Tôi từng thề là không bao giờ đánh mắng, chửi bới con...

T.N (Hà Nội) Thứ năm, ngày 26/06/2014 14:15 PM (GMT+7)
Mục đích duy nhất, động lực lớn nhất và quyết tâm nhiều nhất của tôi và em gái tôi để thi đỗ ĐH là để sớm được tự lập, thoát khỏi gia đình và không còn phải bị nghe mẹ mắng mỏ, chửi bới nữa.
Bình luận 0

Mẹ tôi là một phụ nữ nông thôn thuần phác, nghiêm khắc và lam lũ. Cuộc sống của mẹ quá khó khăn khi phải một mình nuôi hai đứa con nhỏ, làm hơn một mẫu ruộng khoán, đi chợ bán hàng trong khi bố tôi là bộ đội chuyên nghiệp quanh năm suốt tháng xa nhà.

Cũng chính vì điều này, mẹ rất ít khi hài lòng về những việc mà chúng tôi làm, thường xuyên cáu gắt và luôn khắt khe, đòi hỏi chúng tôi phải “chỉn chu” như người lớn từ những việc nhỏ nhất.

Mẹ không đánh nhưng rất hay mắng mỏ chúng tôi, những lời mắng mỏ thường rất cay độc và hơi… chợ búa. Có những lần chỉ vì ngủ quên không tắt điện, sáng hôm sau tôi đã được mẹ cho một “bài ca bất hủ” về việc phải tiết kiệm như thế nào? Công sức làm ra đồng tiền của  bố mẹ ra sao? Rồi nói tôi không biết suy nghĩ, học để làm gì, tốn cơm gạo, nghỉ học đi cho rồi…

Liên tiếp mấy hôm sau, hễ có thời gian là mẹ lại mang chuyện đó ra để chì chiết, dạy bảo. Ngay cả trong bữa cơm mẹ cũng có thể mắng chửi khiến nhiều hôm đút cơm vào miệng mà đắng ngắt không tài nào nuốt nổi.

img 

Tôi còn nhớ có lần em gái tôi rửa bát tuột tay làm vỡ một chiếc xuống nền nhà, thế là ngay lập tức lãnh một cái tát như trời đánh của mẹ. Mẹ bảo nó không biết thương mẹ, làm ra một đồng tiền có dễ đâu mà suốt ngày phá…nó khóc nức nở và bỏ cơm nước một ngày trời chỉ nhốt mình trong phòng. Mẹ không hề “động lòng” mà vẫn kiên quyết “yêu cho roi cho vọt, mặc kệ nó, đói khắc tự mò ra mà ăn”.

Sợ mẹ, những đứa bạn của hai chị em tôi cũng ít khi sang nhà chơi hay dám sang rủ chúng tôi đi đâu. Hàng xóm cũng bảo mẹ là “bà la sát” suốt ngày quát mắng chửi bới không biết mệt mỏi.

Chị em tôi sau rất nhiều lần hậm hực với mẹ, tủi hổ vì bị mẹ mắng chỉ vì những lý do rất nhỏ thì quay ra quyết tâm học thật tốt, cố gắng thi đỗ đại học để được “thoát” khỏi gia đình, được tự lập và tất nhiên là để không phải nghe mẹ chửi mắng suốt ngày nữa.

Có lần uất ức quá, tôi đã “gân cổ” lên tuyên bố với mẹ rằng: “Con thề với mẹ là sau này con không bao giờ chửi mắng con cái của con như mẹ”… lúc đó tôi thấy mắt mẹ ngân ngấn, nhưng mẹ vẫn quả quyết: “Ừ, mày cứ chờ đấy rồi xem”.

 

Bầu chọn
Bạn thường dạy con bằng cách nào sau đây?
Khi tôi và em gái đều đỗ đại học lên Hà Nội sống, tôi dần hiểu ra rằng:  mẹ cũng không hề sung sướng gì khi chửi mắng chúng tôi. Mẹ cũng chỉ mong chúng tôi tốt hơn nhưng nhận thức của một phụ nữ nông thôn với cuộc sống quá khó khăn đã khiến mẹ làm những điều vô  tình gây tổn hại đến tâm hồn của những đứa con mình. Những lời chửi mắng đã trở thành nỗi ám ảnh, rất may chúng tôi chưa đến mức suy nghĩ tiêu cực là làm trò dại dột.

