"Làng thanh niên" cách trung tâm xã Ia Mơr gần 20km, lọt thỏm giữa bốn bề rừng khộp đìu hiu, quạnh quẽ… Trong căn nhà xây cấp 4 tuềnh toàng, anh Nguyễn Văn Trưởng kể: Năm 2008 từ quê hương Phù Cừ (Hưng Yên), tôi gia nhập Làng Thanh niên với khát vọng lập nghiệp đầy cháy bỏng.
|
Cảnh đìu hiu của Làng Thanh niên lập nghiệp (hiện là Làng Ring). |
Ban quản lý dự án hỗ trợ 15 triệu đồng làm nhà, 9 triệu đồng để xây bể nước, hỗ trợ chăn nuôi và lương thực 6 tháng; được cấp 1 sào đất ở, 4 sào lúa nước và 1,8ha đất rẫy. Nhưng chúng tôi phải đối mặt với khí hậu quá khắc nghiệt, mùa khô nắng sém da người, mùa mưa nước đọng lênh láng. Đất đai pha cát cằn cỗi, nơi trồng được lúa nước thì chỉ đủ ăn; nơi không có nước chỉ trồng được mỗi cây mì thì bị thương lái ép giá, chỉ bằng 1/3 ngoài huyện. Đường đất mùa mưa lầy lội, mùa khô như rải bột. Cuộc sống quá khó khăn, nhiều người mất hết kiên nhẫn đã bỏ đi.
Làng Thanh niên ban đầu có 100 hộ, giờ chỉ còn 62 hộ. Tất cả đều thuộc hộ nghèo. Họ đóng cửa nhà thường xuyên để đi làm thuê ở nơi khác kiếm sống. Từ ngày thành lập đến nay, làng có thêm 50 thành viên nhí. Đa số các cháu đều trong độ tuổi đến trường, thế nhưng làng vẫn chưa có điểm trường. Muốn ra học tại trung tâm xã Ia Mơr, các cháu phải vượt qua gần 20 km đường rừng. Nhiều gia đình phải cho con đến xã Ea Rook (Ea Súp, Đăk Lăk) học nhờ. Điều đáng nói là do học trái tuyến, khác tỉnh nên các cháu không được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Tháng 6.2011, UBND tỉnh Gia Lai đã bàn giao Làng Thanh niên lập nghiệp Ia Mơ cho UBND huyện Chư Prông. Huyện bàn giao cho UBND xã Ia Mơ quản lý và đổi tên thành làng Ring. Cũng kể từ đây "Làng Thanh niên lập nghiệp" trở nên hữu hình vô ảnh… Ông Rơ Chăm Chim - Chủ tịch UBND xã Ia Mơ nói rằng thừa biết làng Ring khó khăn, nhưng là xã biên giới đặc biệt khó khăn nên dù muốn hỗ trợ cũng đành bó tay.
Quốc Dinh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.