Bộ trưởng Bộ Y tế: Ổ dịch nguy hiểm nhất của Hội thánh truyền giáo Phục Hưng đã qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm

Bạch Dương Thứ ba, ngày 01/06/2021 13:46 PM (GMT+7)
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP.HCM với Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình sáng 1/6, Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định đợt bùng phát dịch liên quan nhóm tôn giáo tại TP.HCM đã trải qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm.
Bình luận 0
Bộ trưởng Bộ Y tế: Ổ dịch nhóm truyền giáo nguy hiểm nhất, đã qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm - Ảnh 1.

Phong tỏa con hẻm trên đường Nguyễn Văn Công, quận Gò Vấp vì liên quan đến ổ dịch Covid-19 nhóm sinh hoạt tôn giáo.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, TP.HCM có điểm bùng phát dịch mới tại nhóm sinh hoạt tôn giáo. Đây là ổ dịch có mức độ nguy hiểm nhất, khó kiểm soát so với các đợt bùng phát từ trước đến nay tại TP.HCM.

"Trường hợp đầu tiên có triệu chứng từ ngày 13/5 đến khi được phát hiện đã quá 13, 14 ngày. Trong khi đó, với chủng virus này, chu kỳ lây nhiễm rất nhanh, có thể 2-3 ngày hoặc sớm hơn. Chúng tôi đánh giá dịch tại TP.HCM có thể trải qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm và việc lây nhiễm này diễn ra theo cấp số nhân, cực kỳ nguy hiểm", ông Nguyễn Thanh Long nói.

Bộ trưởng nhấn mạnh trong thời gian này, thành phố có thể xuất hiện ổ dịch không rõ nguồn lây. Nguyên nhân là virus có thể lây nhanh trong môi trường không khí.

TP.HCM cần xác định sự nguy hiểm tại ổ dịch này và có biện pháp quyết liệt vì trong thời gian tới, thành phố sẽ xuất hiện thêm nhiều ca bệnh chứ không dừng lại con số 200 như Bộ Y tế công bố.

Đặc biệt, Bộ trưởng cảnh bảo nguy cơ dịch xâm nhập khu công nghiệp tại TP.HCM rất lớn và nhấn mạnh đây phải là trọng tâm, trọng điểm quan tâm cao nhất. Đơn vị nào không đảm bảo tiêu chí an toàn thì bắt buộc phải dừng sản xuất.

"Khu công nghiệp không thể làm việc online, lại là môi trường khép kín, sử dụng điều hòa tổng (nhất là các doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện tử) nên rất nguy hiểm", Bộ trưởng nhìn nhận.

Đồng tình với việc TP.HCM nhanh chóng thực hiện giãn cách xã hội nhưng Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu giãn cách phải phải nghiêm hơn, mạnh hơn. Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 quốc gia đã ban hành các mức đánh giá nguy cơ, cụ thể hóa chỉ thị 15, 16, 19 để áp dụng với từng quy mô: Mức bình thường mới, nguy cơ, nguy cơ cao và nguy cơ rất cao. Các địa phương, trong đó có TP.HCM tùy tình hình thực tiễn có thể nâng mức cao hơn chứ không có mức thấp hơn.

"Dịch đã lây 4-5 chu kỳ nên chúng ta không thể biết trước. Cần phối hợp ngành công an trong quá trình truy vết. Họ có thể hỗ trợ rất tốt. Càng làm triệt để, càng sớm bao nhiêu thì càng sớm gỡ được gánh nặng bấy nhiêu", Bộ trưởng nói.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thanh Long cho rằng hiện tại, dấu hiệu của các bệnh nhân ban đầu khá mờ nhạt. Do đó, TP.HCM cần tăng tốc, mở rộng hơn nữa chứ không thể chờ toàn bộ vào xét nghiệm rRT-PCR được.

"Tôi đề nghị toàn bộ người có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì phải được xét nghiệm. Đơn vị nào vi phạm thì xử lý nghiêm. Với cơ sở phòng khám, y tế tư nhân, nhà thuốc... cần phối hợp xác định người có biểu hiện sốt, khó thở... và xét nghiệm với kháng nguyên nhanh. Tôi đề nghị TP.HCM áp dụng triển khai thí điểm biện pháp này", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Lý giải về đề xuất này, Bộ trưởng Y tế cho rằng dù TP.HCM có công suất xét nghiệm cao, tuy nhiên, không thể xét nghiệm được cho hàng triệu người cùng lúc. Do đó, thành phố cần ưu tiên khu vực nguy cơ cao, người có nguy cơ mới sử dụng phương pháp RT-PCT.

Theo Bộ trưởng, từ thực tế dịch ở Bắc Giang, Bắc Ninh cho thấy, test kháng nguyên nhanh có thể được áp dụng để sàng lọc, rà soát nguy cơ ngẫu nhiên. Thậm chí có thể hướng dẫn công nhân tự lấy mẫu xét nghiệm. "Dĩ nhiên, độ chính xác tuyệt đối là chưa thể nhưng thà bắt nhầm còn hơn bỏ sót", Bộ trưởng lý giải thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem