Người dân sẵn sàng bỏ "tấc vàng", hiến đất làm đường nông thôn mới
Đến xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn, TP.HCM) – một trong những xã nông thôn mới đầu tiên tại TP.HCM hỏi về phong trào hiến đất làm đường nhiều người dân nơi đây không còn xa lạ gì với ông Phạm Văn Cáo (ngụ ấp 1). Bởi ông được xem là người đi đầu trong phong trào này.
Từ 2010 – 2012, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, gia đình ông đã hiến đất để nâng cấp, mở rộng đường XTT-41. Sau đó, gia đình ông lại hiến đất để xây dựng, sửa chữa tuyến đường XTT-18. Tổng cộng gia đình ông đã hiến hơn 1000m2 đất để làm đường giao thông nông thôn với giá trị tài sản hơn 1,6 tỷ đồng.
Ông Cáo chia sẻ trước đây tuyến đường luôn lầy lội, cỏ mọc um tùm, học sinh đi học thường hay bị trượt té. Khi được xã vận động hiến đất nâng cấp mở rộng đường xây dựng nông thôn mới ông liền đồng ý ngay để con cháu đi học thuận lợi. Giờ đây đường sá đã được mở rộng thênh thang, sạch đẹp, dân cư vì thế cũng đông hơn, giá cả đất đai cũng mắc hơn, thế nhưng ông vẫn không hối tiếc khi đã hiến cả ngàn mét vuông đất. Bởi ông cho rằng chủ trương xây dựng nông thôn mới là đúng đắn vì vậy ông sẵn sàng góp chút công sức để làm cho bộ mặt của xã được đẹp hơn.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Hoàng (xã Trung Lập Thượng) cũng được xem là một trong những người đi đầu trong phong trào hiến đất làm đường tại vùng đất thép Củ Chi. Hưởng ứng phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới ông đã không ngần ngại hiến trên 2.500m2 đất để xã xây Trường Tiểu học Trung Lập Thượng.
Bởi trường tiểu học Trung Lập Thượng lúc đó rất xập xệ, xã đã có dự án từ lâu nhưng chưa xây dựng được. Được chính quyền địa phương vận động, ông không cần suy nghĩ nhiều mà đồng ý hiến 2.500m2 đất để con em có chỗ học ổn định, khang trang.
Trong số 5 huyện, người dân huyện Bình Chánh hiến nhiều đất nhất, khoảng 1,8 triệu m2 với giá trị 2.100 tỷ đồng phục vụ 115 công trình làm đường, mở hẻm.
Khu phố 3 (thị trấn Tân Túc, Bình Chánh) là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác vận động nhân dân hiến đất làm đường, nhất là các tuyến đường, tuyến hẻm giao thông nông thôn. Trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của bà Lê Thị Ai. Theo ông Nguyễn Hữu Linh, Trưởng khu phố 3, tuyến đường tổ 6 được thông thoáng như bây giờ có phần đất của bà Ai. Hiện, tuyến đườngnày đã được nâng cấp rộng 5m và được trải đá xanh suốt tuyến. Ven đường, bà con đã cho trồng hoa mười giờ khiến vùng quê này bừng lên một sức sống mới.
Bà Ai cho biết, được chính quyền vận động làm tuyến đường, bà đã tự nguyện hiến 800m2 đất để chính quyền mở rộng đường với tổng giá trị đất hiến là 2 tỷ 400 triệu đồng, giúp người dân đi lại dễ dàng. " Tôi chỉ nghĩ đơn giản hiến đất làm đường để bà con, học trò đi lại, đến trường an toàn, dễ dàng hơn", bà Ai khiêm tốn.
Phát huy nội lực nhân dân
Ở 5 huyện xây dựng nông thôn mới của TP.HCM, gồm: Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè có gần 39.000 hộ dân hiến 3,1 triệu m2 đất giá trị khoảng 2.300 tỷ đồng để làm đường, mở hẻm.
Xác định phát triển mạng lưới giao thông nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, nhiều công trình đường giao thông đã được huyện Củ Chi ưu tiên xây dựng.
Nhiều công trình đường giao thông thực hiện theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", huy động được sự đóng góp tích cực của người dân trên địa bàn huyện Củ Chi. Với sự đóng góp của nhân dân, nhiều tuyến đường giao thông trong ấp, xã được nâng cấp mở rộng, việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của bà con được thuận lợi hơn, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ở các xã trên địa bàn huyện Củ Chi có nhiều thay đổi, đời sống người dân từng bước được nâng lên…
Qua hơn 20 năm thực hiện hiến đất làm đường, mở rộng hẻm, trên địa bàn huyện Củ Chi đã có 16.475 hộ dân hiến 1.471.393 m2 đất và đóng góp vật kiến trúc với tổng trị giá là 679,5 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các công trình đầu tư cơ sở hạ tầng. Huy động cộng đồng cùng chung sức xây dựng 253 tuyến hẻm, tổng chiều dài 46,8 km với tổng kinh phí 54,4 tỷ đồng.
Nhờ phát huy nội lực nhân dân, hiện nay huyện Củ Chi có mạng lưới giao thông tương đối hoàn chỉnh gồm 2.107 tuyến đường và 213 tuyến hẻm, có chiều dài 1.434km. Qua đó, góp phần hình thành nên diện mạo giàu sức sống cho vùng nông thôn mới, đẩy nhanh quá trình xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, tạo đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ông Lê Thanh Hoài - Trưởng ấp 1 (xã Vĩnh Lộc B, Bình Chánh) cho biết, qua tiếp xúc người dân rất đồng tình với chủ trương hiến đất mở rộng đường để mang lại bộ mặt nông thôn mới văn minh hơn.
"Việc vận động người dân cùng chung tay với nhà nước cải tạo và mở rộng đường là việc làm hết sức ý nghĩa và thiết thực. Nó không chỉ mang lại một bộ mặt đô thị văn minh hơn mà còn tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế. Tôi mong rằng trong thời gian tới mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng hơn nữa"- ông Hoài chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.