Hiện người dân Đức Chính và một số xã của huyện Cẩm Giàng đang bước vào vụ thu hoạch rộ cà rốt phục vụ thị trường cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2019. Theo ông Hoàng Văn Chư - Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Đức Chính, toàn huyện Cẩm Giàng có khoảng 750ha trồng cà rốt, trong đó riêng xã Đức Chính có khoảng 350ha, bao gồm cả diện tích ở đồng trong và đồng ngoài.
Giống cà rốt ở đây chủ yếu là cà rốt Nhật Bản, cho củ to, mẫu mã đẹp. Bà con cho biết, khi thời tiết thuận lợi, tỉ lệ củ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu khá cao, tuy nhiên năm nay một số diện tích xuống giống sớm bị mưa, đất bó chặt nên tỉ lệ củ cà rốt nhỏ, sẹo, sâu... nhiều hơn.
Nông dân xã Đức Chính có kinh nghiệm trồng cà rốt từ 30 - 40 năm trước đây. Do được ưu đãi từ nguồn nước sông Thái Bình và có phù sa màu mỡ nên cà rốt ở đây nổi tiếng thơm ngon, ngọt hơn cà rốt ở các vùng khác. Nhờ sản xuất theo quy trình VietGAP, cà rốt Đức Chính đã được đưa đi xuất khẩu tại một số thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hongkong...
Sáng 20/1, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cùng lãnh đạo tỉnh Hải Dương, đại diện Cục Trồng trọt thăm vùng liên kết sản xuất cà rốt theo quy trình VietGAP tại xã Đức Chính. Bộ trưởng bày tỏ sự phấn khởi khi cây cà rốt ở đây được phát triển theo vùng tập trung chuyên canh quy mô lớn, hầu hết các khâu sản xuất đều được áp dụng cơ giới hoá, nhiều diện tích đã có hệ thống tưới tiết kiệm, duy chỉ còn khâu thu hoạch vẫn phải làm thủ công. Ảnh: Minh Huệ
Đối với loại cà rốt củ to, đều, không sứt, không có sẹo, đẹp "không tì vết" như thế này sẽ được thương lái và các doanh nghiệp thu mua để đưa đi xuất khẩu hoặc tiêu thụ tại thị trường phía Nam. Hiện giá bán tại ruộng là 3.000 đồng/kg, đầu vụ giá cao hơn, đạt từ 5.000 - 8.000 đồng/kg. Ảnh: Minh Huệ
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường vô cùng thích thú khi nông dân chia sẻ bí quyết để có vụ cà rốt được mùa, nhiều củ to, đẹp. Sau vụ cà rốt, bà con lại tiếp tục trồng dưa hấu, ngô nên thu nhập của nông dân ở đây rất cao.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT vui vẻ ăn thử cà rốt tươi Đức Chính ngay tại ruộng. Bộ trưởng cho biết, cà rốt ở đây được trồng theo quy trình VietGAP, rất thơm và ngọt. Ảnh: Minh Huệ
Những củ cà rốt loại 2, loại 3 tiếp tục được nông dân thu gom để bán cho thương lái chế biến thành mứt cà rốt, cà rốt gia vị, hoặc bán cho các cơ sở làm nước ép...
Thương lái các địa phương đến thu mua cà rốt ngay tại ruộng với giá 3.000 đồng/kg (loại 1); loại 2-3 dao động từ 200 - 500 đồng/kg. Ảnh: Minh Huệ
Nhờ được đầu tư cơ sở vật chất, giao thông nội đồng rộng rãi nên ô tô tải có thể vào tận ruộng thu mua, vận chuyển cà rốt cho bà con. Ảnh: Minh Huệ
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thăm Công ty TNHH Tân Hương (xã Cẩm Văn), một trong những doanh nghiệp lớn chuyên thu mua cà rốt và các loại nông sản khác của bà con địa phương. Cà rốt sau khi được thu mua về sẽ đưa vào máy rửa sạch đất cát, sau đó công nhân phân loại. Đối với củ to, đẹp sẽ được đóng thùng đưa đi xuất khẩu; cà rốt loại 2 đóng bao tải đưa đi tiêu thụ tại các tỉnh thành phía Nam, còn loại 3-4 sẽ được đưa vào chế biến các sản phẩm khác.
Công nhân đóng cà rốt vào thùng trước khi đưa đi tiêu thụ. Ảnh: Minh Huệ
Vui lòng nhập nội dung bình luận.