Bố nuôi nói sát thủ vụ "án oan ông Chấn" có đồng phạm

Lương Kết Thứ tư, ngày 11/03/2015 07:14 AM (GMT+7)
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm Lý Nguyễn Chung (SN 1988) ngày 9.3, sau khi nghị án, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Bắc Giang quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung xem bị cáo Chung có đồng phạm trong vụ giết người, cướp tài sản xảy ra tại thôn Me (Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang) không.  Trong vụ án này, ông Nguyễn Thanh Chấn (ở thôn Me) đã bị kết án oan và đi tù 10 năm.
Bình luận 0

Điểm lạ trong khám nghiệm hiện trường

Trao đổi với phóng viên NTNN, luật sư Giáp Văn Điệp (Đoàn luật sư Bắc Giang), bào chữa cho gia đình bị hại, cho biết: Nội dung mà tòa yêu cầu điều tra bổ sung cũng chính là vấn đề luật sư cũng như đại diện bị hại đã đề nghị trong phần tranh luận. Thời điểm năm 2003, Lý Nguyễn Chung chỉ là đứa trẻ 14 tuổi 7 tháng 25 ngày, tầm vóc thấp bé hơn nạn nhân, tại sao có thể ra tay một cách dễ dàng như bị cáo mô tả.

img
Bị cáo Lý Nguyễn Chung tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: I.T

Cũng theo luật sư Điệp, việc đặt nghi vấn có hay không đồng phạm với Lý Nguyễn Chung khi sát hại chị Nguyễn Thị Hoan để cướp tài sản thể hiện qua những vấn đề khúc mắc trong vụ án.

Thứ nhất, qua dấu vết ở hiện trường, nếu như một mình Lý Nguyễn Chung gây án thì hiện trường sẽ để lại dấu vết của hung thủ này. Theo khám nghiệm trên người của bị cáo Chung có 2 vết sẹo ở tay, bị cáo khai đó là vết dao tự đâm vào tay mình trong lúc sát hại chị Hoan, nhưng hiện trường lại không thấy vết máu của hung thủ này để lại.

“Khi Chung sát hại xong chị Hoan thì đối tượng tháo 2 chiếc nhẫn vàng của nạn nhân, rồi mở tủ kính lấy 59.000 đồng mà không để lại dấu vết gì. Nếu bàn tay mà dính máu thì động bất cứ thứ gì cũng để lại dấu vết” - luật sư Điệp nói.

Một vấn đề nữa được luật sư Điệp đặt ra, ở hiện trường vụ án, trên then cửa hậu nhà nạn nhân Hoan có vết màu nâu giống vết máu. Trên công tắc điện cũng có dấu vết nghi là vết máu đã được chụp lại hiện trường. Cửa chính nhà chị Hoan là cửa sắt kéo, bị cáo Chung khai đã đóng lại sau khi gây án nhưng trên cửa lại không để lấy dấu vết.

Bút lục cần được làm rõ

“Vấn đề thứ hai, tôi cho rằng Cơ quan CSĐT - Bộ Công an vi phạm tố tụng, cụ thể công an đã dùng dấu vết vân chân thu tại hiện trường để đối chiếu với dấu vân chân của Chung bây giờ, nhưng việc thu thập dấu vết trên hiện trường này lại không được thu thập theo quy định pháp luật nên không được coi là chứng cứ. Tài liệu mà Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã dùng là tài liệu Công an tỉnh Bắc Giang đã loại trong vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn. Giờ nó lại dùng làm chứng cứ truy nguyên - coi là tài liệu gốc - xác định Lý Nguyễn Chung là hung thủ giết người và để lại dấu vết trên hiện trường là không khách quan” - luật sư Điệp nêu quan điểm.

Một nghi vấn cần được làm rõ là trong hồ sơ vụ án của Lý Nguyễn Chung nằm ở bút lục 179, 180.

Trong bút lục này điều tra viên có hỏi ông Văn Công An - Trưởng thôn Đoàn Kết, xã Eaka Mút, huyện Eakar, tỉnh Đăk Lăk - nơi Lý Nguyễn Chung sau khi gây án vào sinh sống, ông An nói biết Chung đến địa phương này vào khoảng năm 2004. Khi đến đây Chung nhận ông Nguyễn Văn A (tức Sự) làm bố nuôi và nhập hộ khẩu theo nhà ông này.

Ông Văn Công An cho biết thêm, khi ông gặp ông Sự, ông Sự có nói vào năm 2003 Chung có cùng ai đó thực hiện hành vi phạm tội giết người nhưng không bị phát hiện nên bỏ trốn vào thôn Đoàn Kết. Việc bố nuôi của Chung nói như vậy có phải do được Chung kể lại hay thông tin xuất phát từ đâu, là vấn đề chưa được làm rõ.

Theo lời khai của nhân chứng Nguyễn Văn An, khi anh này đi qua nhà chị Hoan (thời điểm nạn nhân bị sát hại) thì thấy người đàn ông khoảng 1,6 - 1,7m đang đánh người phụ nữ, trong khi Lý Nguyễn Chung khai thấp hơn nạn nhân (nạn nhân Hoan cao khoảng 1,52m).
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem