Bộ NNPTNT công bố 2 kịch bản ứng phó dịch tả lợn châu Phi vào VN

Anh Thơ Thứ sáu, ngày 15/02/2019 13:00 PM (GMT+7)
Trước nguy cơ dịch tả lợn châu Phi có thể xâm nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam bất cứ lúc nào, Bộ NNPTNT đã khẩn cấp xây dựng 2 kịch bản ứng phó với dịch.
Bình luận 0

Tình huống 1: Dịch phát hiện quy mô hẹp

Theo đó, đối với dịch được phát hiện ở quy mô nhỏ hẹp (tạm quy ước từ 01 đến 03 hộ chăn nuôi, trại chăn nuôi gia đình trong từ 01 - 03 thôn, làng, ấp của 01 đơn vị hành chính là cấp xã), ngay sau khi phát hiện bất kỳ tổ chức, cá nhân nào đều phải lấy mẫu gửi đến phòng thí nghiệm (PTN) của Cục Thú y để xét nghiệm. Việc xét nghiệm được thực hiện tại ít nhất 02 PTN để bảo đảm tính chính xác, khách quan và có sự kiểm tra chéo.

Đội phản ứng nhanh của Cục Thú y có trách nhiệm đến ngay địa phương nơi gửi mẫu để điều tra, nắm tình hình và hướng dẫn các biện pháp xử lý, phòng, chống dịch bệnh lây lan; phòng chống bán chạy.

hi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), cấm điều trị lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh và lập tức thực hiện công tác tiêu hủy lợn bệnh.

img

Thực hiện tiêu độc, khử trùng cho đàn lợn khi vận chuyển. Ảnh: I.T

Trường hợp 01 ổ dịch là hộ chăn nuôi, gia trại, cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ không có dãy chuồng riêng biệt hoặc chợ, điểm buôn bán lợn, sản phẩm lợn, cơ sở giết mổ lợn: Tiêu hủy toàn đàn trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với bệnh DTLCP.

Việc tiêu hủy cũng được áp dụng đối với các đàn lợn liền kề với đàn lợn dương tính nhưng chưa được lấy mẫu xét nghiệm. Tại vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, trong vòng 48 giờ việc tiêu hủy được áp dụng với đàn lợn bị bệnh có triệu chứng lâm sàng của Dịch tả lợn Châu Phi mà không nhất thiết phải chờ có kết quả xét nghiệm nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát tán, lây lan diện rộng.

Tiến hành khoanh vùng ổ dịch tại các trại chăn nuôi, hộ chăn nuôi gia đình nơi phát hiện có vi rút DTLCP; dừng vận chuyển lợn, sản phẩm lợn từ thôn, ấp có lợn dương tính với DTLCP trong vòng 21 ngày để theo dõi, giám sát.

Tình huống 2: Dịch bệnh được phát hiện trên diện rộng

Phạm vi rộng được tạm quy ước theo mức độ lây lan của dịch, từ các ổ dịch ban đầu lây lan nhanh, xảy ra ở nhiều hộ, trang trại, cơ sở chăn nuôi lợn trên địa bàn toàn xã, huyện, tỉnh hoặc nhóm xã, nhóm huyện hay nhiều tỉnh. Theo đó, sẽ tổ chức xử lý ổ dịch, chống dịch theo đúng quy định của Luật thú y.

img

Tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi tại Trung Quốc. Ảnh: I.T

Khi có kết quả xét nghiệm dương tính với hộ bị dịch trong cùng một đơn vị cấp xã, đàn lợn các hộ chăn nuôi, trang trại còn lại trong cùng xã, nhóm xã, nhóm huyện và toàn tỉnh nếu có biểu hiện hiện triệu chứng điển hình của DTLCP có thể tiến hành các biện pháp tiêu hủy ngay không cần xét nghiệm.

Khoanh vùng, xử lý ổ dịch: Ổ dịch là trại, các trại chăn nuôi lợn hoặc hộ gia đình chăn nuôi lợn trong 01 đơn vị cấp xã nơi phát hiện vi rút Dịch tả lợn Châu Phi. Vùng dịch là xã, phường, thị trấn nơi có ổ dịch: Thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 01 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 03 lần/tuần trong 2-3 tuần tiếp theo.

Thực hiện các thủ tục công bố dịch theo quy định tại Điều 26 của Luật Thú y; lập chốt kiểm dịch, dừng vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn. Cấm vận chuyển lợn con, lợn giống ra, vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp để nuôi tái đàn khi chưa có hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.

 Lập chốt kiểm dịch, nghiêm cấm vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn ra vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp. Cơ sở chăn nuôi trong vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp đã được cấp “Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật” đối với các bệnh khác, có thể được phép vận chuyển ra ngoài dưới sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền của địa phương sau khi đã lấy mẫu xét nghiệm âm tính với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

Thời điểm tái đàn sau dịch: 30 ngày kể từ khi tiêu hủy lợn hoặc sản phẩm lợn bị nhiễm bệnh, đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định và có quyết định công bố bãi bỏ dịch của cơ quan có thẩm quyền công bố dịch trước đó. Cơ sở từng bước nuôi tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở. Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, khi đó mới nuôi tái đàn với số lượng có thể lên đến 100% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở.

Tăng cường chỉ đạo chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt; xây dựng cơ sở, chuỗi cơ sở và vùng an toàn dịch bệnh.

Định kỳ tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất; hằng ngày thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đối với người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh phòng dịch.

Chi cục Thú y, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cấp tỉnh chịu trách nhiệm theo dõi diễn biến lâm sàng, tình hình lợn bệnh, lợn chết trên địa phương có dịch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem