Vẫn những căn nhà sàn vững chãi nhuốm màu thời gian, nhưng có một thay đổi đập ngay vào mắt, đó là những hàng rào cây xanh phân cách giữa các nhà đã biến mất ở một số chỗ. Những búi tơ hồng vàng óng dập dờn thưa nhặt trên bờ râm bụt cúc tần không còn thấy. Nay những bờ rào ấy đã được thay thế bằng tường gạch cao ráo và bền vững, màu xi măng xám xịt. Đứng ngoài đường không nhìn thấy bên trong .
Xưa các cụ dạy rằng “Yêu nhau thì rào giậu cho chặt”, mượn cái bờ rào để nói rộng ra rằng dù mối quan hệ dù thân tình gì thì cũng cần có giới hạn, không thể buông tuồng suồng sã. Cái bờ rào chỉ là để phân định ranh giới mà không có ý ngăn chặn tình người.
Bây giờ cái chặt chẽ vững chãi của bờ tường xi măng lại đem cho ta cảm giác cuộc sống của mỗi gia đình đang dần thu mình lại. Xóm ấy vẫn còn nhiều nhà nghèo không xây nổi tường gạch, xoa vôi cát trát xi măng, nhưng chỉ mươi nhà xây tường rào như thế cũng đủ thấy ngay trong làng xóm, con người đã nghĩ khác. Cũng chưa thể kết luận gì nhưng rõ ràng thời buổi tấc đất tấc vàng, ý thức về chủ quyền của những con người trong làng xóm miền rừng nay đã khác xưa rồi.
Bây giờ đi trong làng không thấy màu xanh cây lá, chỉ thấy gạch và ngói làm lạnh giá mùa đông và nóng bức vào mùa hè. Thấp thoáng đâu đó lại thêm mái tôn đỏ au thách thức.
Tôi tự hỏi mình, phải chăng mình quá hoài cổ nên mới băn khoăn về những thay đổi ở cái bờ rào? Có lẽ không phải thế, mà là cái khác, do những bức tường gạch gợi ra.
Đỗ Đức
Vui lòng nhập nội dung bình luận.