Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Bằng mọi cách phải đảm bảo thông quan hàng hóa nông sản

Thanh Phong Thứ tư, ngày 19/01/2022 06:49 AM (GMT+7)
Tại cuộc họp mới đây của Ban chỉ đạo giải quyết tình hình ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu biên giới phía Bắc, đại diện Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh các việc cần làm để giải quyết các vấn đề còn tồn tại.
Bình luận 0

Theo báo cáo của Sở Công Thương các tỉnh biên giới phía Bắc, đến 8 giờ sáng ngày 17/01/2022, toàn tuyến biên giới phía Bắc đã có 12 cửa khẩu, lối mở hoạt động. Tổng lượng xe còn tồn tại 2 tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh là 2.643 xe, giảm hơn 3.000 xe so với thời điểm cuối tháng 12/2021.

Nói về tình trạng ùn ứ nông sản sang Trung Quốc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, bằng mọi cách phải đảm bảo thông quan hàng hóa nông sản. Qua đó, đảm bảo 3 mục đích: Thực hiện các thỏa thuận cấp cao giữa 2 nước, đáp ứng quyền lợi ích 2 bên, tránh bức xúc trong nhân dân, đặc biệt trong giai đoạn Tết cận kề.

Thực hiện các mục tiêu nói trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu các vấn đề Ban chỉ đạo cần tập trung thực hiện thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Bằng mọi cách phải đảm bảo thông quan hàng hóa nông sản - Ảnh 1.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên (Ảnh: Báo Công Thương)

Thứ nhất, tiếp tục kiên trì giao thiệp với Trung Quốc. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao hai nước là: Thuận lợi hóa thương mại giữa hai nước trong mọi hoàn cảnh. Tiếp tục khắc phục khó khăn, nỗ lực thông quan hàng hóa qua cửa khẩu, cơ bản đảm bảo an toàn phòng dịch, tránh thiệt hại cho các bên.

"Về lâu dài, cần sản xuất kinh doanh theo đúng nguyên tắc của kinh tế thị trường. Tinh thần chung là phải rõ về quan điểm, nhất quán trong hành động, nỗ lực hết mình. Làm hết việc chứ không hết giờ", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh

Thứ hai, các địa phương có cửa khẩu cần phối hợp với các bộ ngành liên quan khẩn trương thiết lập vùng an toàn dịch bệnh để tập kết hàng hoá, xử lý kỹ thuật, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho hàng hóa và người vận chuyển hàng hoá. Đồng thời tổ chức tốt việc phân luồng giao thông, tránh ách tắc; đảm bảo chỗ ăn nghỉ cho lái xe, chủ hàng và các dịch vụ cần thiết cho lưu trú, bảo quản tạm thời hàng hoá; tổ chức lực lượng phối hợp với phía bạn và chủ hàng để giao nhận, thanh toán.

Thứ ba, chỉ đạo các lực lượng chức năng (hải quan, biên phòng, giao thông, công an) tăng cường các biện pháp nhằm thuận lợi hóa cho việc vận chuyển, lưu thông và thông quan qua cửa khẩu. Đặc biệt, lực lượng hải quan cần tăng ca, kíp… tạo thuận lợi cho thông quan.

Thứ tư, chỉ đạo, khuyến cáo các chủ hàng, cơ sở sản xuất kinh doanh tuân thủ quy tắc, áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh trên người, phương tiện vận tải, đặc biệt là trên bao bì sản phẩm. Cung cấp đủ truy xuất nguồn gốc; bảo đảm chất lượng hàng hóa như cam kết, tuân thủ quy định về bao bì đóng gói, bảo quản, giao nhận.

Thứ năm, thường xuyên giữ mối liên hệ và khuyến cáo với các chính quyền, cơ quan chức năng địa phương có hàng nông thủy sản xuất khẩu trong việc hợp tác chặt chẽ với Ban chỉ đạo để việc đưa hàng lên biên giới, tổ chức thông quan qua cửa khẩu thuận lợi. Về lâu dài, chỉ đạo sản xuất có quy hoạch, kế hoạch, tổ chức sản xuất theo tín hiệu thị trường…

Thứ sáu, các thành viên Ban chỉ đạo cần chỉ đạo các đơn vị chức năng của bộ, ngành, địa phương mình nghiêm túc thực hiện các yêu cầu nhiệm vụ mà Ban chỉ đạo nêu ra, báo cáo định kỳ. Bộ Công Thương giao Cục Xuất nhập khẩu, Vụ thị trường châu Á - châu Phi là cơ quan thường trực.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem