Qua 3 lần Thủ tướng đối thoại với nông dân, nhiều rào cản phát triển nông nghiệp được gỡ bỏ

K.Nguyên Thứ năm, ngày 26/05/2022 09:34 AM (GMT+7)
Ngày 29/5 tới, Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam lần thứ tư sẽ được tổ chức tại Sơn La. Qua 3 lần đối thoại, Hội nghị đã đạt được nhiều thành công, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống người dân.
Bình luận 0

Qua 3 lần Thủ tướng đối thoại với nông dân, nhiều khó khăn, vướng mắc của nông dân được tháo gỡ

Ngày 29/5 tới, Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam lần thứ tư sẽ được tổ chức tại Sơn La. Qua 3 lần đối thoại, Hội nghị đã đạt được nhiều thành công, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống người dân.

Qua 3 lần Thủ tướng đối thoại với nông dân, nhiều rào cản phát triển nông nghiệp được gỡ bỏ - Ảnh 1.

Ngày 29/5 tới, Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam lần thứ tư sẽ được tổ chức tại Sơn La. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ chủ trì hội nghị. Ảnh: I.T

Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ nhất được tổ chức ngày 9/4/2018 tại tỉnh Hải Dương với chủ đề: "Tháo gỡ vướng mắc, khơi thông động lực, tiếp đà 30 năm đổi mới". Hội nghị có 600 đại biểu tham dự, trong đó có 300 nông dân đại diện cho 11 triệu hội viên nông dân cả nước. Hơn 2.200 câu hỏi đã được gửi tới Thủ tướng.

Sau Hội nghị, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 6158/VPCP-QHĐP truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc "Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nông dân". Trong đó, Thủ tướng yêu cầu 10 Bộ, ngành cùng trực tiếp vào cuộc tháo gỡ  khó khăn, vướng mắc cho nông dân như: Bộ NNPTNT, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng NNPTNT Việt Nam, Bộ Công an, KHĐT, GTVT…

Thủ tướng cũng yêu cầu rà soát tổng thể các chính sách hỗ trợ nông dân, trong đó có chính sách hỗ trợ về xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin, dự báo thị trường nông sản; tháo gỡ chính sách khó khăn về đất đai. Vấn đề kiểm tra, giám sát chất lượng vật tư nông nghiệp; trong đó có việc chuyển chức năng quản lý nhà nước đối với lĩnh vực phân bón từ Cục Hóa chất (Bộ Công thương) về Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT).

Thủ tướng cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, để người dân đưa đất vào sử dụng có hiệu quả trong đó có việc góp vốn, cho thuê, chuyển nhượng.. để phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn; giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiến hành rà soát, đánh giá các vướng mắc, bất cập về thể chế pháp luật về tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp vay vốn sản xuất kinh doanh. 

Sau đó, Ngân hàng NNVN đã ban hành Nghị định số 116/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55 và các Thông tư hướng dẫn về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn; nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân hộ gia đình lên gấp 2 lần (từ 100 triệu đồng lên tối đa 200 triệu đồng).

Qua 3 lần Thủ tướng đối thoại với nông dân, nhiều rào cản phát triển nông nghiệp được gỡ bỏ - Ảnh 2.

Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân là dịp để các nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã bày tỏ tâm tư, nguyện vọng với Chính phủ, đề xuất giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong ảnh: Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 2 tại Cần Thơ năm 2019.

Lần thứ hai Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân được tổ chức tại TP.Cần Thơ vào ngày 10/12/2019 với chủ đề: "Tháo gỡ vướng mắc, liên kết 6 nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản". Hội nghị có 700 đại biểu tham dự, trong đó có 400 nông dân. Gần 1.500 câu hỏi được gửi tới Thủ tướng.

Sau Hội nghị, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 942/VPCP-QHĐP thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ gửi các bộ, ngành chức năng, các địa phương khẩn trương triển khai tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nông dân. 

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu 12 Bộ, ngành tập trung vào 2 nhóm vấn đề chính: Tập trung nâng cao chuỗi giá trị nông sản và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Lần thứ 3 Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân được tổ chức tại TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) ngày 28/9/2020 với chủ đề: "Cùng nỗ lực vượt thách thức, giữ vững đà tăng trưởng giá trị nông sản Việt giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại".

Tại Hội nghị, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên thực hiện nghiêm việc đóng cửa rừng tự nhiên, thúc đẩy việc giao khoán, bảo vệ rừng, gắn với môi trường sinh kế bền vững. Nâng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam vượt 40 tỷ USD/năm. 

Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương có các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ vào khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Kiến nghị giải pháp khôi phục sản xuất sau dịch Covid-19 tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ tư

Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam Việt Nam lần thứ tư được tổ chức tạo Sơn La ngày 29/5. Tính đến ngày 20/5, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 1.600 câu hỏi gửi về. Theo Ban Tổ chức, nội dung các câu hỏi năm nay, tập trung vào một số nhóm vấn đề. Hầu hết các nông dân đều bày tỏ băn khoăn, lo lắng và cho biết các khó khăn đang gặp phải hiện nay, đó là tình hình giá cả vật tư nông nghiệp đầu vào tăng cao (phân bón, thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y…) dẫn tới sản xuất thua lỗ hoặc cùng lắm là hòa. Nông dân mong muốn Thủ tướng có các giải pháp chỉ đạo để hỗ trợ nông dân.

Qua 3 lần Thủ tướng đối thoại với nông dân, nhiều rào cản phát triển nông nghiệp được gỡ bỏ - Ảnh 3.

Nông dân đặt câu hỏi tới Thủ tướng tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 3 tại Đắk Lắk.

Nông dân bày tỏ lo lắng về tình trạng sốt đất, trong đó có đất nông nghiệp hiện nay dẫn đến nhiều nông dân không mặn mà sản xuất, chạy theo buôn bán đất đai, thậm chí bán cả đất vườn, ruộng. Việc sốt đất một mặt gây khó khăn cho sản xuất, mặt khác gây bất ổn xã hội và tình hình an ninh trật tự. 

Hiện nay, chuỗi liên kết giữa nhà nông- doanh nghiệp còn lỏng lẻo, chưa có sự gắn kết, các HTX chưa phát huy hết vai trò của mình và còn gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, thiếu nguồn nhân lực. Nông dân mong muốn Thủ tướng có các giải pháp chỉ đạo để nâng cao hơn nữa vai trò của HTX, nhất là các HTX nông nghiệp kiểu mới và về lâu dài mong muốn có Luật HTX nông nghiệp riêng.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trong thời gian qua các ngân hàng thương mại đã tích cực giải ngân, bố trí nguồn vốn cho tam nông, trong đó có việc ban hành Nghị định 55. Song theo phản ánh của nhiều nông dân, việc tiếp cận nguồn vốn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là thủ tục vay vốn, vấn đề thế chấp tài sản đảm bảo, đặc biệt là hiện nếu phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cần rất nhiều vốn… Nông dân mong muốn Thủ tướng có các giải pháp xem xét, chỉ đạo các ngân hàng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho nông dân.

Nông dân phản ánh, hiện tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn ngày càng nhức nhối, trong đó có 3 nguồn ô nhiễm chủ yếu: Ô nhiễm từ rác thải sinh hoạt, rác thải sản xuất nông nghiệp và từ rác thải, nước thải, khí thải từ các nhà máy, KCN đóng trên các địa bàn nông thôn. Nông dân mong muốn Thủ tướng có giải pháp chỉ đạo để đảm bảo môi trường nông thôn được xanh, sạch.

Ngoài ra, còn có nhóm câu hỏi về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thúc đẩy du lịch nông thôn, đảm bảo giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Nhóm câu hỏi về vấn đề di cư lao động từ nông thôn lên thành phố thành công nhân và giải pháp để ly nông nhưng không ly hương. 

Các vấn đề, kiến nghị, đề xuất khác như: Tình trạng biến đổi khí hậu ở ĐBSCL, nâng cấp và xây mới cơ sở hạ tầng vùng Tây Bắc, phát triển và giữ rừng, công tác KHCN với nghiên cứu giống; khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn…


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem