đối không được so sánh con mình với con người vì điều này sẽ làm thui chột đi sự tự tin của trẻ. Bên cạnh đó, bố mẹ các cháu cũng cần chú ý, khi vận dụng phương pháp dạy con cần kiên nhẫn. Thực hành dạy con làm bất cứ một việc nào đó cần hướng dẫn cụ thể và theo dõi sát việc các con làm để có những ghi nhận đánh giá khích lệ con.

Ví dụ như việc dạy con nấu cơm. Ban đầu trẻ có thể chưa biết bố mẹ cần chỉ ra cho trẻ cách làm cụ thể, sau đó quan sát hỏi han xem trẻ có làm được không.

Sau khi dạy trẻ nhiều lần mà trẻ làm vẫn chưa tốt, cần chỉ ra cho con vì sao con chưa làm tốt, cần phải làm gì để nấu cơm ngon hơn. Phải để trẻ hiểu rằng nếu chúng nấu ngon thì chúng sẽ được ăn ngon, bằng không thì sẽ không có cơm mà ăn hoặc ăn muộn hơn vì phải cắm một nồi cơm khác thay cho nồi cơm đã hỏng.

Việc thực hành kỷ luật con là rất cần thiết, nhưng trước khi đưa ra các biện pháp kỷ luật cần phải hướng dẫn trẻ cụ thể. Khi đưa ra các biện pháp kỷ luật cũng phải rất nhẹ nhàng để trẻ tự nhận thức", ông Nhân nói.

“Trẻ em bị cha mẹ bạo lực thường có những biểu hiện bạo lực với bạn bè. Anh chị hoặc em của trẻ bị bạo lực cũng có biểu hiện bạo lực với bạn bè và người thân. Trẻ khi bị bạo lực luôn cảm thấy cô độc và không tin tưởng ai, các em sống thu mình có trẻ đã có những biểu hiện của bệnh trầm cảm” - ông Lê Thế Nhân – Chủ tịch CODES.

 

Bạn - với tư cách là những phụ huynh, hiểu thế nào là bạo hành trẻ em và quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào? Câu chuyện của gia đình bạn là gì? Hãy thẳng thắn chia sẻ những băn khoăn của bạn về vấn đề này. Dân Việt rất mong nhận được những ý kiến tâm huyết, những đóng góp hữu ích để nạn bạo hành trẻ em được đẩy lùi.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem