Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn: Sẽ “khai tử” 2.500 hợp tác xã

Việt Tùng Thứ tư, ngày 15/10/2014 06:05 AM (GMT+7)
Tại hội nghị thực hiện đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp diễn ra ngày hôm qua 14.10, Bộ NNPTNT cho biết sẽ tiến hành giải thể 2.500 hợp tác xã (HTX) trong nông nghiệp hoạt động kém hiệu quả trong giai đoạn từ năm 2015-2020.
Bình luận 0

Hoạt động mỗi hợp tác xã một kiểu

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, hiện cả nước có 10.339 HTX nông nghiệp, trong đó 9.363 HTX dịch vụ và sản xuất nông nghiệp (chiếm 92%); 115 HTX lâm nghiệp; 594 HTX thuỷ sản và 79 HTX diêm nghiệp. Với khoảng 6,7 triệu xã viên, trung bình mỗi HTX có 660 xã viên. Các HTX phân bố chủ yếu ở đồng bằng sông Hồng (35%), miền Trung (26%), còn lại là ở các vùng khác.

Quan điểm
img
Ông Nguyễn Huy ĐiềnPhó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản
  Hạn chế hiện nay của HTX, THT là chuyên môn, trình độ quản lý của cán bộ, không nắm rõ Luật HTX, chưa nhiệt huyết với công việc. Đa số các HTX, THT đều hạn chế về diện tích, phần lớn không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên khi vay vốn rất khó...  
Đa số HTX mới chỉ tập trung thực hiện được một số dịch vụ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, trong đó 97% làm dịch vụ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; 80% làm dịch vụ thuỷ lợi, 53% làm dịch vụ giống cây trồng dịch vụ, 30% cung ứng vật tư, phân bón dịch vụ thú y... Ngoài ra, còn có khoảng có 61.571 tổ hợp tác (THT) hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ và sản xuất nông nghiệp, thủy lợi, thủy sản, đội đánh bắt xa bờ…

Đánh giá về tình hình hoạt động của các HTX, THT trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho rằng, tổ chức sản xuất là một trong hai trụ cột quan trọng của việc tái cơ cấu nền nông nghiệp. Song ông Phát cũng thừa nhận, thời gian gần đây hoạt động của HTX, THT rất kém hiệu quả, nhiều HTX hoạt động yếu kém. “Tôi cho rằng, để hai hình thức sản xuất quan trọng này hoạt động hiệu quả cần phải có sự đổi mới. Đổi mới ở đây không chỉ là sự sắp xếp lại cơ cấu hình thức tổ hợp tác, HTX sao cho đúng luật, mà phải tổ chức lại, đánh giá mỗi loại HTX sao cho phù hợp, HTX trồng trọt, không thể rập khuôn như HTX thủy sản. Đi tìm lời giải không phải trong sách vở, mà là từ thực tiễn tại các địa phương rồi từ đó nhân rộng ra” – Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT), một số HTX, THT thiếu bền vững là do “áp đặt khi thành lập”, không dựa vào quyền lợi, lợi ích của người dân, không trên cơ sở tự nguyện của người dân. “Điển hình nhất là các dự án ODA, khi có vốn thì dự án, tổ chức hoạt động, nhưng khi dự án kết thúc thì tổ chức cũng tan theo. Bởi hiện nay, mỗi địa phương đào tạo cán bộ theo một kiểu, do đó chúng tôi đang xây dựng bộ tài liệu chung cho cả nước để trình Bộ trưởng với hình thức đơn giản, dễ hiểu, ngắn gọn”.

Ưu tiên các HTX trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản

Liên quan tới việc định hướng chính sách cho HTX trong thời gian tới, ông Lê Đức Thịnh – Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) cho biết, trên thực tế các HTX hiện nay đang đóng vai trò rất quan trọng về an sinh ở vùng nông thôn, như làm dịch vụ tưới tiêu, thu gom rác, bảo vệ thực vật cho cả một vùng mà các doanh nghiệp họ không làm… “Về quản lý nhà nước, hiện nay chúng ta làm khá bài bản, nhưng nó lại mang tính “bác học” quá. Các HTX phát triển ở trình độ khác nhau, trong khi đó chúng ta bắt họ phải làm theo mình và họ sẽ không làm, có nghĩa là mình sẽ không nắm được họ đang hoạt động như thế nào. Đành rằng chúng ta hướng họ theo những tiêu chí như họ đã làm được gì cho người dân, rồi từ đó có những chính sách cho hợp lý, chứ không nhất thiết là đánh giá lỗ, lãi” – ông Thịnh chia sẻ.

Theo kế hoạch, song song với việc giải thể khoảng 2.500 HTX kém hiệu quả, Bộ NNPTNT cũng tiếp tục chỉ đạo các địa phương thành lập mới 2.000 HTX mới theo hướng ưu tiên các HTX sản xuất theo lĩnh vực chuyên ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… Bên cạnh đó, nâng số THT lên 100.000 tổ, hơn 50.000 trang trại được công nhận phát triển sản xuất theo hướng tập trung, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ cao tạo ra số lượng nông sản hàng hóa lớn và có chất lượng cao, đưa tỷ lệ nông sản tiêu thụ thông qua hợp đồng từ 3-15% hiện nay đạt 25-30% vào năm 2020.

Tuy nhiên, theo phản ánh, việc HTX hoạt động kém hiệu quả ngoài nguyên nhân do bản thân HTX đó, còn có lỗi do thủ tục hành chính nhà nước quá rườm rà, nên HTX không tiếp cận được với các chính sách mới. Ông Phan Quốc Ân - Chủ nhiệm HTX Quý Hiền (Bảo Thắng, Lào Cai) cho biết hiện nay các quy định về chính sách dành cho HTX còn rất ngặt nghèo, ví dụ giấy kiểm dịch chỉ có hiệu lực 1 ngày. “Nếu chúng tôi muốn làm đúng, tốt, chắc phải cử một cán bộ thường xuyên… túc trực ở trạm thú y để xin phép, vì không phải lúc nào chúng tôi cũng xuất được. Lúc xuất thì không xin được giấy. Hay việc phòng dịch, khoanh vùng dịch bệnh cũng đang rất bất cập, vì khi có dịch tất cả các trại dù có hay không có dịch đều như nhau”. Ông Ân nêu dẫn chứng, như đợt dịch vừa rồi, trại của ông không có dịch, nhưng không được bán, do đó thiệt hại hàng tỷ đồng.

Trả lời thắc mắc của ông Ân, Bộ trưởng Cao Đức Phát hứa sẽ chỉ đạo Cục Thú y, các Chi cục Thú y địa phương sớm rà soát và điều chỉnh cho hợp lý. Theo đó, sẽ nới rộng các điều khoản, quy định, nhằm giúp cho người dân, HTX phát triển tốt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem