Bổ nhiệm hơn 100 Hòa giải viên ở 27 Tòa án cấp huyện tại Hà Nội

Nguyễn Hoà Thứ ba, ngày 23/03/2021 09:59 AM (GMT+7)
Chánh án Tòa án nhân dân TP.Hà Nội vừa công bố quyết định bổ nhiệm 107 Hòa giải viên tại các tòa án cấp huyện, thuộc TP.Hà Nội.
Bình luận 0

27 Tòa án có hơn 100 Hòa giải viên

Tòa án nhân dân TP.Hà Nội vừa tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và công bố các quyết định bổ nhiệm các Hòa giải viên của các đơn vị thuộc tòa án nhân dân 2 cấp TP.Hà Nội.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình tới dự, phát biểu chỉ đạo.

Tại hội nghị này, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao đề nghị các Hòa giải viên, đối thoại viên tích cực nghiên cứu, áp dụng những kỹ năng hòa giải, đối thoại đã được tập huấn để tiến hành hòa giải, đối thoại đạt hiệu quả.

Ông Nguyễn Hòa Bình cũng đề nghị Thành ủy, HĐND, UBND TP.Hà Nội tiếp tục ủng hộ, xem hòa giải, đối thoại là nhiệm vụ quan trọng, cử cán bộ có kinh nghiệm phụ trách công tác hòa giải.

Tại hội nghị này, Chánh án toà án nhân dân TP.Hà Nội đã công bố quyết định bổ nhiệm 107 Hòa giải viên tại 27 Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc TP.Hà Nội.

Bổ nhiệm hơn 100 Hòa giải viên ở 27 Tòa án cấp huyện tại Hà Nội - Ảnh 1.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đề nghị TP.Hà Nội tiếp tục ủng hộ, xem hòa giải, đối thoại là nhiệm vụ quan trọng.

Ở một diễn biến khác, tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021, Tòa án nhân dân Tối cao cũng đã tổ chức sơ kết triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Theo đó, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Ngay sau khi Luật được Quốc hội thông qua, Tòa án nhân dân Tối cao ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, ban hành kèm theo Quyết định số 187/QĐ-TANDTC ngày 17/7/2020 của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao và Quyết định số 267/QĐ-TANDTC ngày 25/9/2020 về việc thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Đa số các Hòa giải viên có trình độ, có hiểu biết pháp luật

Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Văn Du chi biết, hiện nay, hầu hết các Tòa án đã thành lập Hội đồng tư vấn, tuyển chọn Hòa giải viên, tổ chức họp Hội đồng và đã Quyết định bổ nhiệm Hòa giải viên theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân Tối cao.

Bổ nhiệm hơn 100 Hòa giải viên ở 27 Tòa án cấp huyện tại Hà Nội - Ảnh 2.

Tại hội nghị triển khai thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Chánh án Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đã công bố quyết định bổ nhiệm 107 Hòa giải viên ở 27 Tòa án cấp huyện thuộc TP.Hà Nội.

Số lượng Hòa giải viên toàn quốc là 2.157 người, đa số các Hòa giải viên đều có trình độ, hiểu biết pháp luật, có kinh nghiệm tiến hành hòa giải, đối thoại.

Một trong những khó khăn ảnh hưởng đến việc triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại đó là sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc lạc hậu.

Hầu hết các Tòa án phải sắp xếp lại phòng làm việc của Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký, người lao động hoặc sử dụng phòng họp, phòng tiếp công dân, phòng nghị án, phòng chờ xét xử, hội trường... để bố trí phòng phục vụ cho hoạt động hòa giải, đối thoại.

Bổ nhiệm hơn 100 Hòa giải viên ở 27 Tòa án cấp huyện tại Hà Nội - Ảnh 3.

Theo báo cáo của Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Văn Du, toàn quốc hiện có 2.157 Hòa giải viên, đa số các Hòa giải viên đều có trình độ, hiểu biết pháp luật, có kinh nghiệm.

Trang thiết bị cơ sở vật chất phục vụ việc hòa giải, đối thoại tại Tòa án cơ bản chưa được trang cấp, hầu hết các Tòa án tận dụng bàn, ghế, tủ... cũ đang làm thủ tục thanh lý để bố trí tạm, do vậy, chưa đáp ứng được yêu cầu của việc tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Sau 2 tháng thi hành Luật, số lượng đơn khởi kiện, đơn yêu cầu mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện trên toàn quốc nhận được từ ngày 1/1/2021 đến ngày 28/2/2021 là 38.661.

Số lượng vụ, việc chuyển sang hòa giải, đối thoại tại Tòa án là 2.544 vụ, việc (chiếm tỷ lệ 6% số lượng đơn khởi kiện, đơn yêu cầu mà Tòa án nhận được).

Số lượng vụ, việc đã được hòa giải thành, đối thoại thành là 662 vụ, việc (chiếm tỷ lệ 26% số lượng vụ, việc chuyển sang hòa giải, đối thoại).

Số lượng vụ, việc đã ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành là 309 vụ, việc (chiếm tỷ lệ 47% số lượng vụ, việc hòa giải thành, đối thoại thành).

Một số Tòa án có số lượng vụ, việc ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành cao như: Nghệ An (67 vụ, việc), Hải Phòng (63 vụ, việc), Bạc Liêu (38 vụ, việc), Vĩnh Phúc (35 vụ, việc), Bình Dương (22 vụ, việc), Hà Giang (09 vụ, việc).

Trước những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thi hành Luật, chia sẻ với những khó khăn này, ông Nguyễn Hòa Bình yêu cầu các đơn vị liên quan tham mưu kịp thời các giải pháp để lãnh đạo Tòa án nhân dân Tối cao xem xét, quyết định.

Các Tòa án cần chủ động, tranh thủ, bố trí hợp lý mọi nguồn lực để triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án hiệu quả.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem