Nông sản Việt chinh phục nhiều thị trường khó tính
Theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, trong năm 2019, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị tích cực đàm phán để có thêm các loại quả tươi có giá trị cao xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc...; gần đây nhất, ngày 16/12/2019, sau 5 năm đàm phán, Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản đã công bố chấp nhận nhập quả vải thiều tươi của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản.
Ở lĩnh vực chăn nuôi, thúc đẩy xuất khẩu thịt gà chế biến đi Nhật Bản; xuất khẩu lợn sữa vào Malaysia, Hồng Kông; xuất khẩu mật ong đi EU, Hoa Kỳ. Lô sữa đầu tiên đã được xuất vào Trung Quốc trong tháng 10/2019. Đối với lĩnh vực thủy sản, Mỹ đã công nhận tương đương đối với mặt hàng cá da trơn Việt Nam, giảm thuế nhập khẩu cá tra, tôm từ nước ta vào Mỹ hầu hết ở mức 0%; và đang hoàn thiện bước cuối về kỹ thuật để con tôm sống của Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường Úc.
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch năm 2020 của ngành nông nghiệp. Ảnh: K.Lực.
”Trong hoàn cảnh hết sức khó khăn về thương mại, xuất khẩu nông lâm thủy sản vẫn đạt 41,3 tỷ USD, đây làm một kỷ lục, rất quan trọng và nhiều ý nghĩa, cho thấy nỗ lực khai mở thị trường của các ngành chức năng, của các doanh nghiệp đã mang lại kết quả xứng đáng” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Về các giải pháp phát triển chăn nuôi và bình ổn thị trường thịt lợn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngay khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra, với nhận định có nguy cơ thiếu thực phẩm vào những tháng cuối năm, Bộ đã chủ động khuyến khích tăng cường sản xuất chăn nuôi gia cầm, gia súc lớn, thủy sản để bù đắp một phần lượng thịt lợn bị giảm.
Nhờ vậy, đến nay sản lượng các sản phẩm chăn nuôi khác đều tăng mạnh, như thịt gia cầm đạt 1,3 triệu tấn, tăng 15% (tăng 145.000 tấn), trứng gia cầm tăng 12% (tăng 1,4 tỷ quả), gia súc lớn tăng 4,2%...; cùng với một số địa phương đã kiểm soát tốt dịch bệnh nên việc tái đàn, duy trì chăn nuôi lợn an toàn sinh học được đẩy mạnh.
”Những yếu tố trên góp phần đáp ứng cơ bản thực phẩm cho nhu cầu thị trường, không làm biến động xáo trộn đời sống người dân trong dịp cuối năm và tết âm lịch cổ truyền tới” – ông Cường nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khảo sát tình hình tái đàn lợn ở Bắc Giang ngày 22/12.
Các mô hình liên kết lên ngôi
Có thể thấy, nét mới trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp ở các địa phương việc xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị ngày càng phát triển.
Là một trong những địa phương thực hiện rất tốt quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, đến nay, Sơn La đã gặt hái được nhiều thành công, trở thành trung tâm cây ăn quả mới ở phía Bắc. Ông Lò Minh Hùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, tỉnh đã chủ động chuyển đổi diện tích trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, hiện đạt 70.000ha; đồng thời đẩy mạnh thâm canh các loại cây công nghiệp như cà phê, chè, cao su... với tổng diện tích 70.000ha. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản ở vùng lòng hồ, hiện đã có 9.600 lồng cá với sản lượng 6.500 tấn.
"Chúng tôi xác định phát triển hợp tác xã là giải pháp quan trọng để đẩy mạnh tái cơ cấu nên trong thời gian ngắn chúng tôi phát triển được 626 HTX, trong đó có 520 HTX nông nghiệp; tỉnh cũng thu hút đầu tư được 40 nhà máy chế biến nông lâm thủy sản; xây dựng thương hiệu cho 18 nông sản chủ lực" - ông Hùng nói.
Sau 5 năm đàm phán, vải thiều chính thức được xuất khẩu sang Nhật Bản. Ảnh: I.T
Phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị cũng là hướng đi của tỉnh Bắc Giang. Ông Dương Văn Thái – Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, năm 2019, tuy sản lượng vải thiều giảm, dịch tả lợn châu Phi bùng phát, tuy tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp có giảm nhưng giá trị tăng thêm của ngành lên tới 520 tỷ đồng. Thời gian tới, Bắc Giang tiếp tục phát huy các sản phẩm thế mạnh của địa phương như vải thiều, gà đồi...
Trong khi đó, tỉnh Gia Lai cũng đã thu hút được 8 doanh nghiệp liên kết, sản xuất, tiêu thụ nông sản với nông dân theo mô hình cánh đồng mẫu lớn.
Còn tỉnh Đồng Nai, theo báo cáo của ông Võ Văn Chánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, hiện, tỉnh đã xây dựng được chuỗi giá trị sản xuất gia cầm xuất khẩu sang Nhật Bản.
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của địa phương, doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, mục tiêu đặt ra cho năm 2020 là xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, thích ứng với biển đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh.
Theo đó, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới. Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với 3 nhóm sản phẩm chủ lực (nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm cấp tỉnh và nhóm sản phẩm OCOP. Khai thác và tận dụng tốt lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, xây dựng và phát triển vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng, tạo đột phá trong phát triển nhanh, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh hàng nông sản Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.