Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Giao 3.000 tỷ đồng để bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt năm 2022

Thế Anh Thứ tư, ngày 05/01/2022 18:15 PM (GMT+7)
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa phê duyệt kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2022, với tổng kinh phí dành cho hoạt động bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt là 3.000 tỷ đồng.
Bình luận 0

Như vậy, số tiền này đã tăng khoảng 200 tỷ đồng so với năm 2021. Trong đó chi bảo dưỡng thường xuyên hơn 2.694 tỷ đồng; Chi sửa chữa định kỳ, kiểm định, khắc phục hậu quả bão lũ bước 2 và sửa chữa đột xuất là 260 tỷ đồng; Chi phí dự phòng chưa phân bổ hơn 45,856 tỷ đồng.

Để sử dụng số tiền này, Bộ GTVT giao Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chịu trách nhiệm về tính chính xác đối với khối lượng bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Cùng với đó là chịu trách nhiệm về số liệu chính xác của các hồ sơ, tài liệu cung cấp cho Bộ GTVT; Chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quy định hiện hành, đảm bảo việc bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được thường xuyên, liên tục nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, an toàn chạy tàu.

Đường sắt được giao 3.000 tỷ đồng để bảo trì kết cấu hạ tầng 2022 - Ảnh 1.

Hệ thống đường sắt tại ga Đồng Đăng. Ảnh: Quang Dũng

Bộ GTVT cũng đã có văn bản chính thức ủy quyền Cục trưởng Cục Đường sắt ký hợp đồng đặt hàng công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2022 với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và ký hồ sơ quyết toán kinh phí, thanh lý hợp đồng đặt hàng bảo trì kế cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2021 đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng giao Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam khẩn trương thực hiện ký Hợp đồng đặt hàng công tác bảo dưỡng KCHT đường sắt quốc gia năm 2022 với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam theo ủy quyền của Bộ trưởng Bộ GTVT, làm căn cứ để các đơn vị triển khai thực hiện.

Đối với công tác sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất, khắc phục hậu quả bão lũ bước 2, kiểm định, quan trắc và các công tác khác sẽ được triển khai thực hiện sau khi có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đường sắt được giao 3.000 tỷ đồng để bảo trì kết cấu hạ tầng 2022 - Ảnh 2.

Khu vực ga hàng hoá tại ga Đồng Đăng. Ảnh: D.V

Trước đó, Bộ GTVT vừa quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư 3 dự án đường sắt với tổng vốn hơn 3.100 tỷ đồng để tiếp tục cải tạo, nâng cấp đường sắt Bắc - Nam để đảm bảo an toàn khai thác hiệu quả.

Cụ thể, nối tiếp các dự án quan trọng cấp bách thuộc gói 7.000 tỷ đồng vốn trung hạn 2016 - 2020 đang được triển khai, Bộ GTVT tiếp tục phê duyệt chủ trương đầu tư 3 dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt Bắc - Nam, thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2022 - 2025.

Bộ GTVT đặt mục tiêu của các dự án nhằm đảm bảo an toàn giao thông, cải thiện chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt, từng bước nâng cao năng lực chuyên chở, tạo kiện thuận lợi trong việc thu hút hành khách và hàng hóa để khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng đường sắt hiện có trên tuyến.

Bộ GTVT phê duyệt cải tạo, nâng cấp đoạn Hà Nội - Vinh, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh có điểm đầu tại ga Hà Nội (Km0+00), điểm cuối tại ga Vinh (km319+202), tổng chiều dài khoảng 319km.

Quy mô đầu tư gồm cải tạo, nâng cấp đường sắt quốc gia khổ 1.000mm với các hạng mục cải tạo các cầu yếu; cải tạo kiến trúc tầng trên một số đoạn; cải tạo bình diện các vị trí có bán kính đường cong nhỏ (R<400m) và một số hạng mục công trình đồng bộ (cống thoát nước); xử lý điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt.

Lực lượng chức năng cải tạo, nâng cấp 10 cầu yếu; cải tạo, nâng cấp kiến trúc tầng trên (thay ray, tà vẹt, đá ba lát...) 12 đoạn, chiều dài khoảng 29,9km, cải tạo bình diện tại 8 vị trí có bán kính đường cong nhỏ R<400m, chiều dài khoảng 4,6km...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem