Tôi thích công việc làm gạch ba banh (gạch không nung) từ lúc còn là một đứa trẻ. Tốt nghiệp THPT, tôi không đăng ký thi đại học mà ở nhà làm nghề đóng gạch. Bố mẹ tôi hết lời khuyên nhủ, còn trẻ mà không chịu học thì tương lai sẽ ra sao? Láng giềng, họ hàng lời qua, tiếng lại khiến có lúc tôi cũng nản chí...
Lúc mọi người nguôi giận, tôi hứa với bố mẹ sẽ quyết tâm lập nghiệp bằng nghề nặn sỏi đá ra gạch và không hối hận về sự lựa chọn của mình. Thấy bố mẹ có vẻ xuôi lòng, tôi phấn chấn bắt tay vào việc. Thật may mắn, lúc đó gạch ba banh đang rất thịnh hành bởi chất lượng tốt và giá lại rẻ hơn gạch đốt.
Nắm bắt được nhu cầu thị trường, tôi bàn với gia đình đăng ký vay vốn ngân hàng để mở rộng quy mô nhà xưởng, nâng công suất làm gạch, đầu tư máy móc thiết bị để thay thế phương pháp đóng gạch bằng tay. Lại một lần nữa mọi người phản đối. Nhưng đã sẵn kinh nghiệm thuyết phục, cuối cùng bố mẹ tôi gật đầu để tôi thế chấp nhà, đất vườn vay vốn ngân hàng mua 1 chiếc xe công nông, máy nghiền đá, máy đóng gạch, mở rộng diện tích xưởng từ 200m2 lên 500m2. Từ bước chuyển đó, số lượng gạch tôi sản xuất đã tăng từ 500 viên lên 1.500 viên/ngày.
Để có khách hàng, tôi bán gạch rẻ hơn so với các xưởng từ 500 - 1.000 đồng/viên; vận chuyển hàng tận nơi; phục vụ nhanh chóng, nhiệt tình, thậm chí cho khách hàng trả chậm vài ba tháng... Theo thời gian, cơ sở sản xuất gạch của tôi làm ăn ngày càng có lãi. Trung bình mỗi năm trừ hết chi phí tôi dành dụm được không dưới 250 triệu đồng. Khoản vay trả hết, vốn dần ổn định, tôi tập trung đầu tư phương tiện hiện đại và tạo công ăn việc làm cho hàng chục thanh niên địa phương với thu nhập trung bình 5 triệu đồng/tháng.
Hãy tự tin theo đuổi những đam mê của mình miễn không phải là những thứ viển vông. Đó chính là điều tôi muốn gửi tới những ai đang lựa chọn nghề nghiệp mưu sinh...
Anh Lương Minh Tường
Xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn
Vinh Minh (ghi) (Vinh Minh (ghi))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.