 

Khi tôi có con, tôi lại càng hiểu hơn sự kiềm chế của một người làm cha  mẹ trong việc dạy dỗ một đứa trẻ là một điều rất khó khăn. Tuy nhiên, tôi vẫn khắc cốt ghi tâm lời mình đã hứa: “Không bao giờ đánh mắng, chửi bới con” như mẹ tôi từng làm với chúng tôi.

Con trai đầu lòng được 2 tuổi, tôi sinh đứa thứ 2, mọi khó khăn bắt đầu với việc một nách 2 con nhỏ khi chồng thường xuyên phải làm xa nhà. Con trai lớn của tôi mặc dù được chăm bẵm ăn uống đủ kiểu nhưng vẫn rất lười ăn,  còi và thường xuyên ốm đau khiến tôi nhiều lúc bị stress nặng. Chỉ quanh quẩn với việc làm thế nào để đến bữa cho con ăn được 1 bát cơm, bát cháo, rồi cho nó đi ngủ đúng giờ đã làm cho tôi mệt lử vì con là đứa trẻ khá nghịch ngợm, hiếu động và lì lợm. Không đánh, không quát mắng tôi chọn hình thức phạt con mỗi khi nó ương bướng không chịu nghe lời.

Đầu tiên là phạt đứng góc nhà mỗi khi không chịu ăn, đánh em, quăng quật đồ chơi… Mới đầu con sợ, khóc lóc và xin lỗi, nhưng chỉ được một vài lần thì con phản kháng lại. Khi không chịu ăn tôi quát: “Bây giờ con ăn cơm hay là đứng góc nhà”, nó thản nhiên trả lời “đứng góc nhà ạ” rồi tự ra đứng úp mặt vào góc nhà trước sự ngỡ ngàng của tôi.

Biết con không sợ, lần sau tôi phạt nhốt con vào nhà vệ sinh đóng chặt cửa tắt điện tối om hay đẩy con ra sân đóng cửa không cho vào nhà nữa. Thấy con khóc thảm thiết, lòng tôi cũng quặn thắt. Nhưng khi đưa con vào nhà nói con ăn cơm thì nó gạt tay hất đổ bát cơm tung tóe xuống nền nhà.

Máu nóng trong người tôi sôi lên, tôi phát vào mông con mấy cái rất đau rồi lại đẩy con ra khỏi cửa…con khóc thét. Tôi đứng sau cánh cửa cũng khóc nức nở như một… bà mẹ thất bại, bất lực vì không biết cách nào dạy bảo một đứa trẻ lên 3.

Tôi chợt nhớ lại lời đã từng tuyên bố với mẹ tôi...

Sau lần đánh con, tôi hối hận vô cùng, biết mình đang lạc hướng trong việc dạy dỗ con cái, tôi đã đăng ký khóa học “Kỷ luật không nước mắt” của một chuyên gia tâm lý.

Tôi ngộ ra một điều rằng, kể cả không đánh mắng chửi bới nhưng việc ép buộc con phải thế này, thế khác cũng là một hình thức bạo hành trẻ em. Điều này sẽ khiến cho trẻ sợ hãi, thiếu tự tin.

Mỗi lần như thế, hoóc môn cortisol trong cơ thể trẻ tiết ra có thể khiến đứa trẻ chậm phát triển, tim nhỏ hơn, não kém thông minh so với những đứa trẻ khác…

Giật mình…suýt nữa tôi đã “giết chết” sự phát triển bình thường của con tôi.

Bạn - với tư cách là những phụ huynh, hiểu thế nào là bạo hành trẻ em và quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào? Câu chuyện của gia đình bạn là gì? Hãy thẳng thắn chia sẻ những băn khoăn của bạn về vấn đề này. Dân Việt rất mong nhận được những ý kiến tâm huyết, những đóng góp hữu ích để nạn bạo hành trẻ em được đẩy lùi.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem